Xã có 150 người mù

Người ta thường gọi Quảng Xuân là xã “bóng tối” nhưng chúng tôi lại không nghĩ như vậy khi tiếp xúc với những người khiếm thị nơi đây. Ông trời lấy đi của họ đôi mắt song họ luôn biết vươn lên trong cuộc sống, tạo hạnh phúc cho mình.

Xã có 150 người khiếm thị

Trong căn nhà nhỏ ông Võ Xuân Đức, Chủ tịch Hội Người khiếm thị xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đang loay hoay với đống giấy tờ, sổ sách. Chẳng là ông vừa tiếp nhận công việc này được mấy hôm. Ngay bản thân ông cũng là một người kém mắt. Khi nhắc tới tình hình các hội viên trong xã, ông không nén được tiếng thở dài: “Chẳng hiểu sao ở Quảng Xuân lại có nhiều người bị khiếm thị đến thế. Buồn hơn là danh sách này cứ ngày một nhiều lên”.

Xã có 150 người mù - 1

Giây phút hạnh phúc khi ở cùng vợ, con của những người khiếm thị

Ông Đức đưa ra những con số khiến ai nghe thấy cũng phải đau lòng: Toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 700 hội viên Hội Người mù nhưng huyện Quảng Trạch có hơn 300 người, riêng xã Quảng Xuân có 150 người, trong đó có 68 người là phụ nữ. Cả 4 làng Thanh Bình, Thanh Lương, Xuân Hòa và Xuân Kiều đều có người mù, riêng Thanh Bình nhiều nhất với 52 người. Phần lớn các gia đình đều nghèo khó, trong đó gia đình ông Dương Lư (đã mất) ở xóm 4, thôn Thanh Bình) có tới 5 người bị mù.

Dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình hội viên, ông Đức còn cho biết thêm: "Đa phần những người bị mù ở độ tuổi thanh niên. Họ sinh ra đã bị mắc bệnh kém mắt. Lớn lên thì họ không nhìn thấy gì nữa”. Làng xóm nơi đây cát trắng lấn vào tới nhà dân. Ruộng đồng không được tươi tốt như những nơi khác. Cuộc sống của họ đa phần trông cả vào biển. Do vậy chỉ những thanh niên trai tráng, có sức vóc mới đi biển được. Riêng những hội viên của ông Đức thường có số phận hẩm hiu.

Trường hợp của 3 chị em ruột ở thôn Thanh Bình gồm: Dương Thị Vắn (54 tuổi), Dương Thị Vó (52 tuổi), Dương Thị Vẩy (49 tuổi) rất đáng thương. Cả 3 chị em sinh ra được vài tháng thì bị mù, hiện họ vẫn cùng sống chung trong ngôi nhà tình nghĩa. Cuộc sống của họ trông vào nguồn trợ cấp 180.000đ/tháng/người. Suốt mấy chục năm qua họ nương tựa vào nhau để sống cho qua ngày. Buồn hơn là đầu năm nay, chị Vắn đã trút hơi thở cuối cùng, để lại 2 người em bơ vơ giữa dòng đời.

Đi về phía mặt trời


Ở xã vùng biển Quảng Xuân, người bình thường kiếm được cái ăn đã khó, chứ chưa nói gì đến những người bị khuyết tật. Thế nhưng ở Quảng Xuân, bằng nghị lực phi thường, nhiều người khiếm thị đã hòa mình vào cuộc sống, vươn lên bằng chính bàn tay khối óc của mình.

Căn nhà xây khang trang của anh Võ Văn Bế ở làng Thanh Lương nằm cách QL 1A khoảng 200m. Hôm chúng tôi đến thăm, giữa cái nắng chang chang của miền Trung, anh Bế đang đánh trần với vườn rau trước nhà. Anh cuốc đất, vun rau, từng động tác rất chuẩn xác. Nếu không có sự giới thiệu trước của ông Đức, ngay cả chúng tôi cũng không tin là anh bị kém mắt.

Xã có 150 người mù - 2

Anh Bế đã biến đồi cát trắng thành vườn rau xanh tốt

Thấy có khách đến chơi anh Bế mới ngưng tay làm. Xung quanh nhà anh toàn là cát trắng. Vậy mà qua đôi bàn tay và ý chí phi thường của anh chúng đã biến thành vườn rau xanh tốt. Ngôi nhà mái bằng khang trang, rộng rãi của vợ chồng anh cũng vừa hoàn thành. Anh còn là người trồng rừng giỏi nhất xã Quảng Xuân. Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, cuộc đời anh Bế cũng trải qua không ít gian nan.

Năm nay đã ngoài 50 tuổi và cũng ngần ấy thời gian anh phải sống chung với bóng tối. Bố mẹ anh sinh được 5 người con, duy chỉ có anh Bế là chịu nhiều thiệt thòi. Từ lúc lọt lòng mẹ, anh đã bị kém mắt. Tuổi thơ của anh chưa từng được biết đến ánh sáng.

Anh lớn lên trong không khí buồn, chẳng làm tốt việc gì, đi đâu trong căn nhà úp trên cát, Bế cũng làm đổ cái nọ, rơi cái kia. Mẹ Bế nhiều lúc thương con nhưng cũng bực lên mà thốt: “Mi rứa thì sau ni ba mạ chết, chỉ bốc cát mà ăn”. Nghe mà tủi, Bế quyết làm một việc gì đó, lúc đầu anh đi vót tăm tre, sau đó lên rừng dương sau làng vơ lá dương khô về cho bố mẹ nấu nướng.

Đến tuổi trưởng thành, anh em trong nhà được bố mẹ dựng vợ, gả chồng cả, chỉ còn một mình anh Bế là chịu cảnh hẩm hiu. Rất may là nhờ một người mai mối, Bế đã quen được cô thôn nữ đảm đang là Trần Thị Cúc ở làng bên. Từ đó mà anh Bế có vợ. Cưới nhau hôm trước, hôm sau Bế dắt vợ lên doi cát cuối làng, xin địa phương cho khai hoang 3ha đất cát phủ đầy cỏ gianh.

Hai vợ chồng dựng túp lều cỏ, mua mấy cái liềm, sắm vài con dao, cây rựa, cái xẻng và cuốc để bắt đầu xây dựng cuộc sống. Bế mù, chẳng làm được nhiều việc nhưng cũng cật lực nhổ cỏ, cật lực vun vén từng mét đất vỡ hoang. Giờ đây khu vườn này đã trở thành “cái máy” sản xuất lương thực, giúp vợ chồng anh Bế có cái ăn, cái mặc. Anh Bế khoe: "Đàn bò gần chục con của tui, giờ bán đi cũng có khối tiền. Mình để thứ đó cho 2 đứa con ăn học dần".

Xã có 150 người mù - 3

Anh Mỵ luôn túc trực bên bộ đàm

Trước khi rời làng Xuân Hòa, anh Mỵ lại lên đàm. Giọng nói khàn khàn của anh khiến tôi nhớ mãi: “A lô, "Biển gọi" ở Xuân Hòa đây, tàu 67, 43, 45... có nghe rõ không? Hiện nay cơn bão số 2 đang tràn vào biên Đông, gió lớn rất nguy hiểm, các tàu ở gần khu vực đó cần vào bờ khẩn trương để tránh gió”.

Từ phía đầu bên kia, các giọng nói thi nhau cất lên: “Chào “Biển gọi”, tàu 67 đã nhận được tin….”. Những cuộc nói chuyện tưởng như không dứt đó đã giúp bà con ngư dân nơi đây rất nhiều. Với nghị lực phi thường, anh Mỵ đã vượt lên số phận của mình để làm được nhiều việc có ích cho đời.

Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Mỵ nằm sâu trong thôn Xuân Hòa. Trước nhà anh còn có máy xay xát do vợ anh là chị Nguyễn Thị Hoa vận hành. Người phụ nữ miền biển tần tảo, sớm hôm này đã cùng chồng vượt qua bao tai ương, sóng gió của cuộc đời để xây dựng lên mái ấm gia đình này. Chị Hoa kể, chị là người cùng làng với anh Mỵ. Anh bị mù từ nhỏ. Chị thương anh Mỵ ở cái nết hay lam hay làm, lại làm được nhiều việc tốt giúp bà con ngư dân.

Thế rồi họ nên vợ nên chồng và sinh hạ được 5 người con. Buồn thay 3 cô con gái đầu của anh chị cũng mắc bệnh giống bố. Anh chị chạy chữa thế nào, bệnh của chúng cũng không khỏi. Cuộc đời trải qua bao phen giông tố, anh chị vẫn đồng cam cộng khổ, động viên nhau tin tưởng vào tương lai.

Trong cái nắng hầm hập như đổ lửa của miền Trung, anh Mỵ vẫn ngồi lì trong phòng để sửa chữa cái máy bộ đàm. Tuy không nhìn được nhưng anh Mỵ vẫn tháo rời được từng con ốc vít, từng đường dây trong máy bộ đàm. Anh cẩn thận lau sạch sẽ từng bộ phận rồi lắp chúng hoàn chỉnh trong giây lát. “Mùa mưa bão sắp đến gần. Tui phải kiểm tra và sửa lại những chi tiết hư hỏng. Phải có một chiếc máy hoàn chỉnh thì việc liên hệ với tàu bè mới được thông suốt", anh Mỵ tâm sự.

Anh Mỵ cho biết, đài “Biển gọi” của anh mở liên tục 24 giờ trong ngày. Anh thường xuyên nghe dự báo thời tiết của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Duyên hải miền Trung để nắm thông tin về các đợt gió mùa đông bắc hoặc áp thấp nhiệt đới, hay báo cho đội tàu biết về sự cố thuyền bạn... Hiện nay, đài "Biển gọi" của anh vươn xa được khoảng hơn 80 hải lý và không những phục vụ cho đội tàu làng Xuân Hòa gồm 80 chiếc mà còn cho tất cả các tàu trong vùng phủ sóng. Tàu cá của các tỉnh bạn như Bình Định, Quảng Ngãi... cũng thường xuyên nhận tín hiệu của anh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thuần Việt (Nông nghiệp Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN