Xe buýt riêng cho phụ nữ: Người đề xuất nói gì?

GS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng, có xe buýt riêng cho phụ nữ khiến họ cảm thấy được xã hội quan tâm, tôn trọng và chắc chắn là họ sẽ yêu đời, yêu người hơn.

Trong cuộc họp về vấn đề giao thông Hà Nội ngày 23/12, Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) nghiên cứu thí điểm tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ.

Chủ trương được đưa ra sau khi Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam, ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới - Gia đình & Môi trường trong Phát triển công bố kết quả khảo sát: 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt, 20% người chứng kiến trẻ em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt nhưng không hành động gì...

Trao đổi với phóng viên, GS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng, chiếc xe buýt dành riêng ấy có băng rôn hay viết vào xe dòng chữ: “Xe dành riêng cho phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật”.

Xe buýt riêng cho phụ nữ: Người đề xuất nói gì? - 1

Có xe buýt riêng cho phụ nữ khiến họ cảm thấy được xã hội quan tâm, tôn trọng và chắc chắn là họ sẽ yêu đời, yêu người hơn.

 Theo GS Lê Thị Quý - người từng đề xuất xe buýt dành riêng cho phụ nữ từ năm 2012 trong một hội nghị của tổ chức Quốc tế Plan bàn về sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái ở Hà Nội, xe chỉ dành riêng cho “phái đẹp”, đặc biệt là những phụ nữ có thai và những người yếu sức khỏe như trên là rất hợp lý và cần thiết.

Bởi họ không đủ sức chen lấn giữa đám đông, không dám phản ứng mạnh khi bị quấy rối tình dục, là đối tượng hay bị móc túi, cướp giật và các tệ nạn khác.

Nữ  viện trưởng cũng cho rằng, xe buýt hiện nay là phương tiện giao thông công cộng đang được ưa thích ở các thành phố lớn vì tính an toàn và thuận tiện của nó nhưng nó lại mất an toàn với phụ nữ và những người yếu thế.

Điều này khiến nhiều người bức xúc và đã trở thành một trong những hình ảnh không đẹp của thủ đô Hà Nội.

Bà nói: “Tạo không gian an toàn cho phụ nữ, trẻ em và những người yếu thế khác là trách nhiệm của chính quyền và xã hội.  Đây sẽ là một trong những hành động làm đẹp cho cuộc sống”.

“Nó  mở đầu cho hàng loạt hành động mạnh mẽ hơn để Hà Nội sẽ cam kết trở thành một trong những thành phố an toàn trên thế giới”.

Có xe buýt dành riêng cho phụ nữ cũng sẽ đánh động ý thức cho cộng đồng về cách hành xử văn minh, trong đó nam giới luôn có ý thức giúp đỡ phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật.

“Đồng thời, “phái đẹp” và những người yếu thế khác cảm thấy mình được tôn trọng, yêu quý, từ đó họ yêu cộng đồng hơn. Bằng các đó, chúng ta sẽ góp phần xây dựng một lối hành xử văn minh giữa người với người”, giáo sư  Quý chia sẻ.

Xe buýt riêng cho phụ nữ: Người đề xuất nói gì? - 2 

GS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển

Nữ giáo sư không đồng tình trước ý kiến cho rằng, “có thêm xe buýt dành riêng cho phụ nữ giống như công khai thừa nhận Hà Nội có nạn quấy rối tình dục ở nơi công cộng”, làm xấu hình ảnh Hà Nội.

Bởi không thể nói một một cách tiêu cực rằng chính sách để bảo vệ phụ nữ, trẻ em và người yếu thế là “tự bôi xấu mình”. Cần phải nhìn thẳng vào các tệ nạn đang xảy ra để giải quyết nó.

Ở các thành phố khác, cũng có nhiều sáng kiến bảo vệ khách du lịch, doanh nghiệp... không thể nói vì thế mà  thành phố đó đó trở nên xấu hơn mà ngược lại. Do vậy, nên nhìn vấn đề tích cực và nhân văn hơn.

Giáo sư nói: “Tại sao Hà Nội không làm được? Khi chính sách này không hề tốn kém hay gây ra phức tạp gì trong vận tải hành khách. Xe buýt dành cho nữ chỉ là xe có tên riêng và hành khách riêng thôi”.

Đây cũng không phải là đề xuất mới. Một số nước như Ấn Độ, Mexico... đã có xe buýt dành riêng cho phụ nữ từ lâu để giải quyết nạn quấy rối tình dục nơi công cộng.

 Theo bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Plan vùng Hà Nội, Tổ chức Plan tại Việt Nam, con số 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt nói lên rằng, em gái và phụ nữ là nhóm dễ bị tổn thương ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng.
 
Tỷ lệ 20% người chứng kiến không có thái độ hỗ trợ khi chứng kiến các hành vi sàm sỡ, quấy rối trên xe buýt cho thấy nhận thức về vấn đề quấy rối, sự tổn thương của các em gái vẫn còn chưa cao và thái độ thờ ơ với khó khăn của người khác của một bộ phận người dân.
 
Tuy nhiên, con số 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt không phải là cao so với khu vực và trên thế giới. Theo một khảo sát của tổ chức Stop Harassment (Chấm dứt quấy rối) thực hiện tại Mỹ vào đầu năm 2014 thì có đến 65% phụ nữ tham gia khảo sát đã từng bị quấy rối tình dục trên đường phố.
 
Ở London thì con số là 4/10 phụ nữ đã từng bị quấy rối trên đường phố. Ở Brazil, có khoảng 44% phụ nữ đã từng bị quấy rối tình dục khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Thọ ([Tên nguồn])
Xe buýt dành riêng cho phụ nữ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN