WHO chỉ điểm nhiều sai lầm trong “cuộc chiến” với đại dịch COVID-19
Phun thuốc khử khuẩn mà không lau chùi trực tiếp bề mặt, sử dụng buồng kháng khuẩn toàn thân,… là những sai lầm vừa được WHO cảnh báo.
Phun xịt thuốc khử khuẩn không thể thay thế khâu làm vệ sinh bề mặt bằng vải lau có tẩm chất khử khuẩn. (Ảnh minh họa)
Sáng 19/5, Sở Y tế dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 được sử dụng phổ biến như phun thuốc khử khuẩn, sử dụng buồng kháng khuẩn toàn thân có những hạn chế, thậm chí gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo WHO, trong không gian của một cơ sở khám chữa bệnh, việc thường xuyên phun xịt hoặc phun sương các chất khử khuẩn lên bề mặt môi trường không được khuyến khích sử dụng. WHO cho biết, đã có công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, việc sử dụng biện pháp phun xịt thuốc khử khuẩn như một giải pháp chính là không đúng vì không có hiệu quả trong việc loại bỏ các chất gây ô nhiễm môi trường.
“Hơn nữa, phun xịt thuốc khử khuẩn còn có thể gây nguy hại cho mắt, kích thích đường hô hấp hoặc kích thích da và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc phun xịt hoặc phun sương một số hóa chất, chẳng hạn như formaldehyd có chứa clo hoặc hợp chất amoni bậc bốn, sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhân viên tại các cơ sở y tế”, Sở Y tế TP.HCM dẫn cảnh báo từ WHO.
WHO khẳng định, việc phun xịt thuốc khử khuẩn bề mặt môi trường tại các cơ sở y tế và các cơ sở không phải y tế sẽ không đạt được hiệu quả loại bỏ các chất hữu cơ và có thể bỏ sót các bề mặt bị nhiễm bẩn được che chắn hoặc các bề mặt có thiết kế phức tạp. Tốt nhất là thực hiện vệ sinh bề mặt bằng vải lau có tẩm chất khử khuẩn.
WHO cũng cảnh báo một số quốc gia đã phê duyệt sử dụng công nghệ khử khuẩn bằng các chất hoá học không chạm như phun sương dung dịch khử khuẩn hydrogen peroxide (H2O2) tại các cơ sở y tế. Về việc sử dụng các thiết bị chiếu tia cực tím (UV), một số yếu tố kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của chiếu tia cực tím bao gồm khoảng cách từ thiết bị chiếu tia UV đến điểm cần khử khuẩn (liều chiếu, bước sóng và thời gian chiếu; loại đèn; tuổi đèn; và thời gian sử dụng). Các yếu tố khác bao gồm đường đi trực tiếp hoặc gián tiếp của tia phát ra từ thiết bị; kích thước và hình dạng phòng; cường độ; và độ phản chiếu của tia cũng ảnh hưởng tới hiệu quả khử khuẩn các buồng bệnh.
“Những công nghệ không chạm này dùng để bổ sung chứ không thay thế được cách làm sạch buồng bệnh một cách thủ công. Nếu muốn sử dụng công nghệ khử trùng không chạm, đảm bảo rằng bề mặt môi trường phải được làm sạch bằng tay trước bằng cách cọ rửa hoặc chải để loại bỏ chất hữu cơ bám trên bề mặt”, WHO khuyến cáo.
WHO cũng khẳng định, việc phun xịt thuốc để khử khuẩn không gian bên ngoài như đường phố hoặc chợ không được khuyến khích để diệt virus SARS-CoV-2 hoặc các mầm bệnh khác, vì chất khử khuẩn sẽ bị bất hoạt bởi các hạt bụi và những mảnh vỡ nhỏ li ti vốn đã khó có thể làm sạch bằng tay và khó có thể loại bỏ tất cả các chất hữu cơ có trong những không gian như vậy. Ngay cả khi không các có chất hữu cơ, việc phun hóa chất lên các bề mặt không bằng phẳng như vỉa hè và lối đi không trải nhựa, sẽ rất ít hiệu quả vì khó có thể bao phủ đầy đủ hoá chất diệt khuẩn lên tất cả các bề mặt để vô hiệu hóa mầm bệnh. Hơn nữa, đường phố và vỉa hè không được coi là ổ nhiễm trùng COVID-19 và việc phun thuốc khử trùng ngoài trời có thể gây hại cho sức khỏe con người.
Ngoài ra, WHO chính thức khuyến cáo không sử dụng “buồng khử khuẩn toàn thân” trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Theo đó, việc sử dụng biện pháp khử khuẩn này có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng cả về thể chất lẫn tinh thần, và không có tác dụng làm giảm khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2 qua giọt bắn hoặc tiếp xúc của một người đã mắc COVID-19. Hơn nữa, phun xịt thuốc vào cơ thể người bằng các hoá chất chứa clo và các hóa chất độc hại khác có thể dẫn đến kích thích mắt và da, gây co thắt phế quản do hít phải và ảnh hưởng đến đường tiêu hóa như buồn nôn và nôn.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ đồng ý cấp ngân sách trở lại cho Tổ chức Y tế thế giới sau hơn 1 tháng tuyên...