Xe đạp công cộng tại Hà Nội: Nhất trí triển khai nhưng vẫn chưa cho lăn bánh
Trong hơn hai năm qua, thành phố Hà Nội đã nhất trí để các sở, ngành triển khai đề án cho xe đạp công cộng xanh, thân thiện môi trường theo hình thức xã hội hóa lăn bánh tại Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, các mốc đề án đều bị lỡ hẹn.
Với mục tiêu sử dụng phương tiện xanh, thân thiện môi trường, đa dạng hóa loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), đầu năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để triển khai mô hình xe đạp công cộng. Cuộc họp này diễn ra sau khi TP.HCM triển khai rộng rãi loại hình xe đạp này để phục vụ người dân. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền thống nhất giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp với nhà đầu tư xây dựng kế hoạch, nội dung triển khai.
Chủng loại xe đạp công cộng được triển khai tại Hà Nội giống xe đạp đang hoạt động tại TPHCM
Sau đó, Văn phòng UBND thành phố có thông báo các chỉ đạo của ông Nguyễn Mạnh Quyền để thực hiện. Theo đó, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở GTVT đánh giá việc triển khai thí điểm xe đạp đô thị tại TPHCM và việc triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội; phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu, lập đề án triển khai.
Trao đổi với PV Tiền Phong cuối tuần qua, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ tháng 3/2022, Sở GTVT Hà Nội và nhà đầu tư đã lập đề án và có báo cáo cụ thể nội dung, lộ trình triển khai. Sau đó, qua một số lần điều chỉnh, hoàn thiện lại, hiện đề án vẫn đang chờ UBND thành phố chấp thuận cho thực hiện.
Theo đề án đã được Sở GTVT Hà Nội và nhà đầu tư lập, trong giai đoạn 2021 - 2022, thành phố Hà Nội sẽ triển khai dự án “Xe đạp đô thị”. Dự án nhằm đa dạng hóa loại hình phương tiện vận tải hành khách thân thiện với môi trường, kết nối giữa nhà ga xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị, các khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại, trụ sở văn phòng, khu liên cơ quan...
Nêu điểm khác biệt của dự án, đơn vị thực hiện cho biết, thay vì phải chờ đợi và hành trình phải phụ thuộc điểm lên, xuống cố định như các loại hình vận tải công cộng hiện nay; loại hình xe đạp công cộng lại giúp người dân chủ động được đi lại, đến điểm có xe đạp được bố trí là lấy xe đi ngay, không phải chờ đợi.
Trong quá trình đi xe đạp, người dân chủ động dừng, đỗ, đi vào các con phố nhỏ, ngõ nhỏ tùy thích. Hơn nữa, hệ thống điều hành, quản lý xe đạp công cộng là công nghệ số, thông qua điện thoại thông minh người dân có thể cài ứng dụng của trang (app) “Xe đạp đô thị” để nắm bắt các thông tin về xe, các điểm bố trí xe, tình trạng xe khi hành khách muốn đi, chi phí liên quan.
Về lộ trình và thời gian triển khai, Sở GTVT Hà Nội và đơn vị lập dự án cho biết, kế hoạch triển khai xe đạp công cộng trên địa bàn Hà Nội chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (thực hiện trong 1 năm), dự kiến trong quý III hoặc IV năm 2022. Ở giai đoạn này, đơn vị thực hiện dự án sẽ đầu tư mua 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp cơ và 500 xe đạp điện. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này là khoảng 30 tỷ đồng. Để triển khai dư án, Sở GTVT Hà Nội và đơn vị thực hiện đã khảo sát được 85 vị trí để bố trí xe đạp công cộng phục vụ người dân. Các vị trí này nằm ở 6 quận trung tâm, bao gồm: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân. Ngoài ra đơn vị cũng đang khảo sát, bố trí thêm các điểm phục vụ xe đạp công cộng ở dọc tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Giai đoạn 2, dự kiến thực hiện từ năm 2023 đến 2024. Trong giai đoạn này, dự án thực hiện mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Ở giai đoạn này đơn vị thực hiện tiếp tục phối hợp với Sở GTVT, các quận có liên quan khảo sát, bố trí thêm 350 địa điểm phục vụ xe đạp công cộng mới. Tổng số lượng xe đạp công cộng cần mua sắm giai đoạn này là khoảng 3.000 xe.
Tổng mức đầu tư cho cả hai giai đoạn là hơn 130 tỷ đồng. Đến nay đã hết quý III/2022 nhưng xe đạp công cộng trên địa bàn vẫn chưa hoạt động. Lý do là lãnh đạo thành phố Hà Nội vẫn chưa cho ý kiến về việc triển khai dự án theo các kế hoạch, lộ trình đã được Sở GTVT Hà Nội báo cáo.
Nguồn: [Link nguồn]
Người đàn ông thuê xe đạp công cộng đi nhậu sau khi quá chén đặt xe công nghệ về nhà, nhân viên điều phối "vận công lực" mới lấy lại được xe.