Xã trần tình vụ tráo máy Nhật bằng máy Trung Quốc

Sự kiện: Thời sự Bình Thuận

Chủ tịch xã thừa nhận không có chuyên môn, không rành về máy móc nên không biết máy nào thật, máy nào giả.

Ngày 10-1, tin từ UBND huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) cho biết huyện đã lập đoàn kiểm tra để làm rõ việc tráo máy nông cụ Nhật Bản thành máy Trung Quốc cấp phát cho dân nghèo. Dự kiến sáng nay (11-1), đoàn sẽ có mặt tại xã La Dạ để làm việc.

Bị “nhầm lẫn”?

Trưa 10-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Thúc Mẫn, Chủ tịch UBND xã La Dạ, cho hay: “Ngay từ khi các hộ dân ở thôn 4 khiếu nại máy móc họ được phát không phải là của hãng Honda mà là của Trung Quốc, với trách nhiệm là chủ tịch, tôi đã xuống từng nhà dân để kiểm tra. Sau đó tôi lập tức gọi cho ông Hồ Minh Thắng, người được chỉ định cung cấp tổ chức cấp phát nông cụ cho hơn 300 hộ dân trong xã. Ông này đã đến xin lỗi các hộ dân. Ông Thắng giải thích là do bị “nhầm lẫn” với một lô hàng nên ông ta đã cam kết đổi lại máy và bù thêm nông cụ khác cho các hộ dân”.

. Phóng viên: Ông Thắng đổi lại máy cho dân thì đoàn kiểm tra của huyện làm sao có chứng cứ để làm rõ được?

+ Ông Huỳnh Thúc Mẫn: Máy móc, nông cụ dù đã đổi cho dân nhưng phải để lại tại nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn để đoàn kiểm tra xem xét làm rõ. Nếu đúng như phản ảnh của dân, ông Thắng phải chịu trách nhiệm.

Xã trần tình vụ tráo máy Nhật bằng máy Trung Quốc - 1

Nhiều máy móc bên ngoài có nhãn hiệu Honda nhưng lột ra bên trong lại là nhãn hiệu  của Trung Quốc. Ảnh: NP

“Chúng tôi cũng mù mờ”

. Thế còn trách nhiệm của UBND xã và cơ quan ban ngành trong vụ này đến đâu, thưa ông?

+ Khi máy móc tập kết về xã, chúng tôi đã lập hội đồng nghiệm thu bao gồm các đại diện ban ngành ở huyện và xã. Khi khui thùng ra kiểm tra thì thấy hầu hết đều dán nhãn hiệu Honda GX200, trong đó có một vài cái chỉ dán chữ GX200. Chúng tôi đã hỏi và ông Thắng nói đây là hàng Honda liên doanh, kiểm tra trên lốc máy thì thấy có chữ nổi Honda và bên hông có số seri máy. Anh em đã ghi nhận là hàng nguyên đai, nguyên kiện có xuất xứ rõ ràng nên lập biên bản nghiệm thu.

. Với tổng số tiền gần 2 tỉ đồng, vì sao xã không thông qua đấu thầu hoặc hợp đồng với một công ty có uy tín mà lại hợp đồng với ông Thắng, chủ một cửa hàng nông cụ ở huyện Tánh Linh?

+ Cái này không thông qua đấu thầu đâu. Đây là tiền của Chính phủ chuyển thẳng về cho xã để hỗ trợ cho đồng bào nghèo và xã chỉ làm trung gian đứng ra mua máy móc giúp bà con. Mặc dù ông Thắng chỉ là chủ cửa hàng nhưng qua tìm hiểu và được Ban Dân tộc tỉnh giới thiệu, chúng tôi biết ông Thắng từng cung cấp nông cụ cho đồng bào nghèo ở La Ngâu (Tánh Linh). Thấy ổng làm ăn uy tín, hơn nữa ông Thắng có cơ sở bảo trì máy móc ở La Dạ nên chúng tôi thống nhất hợp đồng với ổng cho tiện lợi.

. Giá nông cụ đều hơn 4,9 triệu đồng/cái trong khi theo dò giá của bà con thì thấp hơn nhiều, ông có thấy trách nhiệm khi xã làm trung gian nhưng lại dễ dãi hợp đồng với giá quá cao?

+ Tiền của hộ nghèo là tuyệt đối chúng tôi không đụng vào. Tuy nhiên, tôi cũng sợ cái giá này nữa, phải kiểm tra, phải làm rõ để xử lý chứ chúng tôi mang tiếng lắm. Còn đối với việc nghiệm thu, do chúng tôi không có chuyên môn, không rành về máy móc nên chỉ đến khi bà con phản ảnh máy móc nhận về có nhiều cái của Trung Quốc lúc đó chúng tôi mới biết.

. Xin cám ơn ông.

Cam kết đổi lại máy cho dân nghèo

Đầu năm 2017, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) tổ chức trao nông cụ cho nông dân nghèo. Mỗi hộ được cấp máy cắt cỏ, máy xịt thuốc, máy bơm nước tùy theo nhu cầu, trị giá 5 triệu đồng/hộ. Khi bà con đem nông cụ về nhà mới tá hỏa phát hiện nhiều máy nhãn hiệu Honda của Nhật nhưng tháo lớp giấy trên lốc máy ra thì lại là hàng Trung Quốc. Ngoài ra, máy hiệu Honda cũng chỉ 3,2-3,5 triệu đồng/cái trong khi các máy được cung cấp đều có giá hơn 4,9 triệu đồng.

Ngày 6-1, người cung cấp máy đã đến thôn 4, xã La Dạ nơi có 41 hộ dân được cấp phát nông cụ cam kết đổi lại máy Nhật Bản cho người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nam (Pháp Luật TPHCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN