Vượt biên lao động: Cung đường chết

Từ đầu năm đến nay, gần 17.000 lượt lao động Việt vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Xuất cảnh trái phép nên khi bị trấn lột, bị ép làm việc, quỵt tiền lương, thậm chí mất mạng… không ai dám lên tiếng.

Lúa đã chín vàng nương, nhưng trên những bản làng người Nùng nơi vùng biên huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) vẫn không thấy bóng người gặt. Hỏi ra mới biết, phần lớn lao động chính ở đây đã bỏ làng, bỏ bản vượt biên sang Trung Quốc làm thuê.

Thôn vắng người

Chúng tôi tìm đến thôn Khuôn Gioong (xã Trùng Quán). Thôn này nổi tiếng bởi biệt danh thôn “ba nhất”: Nghèo nhất, sinh con đông nhất và có số người vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê nhiều nhất. Ông Tô Văn Chang – Trưởng thôn Khuôn Gioong lý giải câu chuyện nghèo đói của thôn bản bằng giọng lơ lớ pha giữa tiếng Kinh lẫn tiếng Nùng: “Ở nơi rừng thiêng nước độc này, không đi làm thuê biết lấy gì mà sống. Nuôi con gì cũng chết, trồng cây gì cũng chết à”.

Theo ông Chang, toàn thôn có 33 hộ với khoảng gần 400 người, nhưng có tới 70% số dân đã rời quê sang Trung Quốc làm thuê. Hầu như gia đình nào ở đây cũng có người sang Trung Quốc, nhiều gia đình có tới 3- 4 người cùng đi.

Vượt biên lao động: Cung đường chết - 1

Đường Công Hùng bây giờ ở nhà nấu rượu kiếm sống, không dám vượt biên làm thuê nữa.

“Dân ở đây vượt biên đi làm thuê như đi chợ. Mỗi năm họ đi từ 4-5 lượt, cứ hết mùa lại đi, đi rồi lại về. Cũng có người thì đi rồi ở luôn bên đó lấy chồng hoặc nhập cư không về nữa” – ông Chang trầm ngâm kể.

Hiện dù đã vào vụ mùa nhưng toàn thôn chỉ lác đác vài ba người đi gặt, còn đa phần đều sang Trung Quốc làm nghề chặt mía, trồng cây, hái hồi, vác củi thuê… Công việc vất vả nhưng mỗi ngày có thể kiếm được 40-50 nhân dân tệ (khoảng từ 120.000 -150.000 đồng), cao hơn làm ruộng ở nhà nên chẳng ai thiết tha gắn bó với ruộng nương nữa.

Nói đến đây, ông Chang chỉ tay ra thửa lúa bậc thang đã chín vàng, bị gió lớn xô ngã mà chưa có người gặt, nói thêm: “Nếu không phải đang vào vụ gặt thì chắc cô không gặp được ai đâu. Người có sức thì vượt biên đi làm thuê, trong thôn còn lại toàn người già và trẻ nhỏ. Cứ đà này chắc một, hai năm nữa đồng ruộng ở thôn bỏ hoang hết thôi. Tôi cũng lo lắm, nhưng không biết làm sao...”.

Hiểm nguy rình rập

Trong vai một người lao động muốn hỏi “đường đi nước bước” để sang Trung Quốc làm thuê, tôi tìm đến nhà anh Đường Công Hùng (37 tuổi) trong thôn Khuôn Gioong. Hùng vốn là một “chim lợn” chuyên chỉ mối cho lao động có nhu cầu đi làm thuê bên xứ người. Sau một thời gian dài lam lũ và một lần bị đánh trọng thương, sức khoẻ Hùng suy giảm nhiều so với trước. Khi nghe tôi đặt vấn để muốn vượt biên, Hùng gạt phắt: “Vất vả lắm, sức cô không chịu nổi đâu”.

Hùng kể: “Muốn sang Trung Quốc làm thuê phải qua người môi giới. Người môi giới phía Trung Quốc là bà Q nhà ngay giáp đường biên giới. Mỗi người phải đóng phí khoảng 40 tệ, cộng với tiền tàu xe từ biên giới Việt Nam sang Trung Quốc, mất khoảng 60 tệ nữa. Người đi có thể đóng trước tiền, hoặc trả sau bằng cách trừ trực tiếp vào số tiền công khi sang đó làm”.

Thường thì, sau mỗi đợt gom đủ người (từ 20-30 người), các chủ môi giới bên kia sẽ cho người hướng dẫn để lao động vượt biên. Cũng theo lời anh Hùng, vì nhà xa cửa khẩu, lại sợ tốn tiền nên đa phần lao động đều không làm giấy thông hành, hay hộ chiếu mà chọn cách thuê người môi giới để vượt biên sang Trung Quốc cho nhanh gọn. Để tránh né các lực lượng hải quan, biên phòng, hầu hết các cuộc vượt biên đều được tổ chức vào ban đêm, lúc 1-2 giờ sáng.

Theo lời Hùng, quãng đường từ thôn Khuôn Gioong tới bên kia biên giới (cụ thể là nhà chủ môi giới) phải mất 6 giờ đi bộ. Vì là đường rừng núi hiểm trở nên việc đi lại rất nguy hiểm, nguy cơ bị cướp giật, bị bắt bớ luôn hiện hữu.

Số liệu từ Công an xã Trùng Quán cho biết, trong 3 năm trở lại đây, lượng dân trong xã vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm ăn gia tăng đáng kể: Năm 2010 có 80 lượt người, năm 2011 là 100 lượt người, năm 2012 là 87 lượt người (tính đến tháng 10/2012).

Trong một lần vượt biên đi làm thuê hồi tháng 5 vừa qua, khi từ Trung Quốc trở về Việt Nam đến đoạn đường mòn thuộc địa phận xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng), Hùng cùng với người bạn là Nguyễn Văn Việt (trú xã Na Sầm, huyện Văn Lãng) bị 3 đối tượng thanh niên do Dương Bằng Cường cầm đầu đánh đập và cướp sạch tài sản.

“Tiền thì bị cướp sạch, lại phải nhập viện điều trị vì bị đánh khiến tôi phải mất một thời gian dài mới hồi phục được cả sức khỏe và cuộc sống. Giờ dù sức khoẻ có ổn hơn nhưng tôi cũng không dám vượt biên sang Trung Quốc làm thuê nữa, sợ lắm” – anh Việt - người bạn của anh Hùng kể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nguyệt (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN