Xã hội đen chiếm đất, phá rừng

Hàng loạt băng nhóm xã hội đen đã được hình thành từ hàng ngàn kẻ giang hồ tứ chiếng. Chúng tràn vào chiếm giữ hơn 2.000 ha rừng ở Đắk Nông, lập các tổ dân cư, tổ chức “họp dân” rồi lên cả kế hoạch xây cầu đường, nhà trẻ, trường học...

Ngày 26/6, lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết tính đến cuối tháng 6/2013, CQĐT đã khởi tố 20 vụ án, bắt giữ 83 đối tượng đầu sỏ liên quan đến các vụ phá rừng, bảo kê thu tiền, cướp đoạt đất đai, thao túng doanh nghiệp.... ở khu vực rừng Quảng Trực, huyện Tuy Đức.

Đánh trả lực lượng chức năng

Năm 2007, UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi hàng ngàn hécta rừng của Lâm trường Quảng Trực (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên) cho các doanh nghiệp tư nhân thuê để trồng rừng, cao su, quản lý rừng tự nhiên. Lúc này, hàng hàng đối tượng cũng tràn đến bao chiếm đất rừng. Trong đó, nhiều băng nhóm xã hội đen sẵn sàng tấn công các doanh nghiệp và lực lượng chức năng để tranh chiếm đất.

Xã hội đen chiếm đất, phá rừng - 1

Băng nhóm Thành nghĩa địa tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Đắk Nông

UBND tỉnh Đắk Nông đã thành lập một trạm kiểm soát liên ngành ngay tại bến Đắk Zên, xã Quảng Trực để kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, nhiều cán bộ trạm này cũng bị các băng nhóm xã hội đen hành hung, bắt giữ và tước vũ khí.

Đơn cử, ngày 26/4/2012, Hảo đơ (tức Phạm Xuân Hảo) đã lôi kéo hơn 100 đối tượng sử dụng vũ khí tấn công lực lượng cưỡng chế giải tỏa đất xâm canh cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Bọn chúng đốt 1 trạm bảo vệ rừng, phá hủy 14 xe máy, cướp 1 súng quân dụng, làm nhiều cán bộ bảo vệ rừng và Công an huyện Tuy Đức bị thương nặng.

Trước đó, tháng 2/2011, Phạm Việt Anh, Hoàng Văn Hai và Mồng Xuân Quý đã huy động hàng trăm người tràn vào tiểu khu 1528 thuộc xã Quảng Trực do Công ty Kiến Trúc Mới quản lý, đập phá 3 xe ủi, chém 3 người trọng thương.

Tính đến đầu năm 2013, có hơn 2.000/3.145 ha rừng mà các doanh nghiệp được thuê bị các băng nhóm xã hội đen bao chiếm. Sau khi phá rừng, nhiều đối tượng bán hoặc cho thuê hàng chục hécta đất, thu lợi tiền tỉ.

Để bám trụ lâu dài, bọn chúng lập ra 8 tổ dân cư, bầu tổ trưởng rồi tổ chức “họp dân; lập thủ quỹ “nhân dân”, quỹ y tế và tủ thuốc tình thương để cứu chữa các đối tượng bị thương khi chống trả lực lượng chức năng. Kế hoạch góp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu, đường, nhà trẻ, trường học... cũng đã được vạch ra chi tiết. Đã có 3 cây cầu kiên cố xây dựng hoàn thành, từ đó mở thêm đường từ rừng Quảng Trực thông về huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Mặt khác, các đối tượng cũng tích cực thu tiền để hàng chục lần tổ chức khiếu kiện đông người ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông và 3 lần tại Hà Nội...

Công an tỉnh Đắk Nông nhận định ý đồ lập hệ thống quản lý mang tính cộng đồng, gây sức ép với chính quyền nhằm chiếm giữ đất đai, cư trú lâu dài của các đối tượng này đã khá rõ nét.

Xã hội đen chiếm đất, phá rừng - 2

Gỗ lậu từ rừng Quảng Trực, tỉnh Đắk Nông bị cơ quan chức năng thu giữ

Người dân khiếp sợ

Không chỉ chống chính quyền, các băng nhóm ở rừng Quảng Trực còn kiểm soát cả doanh nghiệp, thương lái, nông dân để thu tiền bảo kê, cho vay nặng lãi, cướp đất. Ông H.V.H, một thương lái chuyên mua mì lát, cho biết từng bị đàn em Phương cơ (Phạm Xuân Phương) chặn đường hành hung do không nộp tiền bảo kê. “Tôi phải cắn răng nộp tiền cho chúng, thậm chí mua theo giá mà chúng quy định” - ông H. uất ức.

Bà P.T.H, một người dân trồng mì ở Đắk Zên, cho biết: “Khi gia đình tôi lên khai phá, đường sá đã có từ lâu, vậy mà chúng vẫn bắt chúng tôi phải nộp tiền làm đường, sửa đường. Nhiều người đã nộp đầy đủ các khoản tiền nhưng vẫn bị đuổi đi, lấy đất bán cho người khác. Ai cũng uất ức nhưng không dám tố cáo vì sợ bị chém giết, đốt nhà”.

Theo điều tra của Công an tỉnh Đắk Nông, ngay khi mới có mặt ở rừng Quảng Trực, băng Phương cơ đã phá hủy, đắp chặn tất cả các con đường dẫn về huyện Bù Đăng, chỉ để lại lối độc đạo qua bến Đắk Zên rồi dựng barie thu tiền của tất cả người và phương tiện qua lại. Nhờ đó, băng nhóm này thu được rất nhiều lợi lộc từ thương lái, đầu nậu gỗ, lâm tặc...

Tất cả hoạt động tại Đắk Ngo (một xã khác của huyện Tuy Đức) cũng bị kiểm soát bởi băng Thành nghĩa địa (Nguyễn Văn Thành). Băng này thu bảo kê canh tác 500.000 đồng/ha, thu 40-50 triệu đồng/thương lái, ép thương lái nhượng lại nông sản giá rẻ để sang tay cho xe tải đường dài hưởng chênh lệch.

Ngoài ra, nhiều hộ dân còn bị Thành nghĩa địa cướp đất. Ông Lương Viết Cường (ngụ xã Bom Bo, huyện Bù Đăng) cho biết: “Một bữa, tôi đang làm rẫy ở Quảng Trực thì có khoảng 20 đàn em của Thành nghĩa địa vô đánh túi bụi, bắt nộp 150 triệu đồng. Tôi chạy mượn khắp nơi mới đưa được hơn 50 triệu đồng nên liên tiếp bị chúng tới đốt nhà, không yên ổn làm ăn được”.

Ngày 27/2, Thành nghĩa địa sai đàn em vào rẫy của ông Trần Văn Dân (ngụ xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) đòi tiền bảo kê, đánh người. Sau đó, chúng lấy luôn 8,5 ha đất của ông Dân và ông Võ Văn Tý bán cho người khác...

Vô tư khai thác gỗ

Cùng với làn sóng lấn chiếm đất rừng, nhiều băng nhóm lâm tặc ở Bù Đăng còn lên Quảng Trực khai thác gỗ trái phép. Mới đây, Công an tỉnh Đắk Nông đã triệt phá băng lâm tặc do Quang kều (Ngô Đình Quang) và Sáu Chở (Nguyễn Văn Chở) cầm đầu.

Chúng khai nhận đã cho đàn em lên rừng Quảng Trực khai thác hoặc bảo kê khai thác gỗ, sau đó đưa về các xưởng cưa ở Bù Đăng với hàng chục ô tô mỗi ngày. Do khống chế lực lượng bảo vệ rừng, vô hiệu hóa cán bộ một số xã ở huyện Bù Đăng nên hoạt động khai thác gỗ của chúng diễn ra từ năm 2009 đến nay nhưng không bị xử lý.

Trước tình hình tranh chiếm đất rừng, khai thác gỗ lậu tràn lan ở Quảng Trực, Công an tỉnh Đắk Nông đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ vào cuộc. Chiến dịch được mở đầu từ năm 2012 với việc khởi tố vụ án vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, khởi tố 11 đối tượng bao chiếm đất rừng và tổ chức khiếu kiện. Trong đó, các đối tượng cầm đầu là: vợ chồng Nguyễn Hoàng Kiếm - Lê Thị Sẳng, Nguyễn Văn Hường, Triệu Văn Say, Bùi Thị Hòa (đều trú ở huyện Bù Đăng)...

Tìm cách vào trạm kiểm soát

Để dễ bề hoạt động, các băng nhóm xã hội đen ở Quảng Trực mua chuộc hoặc dùng vũ lực để đưa đàn em vào các doanh nghiệp được phép khai thác rừng, từ đó tham gia trạm kiểm soát liên ngành, làm việc với cán bộ công an, kiểm lâm, bộ đội của huyện Tuy Đức. Cụ thể, băng Phương cơ cài người vào Trạm Kiểm soát liên ngành Đắk Zên và từ đó kiểm soát toàn bộ vùng rừng Quảng Trực. Thành nghĩa địa thì cài người vào lực lượng bảo vệ của Công ty TNHH Long Sơn, một doanh nghiệp thuê đất trồng cao su...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Nguyên (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN