Xe đạp điện hơn 25km/h phải đăng ký như xe máy
Xe gắn động cơ điện, có bàn đạp mà tốc độ tối đa cao hơn 25km/h sẽ được coi là một loại xe cơ giới và sẽ phải đăng ký, đăng kiểm.
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo sáng 8/11, ông Trịnh Ngọc Giao (Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, tới đây, người sử dụng xe máy điện sẽ phải làm thủ tục đăng ký và đăng kiểm như xe mô tô, xe gắn máy.
Ông Giao cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 1 triệu xe đạp điện xe máy điện. Nhưng nhiều người vẫn chưa phân biệt được hai loại xe này.
Theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, một trong các tiêu chí phân biệt là: xe đạp điện có tốc độ tối đa không được quá 25km/h, xe máy điện không quá 40km/h.
Theo ông Giao, xe máy điện được coi là một loại xe máy. Sắp tới, người đi loại xe này trên đường phải mang theo giấy đăng ký như xe máy. Nếu đi loại xe có gắn động cơ điện mà tốc độ tối đa lớn hơn 40km/h, sẽ được coi là xe máy điện. Khi CSGT kiểm tra, người điều khiển phải xuất trình được giấy tờ xe.
Người sử dụng xe máy điện sẽ phải làm thủ tục đăng ký và đăng kiểm như xe mô tô, xe gắn máy (Ảnh minh họa: Hồng Phú)
Vấn đề đặt ra là hiện nay xe máy điện và xe đạp điện không có tem, mác, chứng nhận rõ rằng. Người dân lúc mua xe làm sao phân biệt được xe đạp điện hay xe máy điện để làm thủ tục đăng ký. Mặt khác, trên thị trường có rất nhiều loại xe đạp điện, máy điện. Người sử dụng cũng không thể biết được loại xe mình đi có tốc độ tối đa bao nhiêu? Nếu khi mua xe, chủ hàng giới thiệu là xe đạp điện, tốc độ tối đa dưới 25km/h, nhưng thực tế đi trên đường, tốc độ lại cao hơn. Vậy phải làm thế nào?
Ông Trịnh Ngọc Giao thừa nhận, hiện nay, các cơ quan quản lý vẫn chưa có quy chuẩn, tem mác cụ thể để phân biệt. Nhưng tới đây, hai loại xe này sẽ phải được phân biệt rõ ràng. Xe đạp điện được đưa ra bán trên thị trường phải có chứng nhận đúng các tiêu chuẩn và kiểm định không quá 25km/h.
Nhưng theo vị Cục trưởng, một trong các dấu hiệu dễ nhận biết nhất, xe có động cơ điện mà không có bàn đạp thì được coi là xe máy điện. Thứ hai, xe động cơ điện có bàn đạp mà tốc độ cao hơn 25km/h cũng là xe máy điện. Các loại này sẽ phải đăng ký như mô tô xe máy.
Ông Trịnh Ngọc Giao - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam
Tại cuộc họp báo, Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện (Phó trưởng Phòng tuyên truyền, điều tra và xử lý TNGT, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt) cũng cho biết, thời gian qua, lực lượng CSGT trong đó có Hà Nội chưa phải xử lý vi phạm về tốc độ đối với xe đạp điện, xe máy điện. Những loại xe này thường đi trong nội thành nên tốc độ khá chậm. Lỗi mà học sinh, sinh viên đi xe đạp điện, xe máy điện thường mắc phải là: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người, vi phạm tín hiệu giao thông.
Thượng tá Luyện cho hay, lâu nay, ngoài kiểm tra, xử lý các lỗi này, cơ quan chức năng còn phải phối hợp với nhà trường, gia đình giáo dục, nhắc nhở các em.