Website và hotline ứng cứu khẩn cấp cho người dân vùng lũ miền Trung

Các đội cứu hộ có thể trực tiếp tra cứu thông tin người cần cứu hộ theo từng khu vực, còn người dân có thể chủ động tra cứu thông tin đội cứu hộ gần nhất.

Trận lũ lịch sử đang xảy ra tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, đặc biệt là Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Mưa rất lớn được dự báo sẽ còn tiếp tục, cùng với đó bão số 8 đang hướng vào miền Trung.

Những status kêu cứu trên Facebook

Những status kêu cứu trên Facebook

Trên Facebook, hàng ngàn dòng trạng thái (status) cầu cứu được người dân trong vùng lũ chia sẻ. Tuy nhiên, nhiều lời kêu cứu trên mạng xã hội không để lại đủ thông tin khiến công tác cứu hộ gặp khó khăn hoặc không thể thực hiện được. Ngoài ra, việc liên lạc giữa người dân và các đội cứu hộ thường xuyên bị gián đoạn.

Tại các địa phương, điện thoại của các tổ cứu hộ thường xuyên bị quá tải do quá nhiều người dân cùng gọi đến. Thông tin về các đội cứu hộ cũng lan truyền chậm và chủ yếu được tổng hợp một cách thủ công, phân tán. 

Nhiều gia đình đã được ứng cứu nhưng thông tin kêu cứu vẫn được cộng đồng mạng chia sẻ, dẫn đến nhiễu loạn thông tin, cản trở việc ứng cứu các khu vực cần thiết khác. Hiện nay cũng chưa có một nền tảng thống kê và điều phối chung về tình trạng cứu hộ tại mỗi khu vực, như đang có bao nhiêu điểm cần cứu hộ, có bao nhiêu đội cứu hộ, và đã cứu hộ thành công bao nhiêu trường hợp,…

Trước thực tế đó, một nhóm những chuyên gia công nghệ, điều phối viên truyền thông và tình nguyện viên tại Việt Nam vừa cho ra mắt trang thông tin trực tuyến CuuhomienTrung.info. Đây là nền tảng công nghệ đầu tiên cho phép tất cả mọi người có thể cập nhật liên tục, cùng tổng hợp dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực về các thông tin cứu hộ, cứu nạn tại miền Trung.

Thông tin liên tục được xác minh, đăng tải lên website và cập nhật lại khi có thay đổi

Thông tin liên tục được xác minh, đăng tải lên website và cập nhật lại khi có thay đổi

Đội tình nguyện viên của dự án sẽ trực tiếp xác minh thông tin và điều phối các bên. Tính đến thời điểm hiện tại, 2 ngày sau khi đi vào hoạt động, lượng truy cập đã vượt 200.000 lượt, với hơn 2.000 tình nguyện viên đang tích cực giúp thu thập và tổng hợp dữ liệu cần cứu hộ, cứu nạn tại vùng tâm bão lũ miền Trung. 

Đường dây nóng 18006132 với 30 tình nguyện viên trực 24/24 giờ cũng đã được đội ngũ xây dựng và phổ biến đến người dân cũng như các đội cứu trợ. Các tổng đài viên từ khắp mọi miền trên đất nước sẽ phụ trách việc cập nhật và điều phối giữa các bên liên quan.

“Chúng tôi tạo ra một giải pháp mở để cải thiện hiệu quả thông tin không chỉ cho đợt thiên tai này mà còn cho những dự án cộng đồng tiếp theo. Ý tưởng cốt lõi của chúng tôi là thay đổi hành vi của người dân, các đơn vị cứu hộ và tình nguyện viên để mọi người cập nhật thông tin lên một kênh thống nhất, thay vì những nguồn thông tin lẻ tẻ, phân tán”, anh Đặng Hải Lộc - nhà sáng lập nền tảng trực tuyến CuuhomienTrung.info chia sẻ.

“Mục tiêu cấp thiết của dự án là phổ cập nền tảng này tới các cư dân và các đội cứu hộ tại vùng đang chịu ảnh hưởng từ lũ. Càng nhiều thông tin chính xác được cập nhật, nguồn lực càng được phân bổ hợp lý và nhanh chóng, tránh tình trạng quá tải tại hiện trường. Các đội cứu hộ có thể trực tiếp tra cứu thông tin người cần cứu hộ theo từng khu vực. Người dân cũng chủ động tra cứu thông tin đội cứu hộ gần nhất”, Trần Thu Trang - một thành viên trong đội ngũ phát triển CuuhomienTrung.info cho biết thêm.

Dự án đang nhận hỗ trợ từ nhiều nguồn lực xã hội, trong đó có các cộng đồng khởi nghiệp công nghệ, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh miền Trung,… Hiện, có một đơn vị về bản đồ số đang thảo luận với đội ngũ sáng lập về việc lập ra một bản đồ cập nhật tình hình lũ lụt ở từng địa điểm chịu ảnh hưởng, thống kê thiệt hại và dự báo nhu cầu trong thời gian tới của cư dân chịu ảnh hưởng từ lũ.

Dự án này đã chính thức được Tỉnh đoàn Quảng Bình đồng ý tiếp nhận thông tin và cử nhân sự tham gia dự án. Theo đó, dựa vào thông tin được cập nhật trên trang CuuhomienTrung.info, Tỉnh đoàn Quảng Bình sẽ lọc dữ liệu theo tiêu chí “Cần ứng cứu gấp” và “Gặp nạn” để phục vụ công tác điều phối và cứu trợ khẩn cấp.

Trước đó, Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống lụt bão của Quân khu IV, đặt tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã đồng ý tiếp nhận thông tin cứu trợ trên website để làm đầu vào cho việc điều phối tàu, xuồng cứu hộ.

Facebook ra mắt công cụ “Ứng phó khẩn cấp”

Để giúp người dân có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng cũng như trợ giúp về những vấn đề như phương tiện vận tải, thực phẩm hoặc nhu yếu phẩm trong thiên tai, Facebook vừa cho ra mắt công cụ “Ứng phó khẩn cấp”.

Với công cụ “Ứng phó khẩn cấp”, người dùng có thể:

- Đánh dấu an toàn cho chính mình để trấn an tinh thần người thân.

- Giúp đỡ người khác hoặc hỏi xin trợ giúp.

- Gây quỹ hoặc quyên góp để hỗ trợ những người trong khu vực thảm họa.

- Thu thập thông tin liên quan đến thảm họa.

Đại diện Facebook tại Việt Nam cho biết, hiện tại, hàng ngàn người tại vùng rốn lũ miền Trung đã sử dụng tính năng “Đánh dấu an toàn” của công cụ “Ứng phó khẩn cấp” để thông báo về tình trạng của mình và gia đình tới bạn bè ở khắp nơi. Công cụ này được phát hành tại địa chỉ: https://www.facebook.com/about/crisisresponse/

Lũ vượt mốc năm 1979, người dân Lệ Thủy vượt đồi cát xin đồ ăn

Mưa lũ xảy ra trên địa bàn huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) vượt mốc năm 1979, người dân ở huyện này phải vượt gần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Lũ lụt ở miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN