Xây cầu đường sắt gần cầu Long Biên: Nên hay không?

Sau khi có thông tin Hà Nội thống nhất đề xuất xây cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 mét, nhiều chuyên gia xây dựng, kiến trúc đã có ý kiến trái ngược nhau.

Hà Nội vừa thống nhất đề xuất xây cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu. Cầu đường sắt vượt sông Hồng được đặt trong mối quan hệ với cây cầu Long Biên lịch sử, cũng như yêu cầu bảo tồn không gian khu phố cổ, phố cũ và có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Không nên xây thêm cầu

Phản đối việc xây cầu đường sắt vượt sông Hồng song song với cầu Long Biên, Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam nêu quan điểm: “Nếu xây cầu đường sắt chỉ để tiện chở hành khách trong vài giờ đồng hồ/ngày sẽ quá tốn kém, lãng phí nhất là khi so sánh với cầu đường bộ, có thể tận dụng được từng phút. Còn nếu bảo rằng có nhiều cầu đường bộ rồi, giờ cần có cầu đường sắt thế sao không làm một chiếc cầu dây treo luôn đi? Đâu lại có chuyện vô lý thế?”.

Ông Liêm nói thêm, Hà Nội đang có hàng chục cây cầu bắc qua sông Hồng như cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, Thăng Long… thì giao thông đâu đến mức quá tải, quá áp lực.

“Chưa kể, theo tôi được biết Hà Nội còn định làm hầm qua sông Hồng. Vậy sao không để tiền tập trung cho dự án đó mà lại vung vãi phung phí thế?”.

Về việc bảo tồn cầu Long Biên, theo ông Liêm, nhiều nước trên thế giới cũng đã biến cầu đường sắt trên cao cũ, không dùng tới nữa thành công viên rất đẹp, rất có giá trị và được hoan nghênh.

Xây cầu đường sắt gần cầu Long Biên: Nên hay không? - 1

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối liền trung tâm Hà Nội và trị trấn Gia Lâm (quận Long Biên ngày nay).

Khi thành công viên, cầu sẽ chỉ dành cho người đi bộ. Với những người già không thể đi bộ hết cây cầu dài vài cây số này, có thể bố trí xe điện đưa đón họ tham quan khung cảnh nơi đây. Không nên xây cầu sắt mới song song với cầu Long Biên, bởi du khách sẽ khó có được khung cảnh đẹp ở đây.

Phải có cầu sắt mới

Ông Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Kiến trúc thành phố lại cho rằng nên có một cây cầu đường sắt bắc qua sông Hồng. Bởi điều đó thể hiện đặc trưng phát triển của Hà Nội - phát triển sang bờ Bắc sông Hồng.

Theo ông Nghiêm, đô thị trung tâm của Hà Nội không phải chỉ có ở phía Nam sông Hồng như quy hoạch trước mà theo quy hoạch mới còn phải phát triển sang bờ Bắc nữa gồm Long Biên, Đông Anh… để kết nối các đô thị trung tâm như vậy phải có các tàu như tàu đường sắt.

“Bài học từ các nước lớn trên thế giới cho thấy, một đô thị từ 1 triệu dân trở lên dứt khoát phải có các tuyến đường sắt đô thị, chứ không phải chỉ có giao thông đường bộ. Muốn đô thị phát triển phải có hệ thống giao thông công cộng mà đường sắt đô thị là một trong số đó”, ông Nghiêm phân tích.

Nói về việc xây cầu sắt Long Biên, ông Nghiêm tiết lộ, trước đây còn có phương án xây cầu đường sắt cách cầu Long Biên 200m và Hội đồng Kiến trúc quy hoạch đã rất ủng hộ phương án này. Cầu mới cách càng xa cầu cũ càng tốt bởi nếu không đảm bảo khoảng cách với di sản thì sẽ gây ảnh hưởng, tác động lớn tới nó.

Khi quyết định xây cầu sắt mới, Hà Nội không nên chỉ chú ý tới việc lựa chọn phương án vị trí mà còn phải lựa chọn cả hình thức nữa sao cho phù hợp với không gian điểm đến và điểm đi tức là cầu sắt mới phải gắn kết được với định hướng phát triển ở khu vực bờ nam, bờ bắc sông Hồng.

“Hiện nay rõ ràng Hà Nội chưa nghiên cứu về vấn đề này mà chỉ tính tới chuyện khai thác tuyến đường đó thôi. Hà Nội cần lấy ý kiến của người dân về việc này. Nên nhớ cả thế giới hiện chỉ còn 4 di sản kiến trúc là cầu sắt như cầu Long Biên thôi”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Trong khi đó, mới đây, trao đổi với phóng viên, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho hay, hiện Hà Nội chưa chốt phương án cuối cùng mà đang xin ý kiến các Bộ, ngành, người dân về việc này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN