Xả lũ “đúng quy trình”, dân chới với
Nguyên nhân gây ngập lụt kinh hoàng làm thiệt hại về người lẫn tài sản có một phần do những sai lầm trong quy hoạch thủy điện và công tác giám sát còn lỏng lẻo
Chiều 17-10, đoàn công tác của Bộ Công Thương do ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, làm trưởng đoàn đã làm việc với Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn (chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Hố Hô) tại tỉnh Hà Tĩnh.
Dân bị ảnh hưởng lớn, sao đúng quy trình?
Tại buổi làm việc, ông Đỗ Đức Quân cho biết đoàn có nhiệm vụ kiểm tra việc tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, triển khai thực hiện công tác phòng chống lụt bão, công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong quá trình vận hành.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn, vào ngày 14-10, toàn bộ vai phải trên cao trình 72 nhìn thẳng xuống nhà máy có hiện tượng sạt lở, đến nay vẫn còn. “Thời điểm ấy mưa quá to, trời tối, anh em không quan sát được mà chỉ nghe tiếng đất đá rơi, nếu sạt xuống trạm biến áp sẽ vô cùng nguy hiểm. Lúc đó, nhân viên trong nhà máy sẽ gặp nguy hiểm nên phải dừng vận hành và rút toàn bộ công nhân về” - ông Hùng lý giải việc xả nước.
Ông Hùng cho hay việc xả lũ với mức nước 1.800 m3/giây vào tối 14-10 là đúng quy trình. Trước khi xả lũ, nhà máy đã thông báo cho huyện và các xã.
Xả lũ bất ngờ ở thủy điện Hố Hô khiến hàng ngàn người dân huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh bị ảnh hưởngẢnh: ĐỨC NGỌC
Trước câu trả lời của ông Hùng, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, tỏ ra bức xúc. Theo ông Huấn, trong đợt lũ vừa qua, do thủy điện Hố Hô xả nước đột ngột, người dân di dời, chạy được khỏi thiệt mạng là “giỏi” lắm rồi. Chưa nói lại lụt vào ban đêm, mất điện nên việc di tản tài sản người dân rất khó khăn. Do vậy, phía địa phương đề nghị thời gian tới, công ty cần phối hợp tốt hơn trong việc xả lũ, phòng tránh ngập lụt ở hạ du.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác yêu cầu chủ đầu tư cung cấp tài liệu và báo cáo cụ thể quá trình vận hành xả lũ trong những ngày vừa qua. Đoàn cũng kiểm tra hồ sơ gốc của nhà máy và trực tiếp kiểm tra nhà máy, đập chứa nước. Sau khi làm việc với chủ đầu tư, Bộ Công Thương đang xem xét số liệu, lấy ý kiến các thành viên và báo cáo rồi mới có kết luận cuối cùng.
Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, vận hành nhà máy; kiểm tra thực nghiệm các công trình hạ du nhà máy thủy điện Hố Hô.
“Lãnh đạo nhà máy nói đúng quy trình mà người dân vùng hạ du vẫn bị ảnh hưởng lớn là chưa đúng quy trình. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra để có kết luận cuối cùng về vấn đề này. Ưu tiên đầu tiên khi vận hành thủy điện là an toàn vùng hạ du, tiếp đến mới là phát điện” - Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh nhấn mạnh.
“Bom nước” chực chờ gây họa
Trong khi nước vừa bắt đầu rút sau trận lụt kinh hoàng thì 7 giờ ngày 17-10, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã mở xả tràn 2 cửa xả hồ chứa Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Nhận được thông tin hồ Kẻ Gỗ sẽ xả tràn 200 -300 m³/giây, huyện Cẩm Xuyên đã lên phương án di dời tại chỗ hơn 1.900 hộ với 3.700 người dân vùng trũng đến nơi tránh trú an toàn.
Miền Trung đang chịu nhiều hậu quả nặng nề về người và của sau trận lũ lụt lịch sử. Tính đến chiều 16-10, đã có 35 người chết và 4 người mất tích. Riêng tỉnh Quảng Bình có 22 người chết. Người dân ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết đây là lần đầu tiên trong 40 năm qua, họ chứng kiến cảnh ngập lụt lớn như vậy, nguyên nhân do hồ thủy lợi Phú Vinh ở xã Thuận Đức (TP Đồng Hới) xả nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Bình (đơn vị quản lý hồ Phú Vinh), khẳng định chuyện ngập ở TP này là do trời!
Theo ông Vinh, dù dự báo lượng mưa sau khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ tại TP Đồng Hới là từ 300-500 mm nhưng thực tế, lượng mưa gấp đôi nên buộc phải xả lũ nhằm bảo đảm an toàn cho hồ Phú Vinh. Hiện cao trình hồ Phú Vinh và các hồ chứa thủy lợi khác ở tỉnh Quảng Bình vẫn còn cao, ông Xuân cho biết vẫn tiếp tục điều tiết nước về hạ du nhằm đón lũ trong đợt mưa bão tiếp theo.
Tình trạng thủy điện xả lũ gây họa như Hố Hô đã từng xảy ra tại tỉnh Quảng Nam trong năm 2013. Thủy điện Đắk Mi 4 từng xả lũ khiến nhiều nhà dân ở xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn bị hư hỏng nặng. Mới đây, ngày 13-9, thủy điện Sông Bung 2 vừa tích nước được 10 ngày thì xảy ra sự cố trôi van hầm dẫn dòng khiến 2 người chết; nhiều nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi. Đến giờ, người dân nơi đây vẫn nơm nớp lo các thủy điện gây họa.
Thủy điện nhỏ, bỏ được không?
GS-TS Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi - cho rằng mấu chốt ở đây không phải chuyện cảnh báo xả lũ mà là chuyện tích nước của các thủy điện nhỏ. Nguyên tắc điều tiết là phải nắm được tình hình dự báo báo lũ trong năm và có kế hoạch tích nước ở mức hợp lý. Thế nhưng, phần lớn các thủy điện nhỏ lại tích nước đầy trước mùa lũ bởi không tích nước thì không lấy đâu ra nước để phát điện. Vậy nên, khi lũ về tràn, sợ vỡ cửa đập, tràn nước qua nhà máy gây nguy hiểm, họ phải xả ồ ạt thay vì xả từ từ. Hậu quả là dân chịu sao thì chịu.
Theo ông Hồng, nguyên nhân sâu xa là do sai lầm trong quy hoạch thủy điện của Bộ Công Thương. Trước đây, chúng ta khuyến khích làm thủy điện nhỏ bởi đây là một loại năng lượng tái tạo hiệu quả và không phá rừng nhiều như thủy điện lớn. Tuy nhiên, thực hiện rồi mới thấy lộ ra sai lầm khi các dự án này tuy nhỏ nhưng vẫn phải đưa xe cộ chở vật liệu vào rừng. Dù mức độ ảnh hưởng môi trường của 1 dự án thủy điện nhỏ không bằng một thủy điện lớn nhưng khi so sánh với quy mô, hiệu quả của dự án thì tỉ lệ phá hủy lại cao.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, chưa thể đưa ra phương án đóng cửa, dẹp bỏ các dự án thủy điện nhỏ dù các dự án này chỉ đóng góp tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu điện mà hậu quả gây ra thì khôn lường. Nguyên nhân, theo GS-TS Vũ Trọng Hồng, là do pháp luật của Việt Nam chưa có quy định dẹp bỏ các dự án thủy điện đã cho phép xây dựng. Nếu đóng cửa các dự án này thì phải đền cho chủ đầu tư.
Vấn đề hiện nay là phải quản lý quy trình vận hành của các thủy điện này. Theo đó, mạng lưới thủy văn phải chính xác, báo sớm. Địa phương phải kiểm tra tích nước được bao nhiêu và kiên quyết yêu cầu không được tích nhiều. Trước khi lũ về, nếu nước tích trong hồ đang lớn thì phải yêu cầu xả bớt đi.
“Trước đây, các thủy điện của nhà nước chỉ tích nước nửa hồ thôi, phần còn lại để chống lũ. Còn bây giờ, chính quyền địa phương bỏ mặc cho họ cứ tích đầy thì rõ ràng là lũ về không thể cứu vãn được” - ông Hồng lo ngại.
Thủ tướng: Xả lũ sai phải đền bù Tối 17-10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về kiểm tra việc xả lũ của các hồ thủy điện tại khu vực miền Trung. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chính quyền một số địa phương và dư luận cho rằng có nhà máy thủy điện xả lũ không báo trước, gây bị động cho công tác ứng phó, thiệt hại của nhân dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc vận hành xả lũ của các hồ chứa thủy điện trong đợt mưa lũ vừa qua, trong đó có việc xả lũ của hồ thủy điện Hố Hô; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xác định cụ thể trách nhiệm đền bù thiệt hại, đề xuất phương án khắc phục, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25-10. Dịp này, Thủ tướng đã phát động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung. Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý hỗ trợ trước mắt 1.500 tấn gạo cho tỉnh Quảng Bình để cứu trợ khẩn cấp. T.Dũng |