Xác máy bay rơi ở Huế được đem bán... phế liệu
Phương án xử lý xác chiếc máy bay được đưa ra là “bán phế liệu chiến tranh” để… trả công thuê trục vớt xác máy bay.
Mấy ngày nay, dư luận hết sức quan tâm việc phát hiện xác máy bay tại bờ biển Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong khi cơ quan chức năng chưa xác định được máy bay đó là máy bay gì, nơi sản xuất, có giá trị và ý nghĩa như thế nào…, Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc lại đem “bán” xác máy bay cho Công ty TNHH MTV Bá Hợp (Đà Nẵng) với giá rẻ như bèo.
Làm việc với phóng viên, ông Phạm Thành Vinh - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc cho rằng, máy bay đã quá mục nát nên không thể xác định chính xác là loại máy bay gì, của nước nào.
“Hơn nữa, đa số đã bị mục nát nên chỉ bán phế liệu, nói vậy chứ công ty cũng lỗ, xác máy bay chúng tôi trục vớt khoảng 9 tạ đến 1 tấn, bán cũng chỉ được khoảng 15 triệu đồng (giá thị trường 15.000 đồng/kg). Mà công ty trục vớt đã bỏ ra 2 ngày với cả 30 triệu đồng, chưa kể 2 ngày trước đi khảo sát, thuê nhân công...”, ông Vinh phân trần việc bán “xác” máy bay vừa được tìm thấy, trục vớt.
“Xác” chiếc máy bay “bí ẩn” sau khi trục vớt đã được “bán” cho một doanh nghiệp tại Đà Nẵng theo dạng phế liệu chiến tranh.
Cũng theo ông Vinh, sau khi trục vớt, đơn vị ông đã thành lập hội đồng nhằm đánh giá vấn đề liên quan đến vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng của máy bay, nhưng… không phát hiện gì.
“Có thể trong quá trình trôi dạt trên biển hàng chục năm, chiếc máy bay đã bị người dân lặn mò lấy hết những thứ có giá trị bên trong”, ông Vinh nhận định.
Được biết, dưới sự chủ trì của Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc, phương án xử lý xác chiếc máy bay được đưa ra là “bán phế liệu chiến tranh” để trả công thuê trục vớt xác máy bay.
Nhưng điều khiến nhiều người dân quan tâm nhất là xác định được xuất xứ của chiếc máy bay quân sự trên, rơi vào thời điểm nào, có bao nhiêu người trên máy bay đã mất tích? Khi những câu hỏi đó chưa được sáng tỏ thì Huyện đội Phú Lộc đã giao quyền cho công ty Bá Hợp trục vớt và bán luôn “xác” máy bay cho công ty này.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, thượng tá Trần Quốc Khánh, Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc, cho biết khi trục vớt được xác máy bay thấy đã mục nát nên đã chuyển đi bán phế liệu, sau này sẽ lấy lại "cánh quạt" và "lốp" máy bay để trưng bày ở trụ sở Ban Chỉ huy quân sự huyện. Theo ông Khánh số tiền bán “xác” chiếc máy bay này khoảng 20 triệu đồng, trong khi chi phí cho 2 ngày trục vớt lên tới 30 triệu đồng.
Trẻ em ra khu vực biển Lăng Cô - nơi trục vớt xác máy bay để “mót” phế liệu.
Trước đó, ngày 26/4, một xác máy bay đã được phát hiện tại khu du lịch Biển Ngọc - thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế).
Nhiều bộ phận được cho là xác máy bay của quân đội Pháp sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã được Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc trục vớt ở bãi biển thị trấn Lăng Cô. Sau khi khoanh vùng, các đơn vị chức năng đã sử dụng máy xúc đào sâu xuống phía dưới lớp cát biển 3m và phát hiện nhiều bộ phận của máy bay nằm ở độ sâu từ 3 - 6m.
Chiếc máy bay được xác định có chiều dài từ buồng lái đến đuôi là 12m, với sải cách rộng 15m. Mặc dù nằm dưới lòng đất hàng chục năm và phần lớn các bộ phận đã bị mục nát, nhưng có nhiều bộ phận còn khá nguyên vẹn, như bánh xe và 1 cánh quạt phía trước buồng lái.
Cùng với việc trục vớt, việc rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh cũng được các đơn vị chức năng thực hiện nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của du khách và người dân.
Theo ngư dân địa phương, ở khu vực biển Lăng Cô còn có xác một máy bay rơi chưa được trục vớt. Nhiều ngư dân khi đánh cá, lưới vướng vào cánh quạt bị xé rách.