Xây công viên chuẩn quốc tế ở HN: Khả thi đến đâu?

Sự kiện: Tin Hà Nội

Trước thông tin về việc Hà Nội sẽ có thêm nhiều công viên, trong đó sẽ có công viên đạt tiêu chuẩn quốc tế, một số ý kiến cho rằng không dễ dàng thực hiện khi mà nhiều dự án công viên hiện nay long đong mãi chưa xong. Liệu việc cho phép các nhà đầu tư kinh doanh thì công viên có còn là của chung để phục vụ người dân?

Xây công viên chuẩn quốc tế ở HN: Khả thi đến đâu? - 1

Công viên Thống nhất từng được doanh nghiệp đề nghị đầu tư thành Disneyland giữa lòng Hà Nội.

Trả lời báo chí, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 5 năm tới Hà Nội sẽ xây 25 công viên với 5 công viên đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài chức năng phủ xanh đô thị, thân thiện với môi trường, các công viên này còn có các khu vui chơi giải trí áp dụng công nghệ hiện đại. Cụ thể, công viên giải trí được nói là đẹp như Disneyland của Mỹ có tên Kim Quy, rộng 198 ha sẽ được xây dựng tại huyện Đông Anh, gần cầu Nhật Tân.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Sở Quy hoạch-Kiến trúc xác nhận, chủ trương xây dựng các công viên 5 sao đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế là nằm trong mạng lưới quy hoạch công viên, vườn hoa của thành phố. 

“Thực chất về quy hoạch, quy mô các công viên này đều nằm trong mạng lưới các công viên của thành phố, còn bây giờ thành phố triển khai kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thực hiện các dự án này”, vị cán bộ này cho biết. Đại diện Sở Kế hoạch-Đầu tư cho biết, trong danh mục tổng số 43 dự án mà thành phố Hà Nội kêu gọi đầu tư (đợt 1 năm 2016), có 11 dự án công viên được kêu gọi với số vốn dự kiến 36.800 tỷ đồng.

Trong số này, có dự án công viên giải trí đạt tiêu chuẩn quốc tế đặt tại phường Hà Cầu (quận Hà Đông) với quy mô 96 ha và dự kiến tổng mức đầu tư lên đến 4.800 tỷ đồng; dự án công viên vườn hoa giải trí, nghỉ ngơi kết hợp bảo tồn vườn quả Từ Liêm và du lịch sinh thái nông nghiệp (thuộc quận Bắc Từ Liêm), quy mô 178 ha, có số vốn 3.600 tỷ đồng; dự án công viên chuyên đề theo trục đường Hà Nội-Hải Phòng (thuộc quận Long Biên, huyện Gia Lâm), quy mô 200 ha, với số vốn 4.000 tỷ đồng; dự án khu công viên dịch vụ du lịch giải trí Đồng Mô (thuộc thị xã Sơn Tây), quy mô 264 ha có số vốn 5.000 tỷ đồng.

Công viên có còn là của chung?

Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, một số chuyên gia về quy hoạch phát triển đô thị cho rằng, còn nhiều vấn đề trong việc hiện thực hóa giấc mơ công viên chuẩn quốc tế: “Bây giờ phải xem những công viên hiện tại của Hà Nội như thế nào? Có nhiều dự án công viên long đong mãi nhiều năm trời vẫn không thực hiện nổi.

Ngay cả các công viên được đầu tư lớn nhưng hiện chưa phát huy hết được hiệu quả. Thậm chí công viên Thống Nhất nằm giữa trung tâm Thủ đô người ta đến chỉ tập thể dục buổi sáng và buổi chiều, còn cả ngày có hoạt động gì đâu”, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói.

Theo ông Tùng, trong bối cảnh nhiều dự án đầu tư lớn của Hà Nội như dự án Bảo tàng Hà Nội chưa phát huy được hiệu quả, việc đầu tư các dự án công viên lớn xa trung tâm cần phải xem xét kỹ và không dễ dàng thực hiện. 

Ông Tùng phân tích, tại một số công viên được coi là hiện đại và lớn nhất của Hà Nội hiện nay như công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm) rộng hơn 20 ha, có mức đầu tư hơn 280 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long, hay công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai) có quy mô 300 ha vẫn vắng vẻ.

“Những công viên được đầu tư lớn này có thực sự thu hút được người dân không? Thêm nhiều công viên có vốn đầu tư lớn thì như thế nào? Chúng ta cần phải tư duy xây công viên để cải tạo môi trường, để phục vụ dân chứ đừng xây công viên để lấy danh tiếng hay để kinh doanh lấy tiền”, vị chuyên gia này nói.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, đầu tư các công viên quy mô lớn xa nơi tập trung dân cư là một rào cản lớn: “Hà Nội đang thiếu các vườn hoa, các công viên mở cho dân cư. 

Theo tôi trước mắt thành phố nên tập trung vào việc cải tạo, đầu tư xây dựng các công viên hiện có theo hướng công viên mở, trở thành không gian công cộng cho mọi người nghỉ ngơi, thư giãn, luyện tập thay vì kêu gọi đầu tư các công viên hoành tráng để kinh doanh thu tiền”, ông Liêm nói. 

Theo ông Liêm, trước đây dư luận cũng phản đối việc đề xuất của doanh nghiệp thực hiện dự án cải tạo công viên Thống Nhất thành một Disneyland giữa lòng Hà Nội.

Trao đổi với PV, đại diện Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội cho biết, trong các kỳ họp lần trước, HĐND thành phố đã nói rõ việc cải tạo, đầu tư xây dựng các công viên theo hướng công viên mở, trở thành không gian công cộng cho mọi người nghỉ ngơi, thư giãn, luyện tập, không phải là nơi để thu tiền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Anh ([Tên nguồn])
Tin Hà Nội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN