Xe buýt 2 tầng sẽ "chôn chân" ở TP.HCM?

Sự kiện: Thời sự

Các chuyên gia cho rằng hạ tầng giao thông, thời tiết ở TP.HCM không phù hợp để phát triển mô hình xe buýt du lịch hai tầng.

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM nhận được đề xuất của Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội về việc tổ chức triển khai thí điểm xe buýt mui trần ở TP.HCM. Hiện đề án còn một số chỉnh sửa. Tuy nhiên, nhiều ý kiến người dân và chuyên gia cho rằng việc phát triển mô hình xe buýt mui trần phục vụ du lịch ở TP.HCM là không phù hợp.

Không chịu nổi nắng nóng, mưa, bụi

Nhớ lại lần đi xe buýt du lịch ở Hà Nội, chị Nguyễn Thị Phương (ngụ quận 3, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi thấy xe buýt này rất đẹp, tuy nhiên nếu đi thì cũng chỉ đi một lần cho biết vì giá cả đắt đỏ quá. Nếu phải bỏ ra 300.000 đồng để đi ba giờ thì giá hơi cao và 450.000 đồng để đi 24 giờ thì tôi nghĩ khó ai ngồi lâu như vậy được. Chưa kể thời tiết ở Hà Nội vào mùa nóng thì nắng nóng khủng khiếp, kèm theo khói bụi thì sao có thể ngồi lâu được”.

Trước thông tin có thể thành lập tuyến xe buýt mui trần ở TP.HCM, chị Phương cho rằng chị sẽ không đi thêm nữa và cho rằng việc xây dựng tuyến buýt này sẽ dẫn đến thất bại như ở Hà Nội. “Xe buýt hai tầng mui trần ở Hà Nội thất bại là do thời tiết nắng nóng, bụi… Loại xe này phục vụ du lịch rất phổ biến ở châu Âu vì ở họ là khí hậu ôn đới. Còn ở Hà Nội, nắng 35-40 độ C, chưa kể mưa gió thì khách du lịch nào dám ngồi xe buýt hai tầng mui trần ngắm cảnh. Mặt khác, giá vé quá cao, chỉ hút khách nước ngoài. Còn khách Việt Nam sẽ chọn các phương tiện khác rẻ và tiện hơn như xe máy, taxi...” - chị Phương lý giải.

Anh Lê Văn Hùng (ngụ quận 2, TP.HCM) bày tỏ: “Đã là phương tiện hoạt động nhằm mục đích du lịch thì cơ sở hạ tầng phải đảm bảo, trong khi đó đường sá ở TP.HCM thực sự là nỗi ám ảnh của người đi đường. Không lẽ xe du lịch đưa khách đi tham quan lại phải chôn chân hàng giờ trong cái nắng nóng. Trường hợp mưa gió, khói bụi thì phải tính như thế nào? Tuyến xe buýt này tôi nghĩ chỉ có thể thành công nếu TP có những tuyến đường dành riêng cho xe buýt”.

Xe buýt 2 tầng sẽ "chôn chân" ở TP.HCM? - 1

Xe buýt mui trần ở Hà Nội khi khai trương khá rầm rộ nhưng nay khá là ế ẩm sau gần một năm thí điểm. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Xem xét kỹ trước khi cấp phép

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng Nhà nước không nên bỏ tiền ra đầu tư loại hình xe buýt du lịch mui trần. Đây là loại xe cao cấp, có giá 6 tỉ đồng mỗi chiếc (sức chứa gần 80 người). Còn tư nhân đầu tư thì cho họ khảo sát, nếu thấy có lời thì làm, lời lỗ họ tự chịu. “Trách nhiệm của Sở GTVT TP.HCM là phải xem cơ sở hạ tầng có đủ đáp ứng cho việc phát triển tuyến xe này hay không, có gây ùn tắc không. Sở GTVT cần xem xét rất kỹ càng trước khi cấp phép cho tuyến xe buýt mui trần phục vụ du lịch trong thời điểm hiện nay” - ông Cương nói.

TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học và công nghệ GTVT phía Nam, cho biết xét về góc độ giao thông thì xe một tầng đã khó di chuyển trong TP, bởi vậy xe hai tầng thì càng không khả quan. “Trên thực tế, hơn 2/3 đường của TP.HCM không đáp ứng cho xe to. Xe buýt hai tầng sẽ thực sự khả quan nếu đi vào một số tuyến có đường rộng, đi vào các khu công nghiệp... Trong khi đó, xe buýt phục vụ du lịch lại chỉ đi vào những điểm du lịch nơi có đường hẹp, có nơi dưới 10 m thì liệu có phù hợp không?” - ông Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thời tiết TP.HCM rất nóng, mưa gió bất thường thì thực sự không ai dám ngồi hàng giờ đồng hồ trên tầng hai hở mui cả.

Phải bảo đảm an toàn cho khách trên xe mui trần

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT TP.HCM), cho biết Sở vừa nhận được đề xuất của Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội tổ chức thí điểm xe buýt du lịch hai tầng mui trần. Sở đang đề nghị công ty điều chỉnh việc bố trí điểm đầu và cuối hành trình từ phố đi bộ Nguyễn Huệ về vị trí Nhà hát TP vì mật độ phương tiện trên đường Nguyễn Huệ đông, không phù hợp với phương án đón trả khách tại đây. Đồng thời, Sở cũng đề nghị điều chỉnh khung thời gian từ 9 giờ đến 16 giờ 30 để tránh ảnh hưởng việc đi lại của người dân trong giờ cao điểm. Bên cạnh đó, Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội bổ sung phương án, giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách ngồi trên tầng mui trần.

Ông Nguyễn Tất Hiếu, Trưởng ban Sản phẩm Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội, khẳng định công ty đang trình phương án phát triển xe buýt hai tầng với Sở GTVT TP.HCM, nếu mọi thủ tục pháp lý được hoàn thiện thì dự kiến trong quý IV-2019 sẽ tiến hành khai trương. “Mô hình xe hai tầng chở khách du lịch ngắm cảnh TP và đi qua nhiều điểm du lịch đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới như Singapore, Malaysia, Nhật Bản… TP.HCM là một trong bảy tỉnh, thành được trung ương cho phép thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách du lịch bằng ô tô dạng hai tầng không nóc…” - ông Hiếu cho biết.

Hiện Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội xin đầu tư một tuyến ở khu vực trung tâm TP.HCM với bốn xe buýt. Sau đó công ty sẽ phát triển loại hình xe này tới các tỉnh, thành khác.

_________________________________

Sở GTVT TP.HCM cần xem xét kỹ khi cấp phép cho loại hình xe buýt mui trần. Đường TP đang trong tình trạng ùn tắc. Nếu xét về yếu tố tăng du lịch cho TP thì cần đặt lên bàn cân để xem thu nhập đó có đủ để giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Nhiều năm nay TP vẫn loay hoay giải quyết ùn tắc như cấm xe máy theo cung đường, hạn chế xe máy theo giờ…, vậy có phù hợp khi cấp phép cho một tuyến xe buýt hoạt động không? Trong khi đó, những vấn đề liên quan đến giao thông cũng đều gắn liền với an sinh xã hội.

TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học và công nghệ GTVT phía Nam

Hà Nội có thêm ba xe buýt 2 tầng mui trần màu sắc “cực lạ”

Tuyến xe buýt mui trần thứ 2 sẽ đi qua 10 điểm di tích nổi tiếng ở Hà Nội, trong đó có 7 điểm trùng với tuyến buýt hai...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐÀO TRANG ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN