Xả nước vào sông Tô Lịch: Cuốn trôi thành quả 2 tháng

Hơn 1,5 triệu m3 nước hồ Tây ồ ạt đổ vào sông Tô Lịch đã làm mất toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi đã kích hoạt; cuốn trôi công sức của chuyên gia Nhật Bản trong gần 2 tháng qua

Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản vừa có công văn báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội cùng các sở, ngành về việc lùi thời gian thí điểm thêm 2 tháng, tới ngày 17-9.

Không thể không xả nước!

Theo công văn này, dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đang được triển khai và kết quả bước đầu rất khả quan dưới cả góc độ kỹ thuật và thực tế cảm nhận của người dân. Tuy nhiên, 3 ngày gần đây, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả hơn 1,5 triệu m3 nước hồ Tây vào đầu nguồn sông Tô Lịch - nơi có khu thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch của dự án.

Đoạn sông Tô Lịch được chọn thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản Ảnh: NGÔ NHUNG

Đoạn sông Tô Lịch được chọn thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản Ảnh: NGÔ NHUNG

Lượng nước xả ra rất lớn, gấp 10 lần lượng nước thải/ngày đêm từ 280 cống chảy vào sông Tô Lịch nhưng lại chỉ chảy cuồn cuộn vào khu xử lý từ 1 cửa xả đầu nguồn duy nhất. Khi chuyên gia Nhật Bản kiểm tra hệ vi sinh vật của tấm Bioreactor thì thấy toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong gần 2 tháng qua đã bị cuốn trôi và không còn ở khu 300 m để đánh giá. Các chuyên gia Nhật phải làm lại từ đầu và cần thời gian trên 1 tháng để kích hoạt trở lại hệ vi sinh vật có lợi. Đến lúc đó, việc lấy mẫu đánh giá ở khu vực thí điểm mới chính xác, khách quan.

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động ngày 17-7, một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay đơn vị không hề nhận được phản hồi nào từ Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản sau khi đơn vị xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch. Thời gian qua, công ty đã hỗ trợ hết mức tổ chức này trong việc thử nghiệm công nghệ làm sạch trên sông Tô Lịch. Nhiều lần mực nước hồ Tây dâng vượt quá mức cho phép nhưng đơn vị vẫn giữ lại để hỗ trợ các chuyên gia Nhật Bản. Nhưng lần này, đơn vị cho xả nước vì mực nước ở hồ Tây đã ở mức nguy hiểm, không thể không xả.

Theo quy định, mực nước khống chế vào mùa mưa của hồ Tây được quy định từ 5,60 m đến 5,70 m. Tại thời điểm ngày 9-7, mực nước hồ Tây đo được là 5,96 m, vượt 0,26-0,36 m so với mực nước quy định. Trước khi hạ mực nước hồ Tây, công ty đã thông báo cho Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE, đơn vị thử nghiệm công nghệ Nano - Bioreactor) và JVE đã khẳng định trên báo chí là không ảnh hưởng đến công tác thử nghiệm. Do vậy, từ ngày 9 đến 11-7, công ty hạ mực nước hồ Tây.

Dễ gây hiểu lầm

Một chuyên gia về môi trường, xử lý sông ngòi cho rằng từ đầu, các chuyên gia Nhật Bản có ý tưởng và cho thử nghiệm công nghệ mới của Nhật ở sông Tô Lịch đều làm rất bí mật, không hề có một cuộc họp, một cuộc hội thảo hay tham khảo ý kiến của các chuyên gia môi trường Việt Nam. Các chuyên gia Nhật cho rằng công nghệ này đã được sử dụng ở nhiều nước và chắc chắn sẽ thành công ở Việt Nam.

"Khi mới cho chạy thử nghiệm hơn 1 tháng thì các máy bắt đầu có vấn đề, nhiều máy đã được đưa lên bờ bảo dưỡng. Một công nghệ được giới thiệu là "thần kỳ" nhưng mới bắt đầu đã phải bảo dưỡng thì chắc chắn có vấn đề" - chuyên gia nàykhẳng định.

Ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cho biết trong tháng 6 vừa qua, lãnh đạo TP Hà Nội đã chỉ đạo đưa chế phẩm Redoxy-3C vào thí điểm một đoạn trên sông Tô Lịch. Cùng thời điểm này, Hà Nội cũng cho thí điểm chế phẩm này ở hồ Tây. Việc thí điểm chỉ trong vòng 1 tháng. Sau khi đưa chế phẩm này vào thử nghiệm, bước đầu khu vực thử nghiệm đã cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, để có kết quả thử nghiệm khách quan, TP đã giao một đơn vị quan trắc độc lập cùng Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội theo dõi các chỉ số, sự thay đổi của nguồn nước và sẽ tổng hợp, báo cáo TP xem xét các bước tiếp theo. Đến nay, chưa rõ kết quả thế nào nhưng việc thí điểm trên sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy-3C thì đã dừng.

Theo GS Mai Đình Yên - chuyên gia về môi trường nước, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam - không có lý gì mà Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội lại không biết việc các chuyên gia Nhật đang thí điểm dự án trên sông Tô Lịch trước khi xả nước.

"Vì sao lại xảy ra tình trạng như thế? Nguồn cơn phía sau là gì? Ai chịu trách nhiệm cho việc này khi mà toàn bộ thành quả gần 2 tháng của các chuyên gia Nhật Bản đã thành công cốc chỉ sau một đợt xả nước" - GS Yên nêu, đồng thời cho rằng các bên liên quan cần có cái nhìn tổng thể, hãy nhìn đa chiều để đánh giá khách quan vấn đề, nếu không sẽ dễ gây hiểu lầm. 

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề nghị JVE nghiên cứu, có giải pháp khắc phục việc sông Tô Lịch sẽ thường xuyên tiếp nhận dòng chảy mạnh khi có mưa từ nay đến tháng 10-2019 để hạn chế ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm. 

Một doanh nhân trẻ Hà Nội cam kết hồi sinh vĩnh viễn dòng sông Tô Lịch

Anh Tiến Anh Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA khẳng định: “Đảm bảo chỉ chưa đầy nửa năm, sông Tô Lịch...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Thanh ([Tên nguồn])
Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN