Xe công: Thủ tướng không sắm mới, bộ ngành thích tậu thêm

Tuyên bố của Thủ tướng về việc không mua mới xe công cho thấy thông điệp rõ ràng về tiết kiệm, chống lãng phí của người đứng đầu Chính phủ. Nhưng điều này liệu có tác động mạnh đến các bộ, địa phương khi mà mới đây đề án mua sắm tập trung xe công phải đột ngột… hoãn và nhiều đơn vị có ý chần chừ không muốn đưa xe công về một mối?

Xe công: Thủ tướng không sắm mới, bộ ngành thích tậu thêm - 1

Xe công đi lễ hội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tiết kiệm xe công - cần thực chất

Lãnh đạo một doanh nghiệp Nhà nước về công tác tại một bộ ngành kể đã 2 tháng nay ông không còn xe đưa đón theo cơ chế riêng của doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, thay vào đó, ông đi làm bằng ô tô riêng hoặc tự bỏ tiền túi đi taxi. 

Điểm khác biệt lớn giữa doanh nghiệp và bộ ngành vị này nhận thấy đó là tiêu chuẩn sử dụng xe có sự phân cấp rõ. “Tại DNNN, cơ chế doanh nghiệp cho phép các lãnh đạo ngân hàng có xe đưa đón . Còn về đây, tôi chỉ dùng xe công khi đi công việc của ngành mà đời xe cũng thấp hơn nhiều”,  vị này kể.

Theo ông, đa phần xe công của bộ ông đang  sử dụng đều cũ, hầu hết các đời từ 2003 - 2004 có xe còn đời sâu hơn. “Tính toán về  nhu cầu sử dụng và thực tế xe, đúng là  thiếu và chúng tôi cần xin mua thêm. Nhưng nay Thủ tướng đã làm gương tiết kiệm không sắm xe mới thì ngành cũng sẽ cố gắng noi theo”, vị này  chia sẻ.

Theo đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), ở Thường vụ QH từng cho hay: Hiện một số phó chủ nhiệm của các ủy ban đã thực hiện việc sử dụng xe công theo hình thức khoán, nhận 120 triệu đồng/năm. Như vậy, so với chi phí sử dụng xe công một năm (mức 320 triệu đồng), tiết kiệm cho dân, cho Nhà nước 200 triệu đồng/năm. Tính toán cho thấy, nếu 10 người thực hiện tiết kiệm như vậy thì Nhà nước có được 2 tỷ đồng.

Xe công: Thủ tướng không sắm mới, bộ ngành thích tậu thêm - 2

 Xe công dùng rước dâu. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đồng loạt xin sắm mới dù thừa xe

Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 6/2016 vẫn còn 6 bộ ngành và 4 địa phương chưa báo cáo về rà soát, sắp xếp ô tô công. “Tới thời điểm báo cáo Chính phủ mà bộ ngành, địa phương nào chưa có báo cáo, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị trực tiếp với Chính phủ”- tại buổi họp về xe công cuối tháng 6/2016, bà Tạ Thanh Tú, Phó Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết.

Lần giở lại những báo cáo xe công của một số bộ ngành, thấy khá bất cập ở chỗ nhiều nơi vẫn vô tư xin sắm mới, dù theo định mức đang thừa xe. Đơn cử: tại Bộ LĐ-TB&XH, với ô tô công phục vụ công tác chung, bộ này đề xuất vượt 8 xe so với tiêu chuẩn, định mức của Chính phủ. Như văn phòng đại diện bộ này tại miền Nam, dù chỉ tương đương 1 vụ thuộc bộ, nhưng Bộ LĐ-TB&XH vẫn đề xuất cho trang bị 3 xe, nên Bộ Tài chính yêu cầu điều chỉnh giảm 2 xe. Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất thêm 4 xe công cho các quỹ và dự án thuộc bộ này, nhưng Bộ Tài chính từ chối vì lãnh đạo các đơn vị này đều kiêm nhiệm, không được tiêu chuẩn có xe.

Bộ Công Thương tính 12 ô tô công phục vụ chức danh, nhưng theo Bộ Tài chính, con số này thừa 1 so với tiêu chuẩn. Bộ này cũng thừa 57 xe phục vụ công tác chung. Những xe thừa này, theo Bộ Tài chính, do Bộ Công Thương xác định sai định mức và trang bị vượt chỉ tiêu từ 1 xe lên 2 xe cho 25 trường cao đẳng thuộc bộ và trang bị không đúng quy định 5 xe cho 5 trung tâm thuộc các cục, viện (đáng lẽ ra không thuộc đối tượng được dùng xe công). Dù đã thừa xe, nhưng Bộ Công Thương vẫn tiếp tục đề nghị trang bị thêm cho đơn vị thiếu ô tô công so với định mức.

Còn Bộ NN&PTNT thì thừa nhận, bộ có 176 ô tô công phục vụ công tác chung. Ngoài ra, ô tô công chuyên dùng của Bộ NN&PTNT cũng thừa tới 39 xe. Dù thừa như vậy, nhưng Bộ NN&PTNT vẫn đề nghị được giữ lại cho các đơn vị đã trang bị sai quy định...

Ngay từ khi “phôi thai” đề án mua sắm tập trung, đại diện Cục Công sản từng kỳ vọng việc mua sắm ô tô công theo hình thức tập trung cho cả nước (từ năm 2016) sẽ đủ mạnh để “trấn áp” tình trạng tham nhũng, lãng phí, mua xe sai định mức. Tuy nhiên, có một số tế nhị mà ngay cả đơn vị này cũng ngại đề cập, đó là chủ trương mua sắm tập trung đặc biệt ô tô công không hẳn đã nhận được sự đồng tình của nhiều đơn vị, bộ ngành hay địa phương.

Theo thống kê, số lượng ôtô phục vụ công tác chung hiện có là 24.460 chiếc, nếu tính theo định mức mới ước tính sẽ giảm khoảng 7.000 xe so với hiện tại. Như vậy, mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm khoảng 500 tỷ đồng mua xe thay thế, chưa tính chi phí vận hành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền - Lê Hữu Việt ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN