Xây dựng và phát triển chiến lược để Hà Nội thực sự là Thủ đô sáng tạo

Sự kiện: Tin nóng

Sáng 2/10, UBND TP Hà Nội phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo”.

UNESCO sẽ hỗ trợ Hà Nội trở thành “kinh đô sáng tạo”

Dự buổi tọa đàm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý; Đại diện các tổ chức quốc tế, nhà khoa học; Đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội…

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết: Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước, UBND TP Hà Nội đã xây dựng hồ sơ “Hà Nội -Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Các đại biểu dự buổi Tọa đàm

Các đại biểu dự buổi Tọa đàm

Quá trình tham vấn trong nước và quốc tế từ năm 2018 - 2019 đã chỉ ra và nhấn mạnh những lợi thế về truyền thống, nguồn lực, động lực trong thiết kế sáng tạo của Hà Nội, cũng như bối cảnh phát triển năng động của Thủ đô và đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế giai đoạn mới. Song song với việc xác định các nguồn nội lực, các đối tác cho rằng Hà Nội không thể bỏ qua việc xác lập vị trí tiên phong trong khu vực và các nền tảng có tính toàn cầu để định vị chiến lược phát triển của Thủ đô… Đến tháng 10/2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được vinh danh là Thành phố hòa bình của UNESCO, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực Thiết kế sáng tạo.

Danh hiệu Thành phố Thiết kế sáng tạo mới của Hà Nội cũng như những định hướng mới cho chiến lược phát triển Thủ đô nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng cũng như các đối tác quốc tế, đặc biệt là các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán và các tập đoàn đa quốc gia vốn có sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho đổi mới cũng như chiến lược phát triển hướng tới chất lượng sống cao của đô thị.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm

Thực hiện cam kết với UNESCO sau khi Hà Nội chính thức trở thành Thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế, Hà Nội sẽ phải cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo.

“Bằng những kết quả đạt được và những mục tiêu hướng tới trên các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ mỹ thuật, giáo dục… căn cứ các hướng dẫn của UNESCO, thành phố tổ chức cuộc Tọa đàm cấp cao với mong muốn được lắng nghe, được trao đổi với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp các ý tưởng, sáng kiến nhằm hỗ trợ Hà Nội xây dựng và xác định chiến lược và kế hoạch dài hạn nhằm phát huy hiệu quả, vai trò là thành phố sáng tạo UNESCO và thu hút sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng trong nước và quốc tế;

Đồng thời đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025; Góp phần tuyên truyền, giới thiệu về định hướng phát triển mới của thành phố Hà Nội, các tiềm năng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, thu hút sự quan tâm và kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Mạng lưới “Các thành phố Sáng tạo UNESCO” được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Mạng lưới này được thiết lập từ 246 thành phố làm việc cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung: đưa sự sáng tạo và công nghiệp văn hóa trở thành trọng tâm của kế hoạch phát triển trong nước và kế hoạch hợp tác tích cực cấp quốc tế.

Tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội, thể hiện chiến lược và tầm nhìn rộng hướng đến sự phát triển bền vững của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, tràn đầy năng lượng, tinh thần chủ động thích ứng với xu thế thời đại và vai trò tích cực tham gia kết nối toàn cầu với bạn bè thế giới.

Tọa đàm lần này, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế, các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, tập trung thảo luận, tham vấn ý kiến về các sáng kiến hỗ trợ Hà Nội xây dựng và cụ thể hóa các mục tiêu trên. Nội dung chính xoay quanh 3 trụ cột chính, nhóm giải pháp hiện thực hóa Tầm nhìn một Thủ đô sáng tạo, bao gồm: Tái tạo, phát triển đô thị trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng - Mạng lưới giáo dục sáng tạo với ưu tiên cho nghệ thuật và khoa học - Hệ thống chuỗi tổng thể các sự kiện, hội chợ, triển lãm và lễ hội văn hóa cũng như việc xây dựng và quảng bá thương hiệu Thành phố sáng tạo.

Chuyên gia nói gì về đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh?

Đề xuất cải tạo con sông Tô Lịch đen ngòm thành công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lan Chi ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN