Xả hồ thủy lợi lớn nhất Hà Tĩnh, di dời hàng ngàn hộ dân

Mực nước hồ Kẻ Gỗ - hồ thủy lợi lớn nhất Hà Tĩnh tiếp tục tăng cao, hàng ngàn hộ dân phải di dời để ứng với việc xả tràn hồ.

Xả hồ thủy lợi lớn nhất Hà Tĩnh, di dời hàng ngàn hộ dân - 1

7h sáng 17.10, hồ thủy lợi lớn nhất Hà Tĩnh sẽ xả tràn

Chiều ngày 16.10, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục ra thông báo việc xả tràn hồ Kẻ Gỗ, để người dân kịp thời ứng phó. Thông báo được các nhà mạng di động gửi đến tất cả các thuê bao của người dân trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, để đảm bảo an toàn cho công trình, giảm thiểu thấp nhất ngập lũ vùng hạ du và chủ động đối phó với mưa lũ, hồ Kẻ Gỗ sẽ xả tràn từ 7h sáng ngày 17.10 với lưu lượng 200 - 300m3/s, tùy theo tình hình thời tiết.

Việc xả tràn hồ Kẻ Gỗ sẽ ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh.

Thông tin xả tràn hồ Kẻ Gỗ khiến nhiều người lo lắng sẽ tái diễn cảnh ngập lụt lịch sử, khi hồ này xả với lưu lượng lớn vào năm 2010. 

Tối ngày 16.10, trao đổi với PV, ông Dương Tất Thắng, PCT UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, việc xả tràn hồ Kẻ Gỗ đã được lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng bàn thảo kỹ lưỡng, trong đó cân nhắc kỹ thời điểm xả, lúc triều xuống thấp nhất thường từ 7 - 9h sáng.

“Để tiếp tục ứng phó với diễn biến của cơn bão số 7 – Sarika, cùng tình hình diễn biến thời tiết xấu, xả tràn hồ Kẻ Gỗ là cần thiết. Tất nhiên, việc ảnh hưởng do việc xả tràn là khó tránh khỏi. Vì vậy, chúng tôi đã thông báo trước 2 ngày, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp an toàn, sẵn sàng đối phó với trường hợp xả tràn lưu lượng lớn có thể xảy ra”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cho hay, đánh giá của cơ quan chuyên môn, với lượng xả tràn từ 200 – 300sm3/s chưa gây ảnh hưởng lớn đến tình hình lũ trên địa bàn tỉnh. Nếu tình hình thời tiết mưa nhỏ, lượng nước xả sẽ giảm xuống.

Xả hồ thủy lợi lớn nhất Hà Tĩnh, di dời hàng ngàn hộ dân - 2

 Nhiều khu vực ở Hương Khê, Hà Tĩnh vẫn ngập sâu (ảnh : Báo giao thông) 

Trước đó, trong hai ngày mưa lớn 13 -14.10, nhà máy thủy điện Hố Hô (Hương Khê) xả lũ với lưu lượng 500-1.800 m3/s. Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng việc xả lũ của nhà máy thủy điện Hố Hô là chưa đảm bảo quy trình. Ngoài ra, thời điểm xả lũ lại vào buổi tối, thời gian quá gấp, nước lên quá nhanh nên người dân không kịp di chuyển tài sản đến nơi an toàn.

Sáng ngày 15.10, phát biểu sau khi đi kiểm tra thực tế tình hình mưa lũ ở huyện Hương Khê, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng việc thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ đã khiến người dân trở tay không kịp.

Chiều nay 16.10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến công tác ứng phó với cơn bão số 7 (Sarika) trên Biển Đông và tình hình mưa lũ ở khu vực miền Trung.

Ông Hoàng Đức Cường, GĐ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, hồi 14 giờ chiều nay (16.10), bão số 7 – Sarika đang ở cách quần đảo Hoàng Sa gần 700km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.

Theo ông Cường, với cấp độ 11-12 khi vào đất liền, Sarika là cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ nước ta trong nhiều năm trở lại đây. Dự báo, nó sẽ có sức tàn phá tương đương với bão bão Haiyan năm 2013 và mạnh hơn cả Sơn Tinh năm 2012.

Bão sẽ gây mưa ở khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Trung du Bắc Bộ với lượng mưa phổ biến cả đợt ước tính 200-300mm, có nơi hơn 400mm.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh, đêm 13.10, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra Nghệ An có mưa rất to. Tâm mưa là Quảng Bình với tổng lượng mưa đo được trong 24 giờ lên tới 747 mm - cao nhất trong lịch sử quan trắc tỉnh này.

Mưa lớn kết hợp thủy điện xả lũ khiến mực nước sông suối đồng loạt dâng cao, tràn vào làng xã, gây ngập nặng ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Từ chiều 15.10 đến nay, mưa giảm dần, nước lũ bắt đầu rút. Thống kê đến trưa 16.10, có 21 người chết, 8 người mất tích do mưa lũ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Lũ lớn ở miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN