Vượt biên làm thuê: Chôn thân nơi “địa ngục”

Ngay cả khi đã tới Trung Quốc, có việc làm, nhiều lao động vẫn gặp phải bất trắc bởi bị ép làm việc khổ sai, thiếu ăn, thiếu ngủ… Thậm chí nhiều trường hợp đến lúc về còn bị cướp sạch tiền công.

Làm thuê như... ở tù

Sau cung đường hơn 300 cây số trèo đèo, lội suối rồi đi tàu hoả, mất khoảng 2 ngày 1 đêm, anh anh Hứa Văn Chiến (28 tuổi, thôn Lũng Vài, Trùng Quán) mới đến được nhà chủ ở tận Quảng Châu.

Gạt đi nước mắt, anh Chiến kể về những tháng ngày nơi đất khách: “Cùng đi vào tháng 10/2011 có tôi và 2 người bạn cùng được nhận vào chặt mía cho một trang trại tại Quảng Châu”.

Mỗi ngày các anh phải làm từ 12-14 giờ đồng hồ. Công việc vất vả nhưng trưa chỉ được nghỉ 15 phút để ăn cơm rồi lại tiếp tục làm cho tới tận 7-8 giờ tối. Ai nghỉ sẽ bị trừ lương, ai không nghe thì bị chửi bới, thậm chí bị đánh đập.

Công việc vất vả nhưng ngày nào các lao động ở đây cũng chỉ ăn đúng món là cơm rau, hoặc cơm bí đỏ luộc. Chính vì thế nhiều người bị ngất xỉu vì bị kiệt sức.

“Một nỗi khổ nữa là còn không có giường mà ngủ, phải nằm vạ vật dưới đất. Ngoài việc đi chặt mía, hái hồi ra thì tôi và những lao động khác bị nhà chủ giam lỏng”- anh Chiến nói.

Vượt biên làm thuê: Chôn thân nơi “địa ngục” - 1

Những cung đường mòn thường xảy ra vụ vượt biên trái phép

Cùng đi một đợt với anh Chiến, anh Nguyễn Văn Mong (thôn Lũng Vài) cũng chịu cảnh cơ cực. “Nhiều hôm lạnh quá, anh em tôi còn phải lấy áo quấn quanh người ngủ cho ấm” – anh Mong nhớ lại.

Nếu muốn mua thiết bị bảo hộ an toàn lao động như găng tay, mũ, kính mắt… thì lao động như anh Mong phải tự chi trả. Thế nên, dù nói là bao tiền ăn ở, sinh hoạt phí nhưng tính ra lao động vẫn phải bỏ tiền túi để chi phí vì thế tiền lương nhận lại được không còn là bao.

Vất vả, cơ cực là vậy nhưng ai cũng phải cố chịu đựng vì: “1 tháng nếu chăm chỉ cũng kiếm được 4,5 - 5 triệu đồng. Thử hỏi nếu làm ở quê thì bao giờ mới có số tiền lớn như thế” – anh Mong giãi bày.

Mất mạng trên đường về

Mặc dù đã ở vào cái tuổi 57 nhưng bà Vi Thị Tiện (thôn Khuôn Gioong, xã Trùng Quán) vẫn phải vượt biên sang Trung Quốc làm thuê cả chục lần. Nhiều khi bà bị nhà chủ thông đồng với cơ quan chức năng chặn đường kiểm tra giấy tờ để “vét” sạch tiền công. Vì xuất cảnh “chui” nên chuyện vào tù, ra tội đối với bà cũng trở nên bình thường.

“Có lần trên đường về thì bị phía công an bắt giữ, giam cầm hơn 10 ngày liền. Tiền bị tịch thu hết, suốt ngày chỉ ăn cháo và bí đỏ và phải đi lao động công ích, sức khoẻ cũng suy kiệt. Chỉ khi về tới nhà rồi mới biết là mình còn sống” - bà Tiện nói.

“Tính từ đầu năm 2012 tới nay có 16.900 lượt công dân nước ta xuất cảnh sang Trung Quốc tìm việc làm. Trong số đó có 348 người được phía Trung Quốc bắt giữ trao trả cho phía Việt Nam theo đường chính thức. Riêng Lạng Sơn có 201 người, số còn lại đến từ các tỉnh khác”.

Đại tá Dương Công Mừng - Trưởng phòng Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lạng Sơn

Không chỉ bà Tiện, nhiều lao động sau khi vượt biên trái phép sang làm thuê ở Trung Quốc về nước qua những con đường mòn cũng thường bị cướp bóc, có khi còn bị giết chết. Ngày 25/4 vừa qua, Công an huyện Văn Lãng bắt 3 tên côn đồ chuyên trấn lột và cướp đoạt tài sản vùng đường mòn giáp biên xã Tân Mỹ.

Những đối tượng này khai nhận chúng đã thực hiện trót lọt 20 vụ cướp với tổng tài sản lên đến cả trăm triệu đồng. Đa phần các vụ cướp đều thực hiện ban đêm, nạn nhân là các lao động vượt biên từ Việt Nam sang Trung Quốc làm thuê, và ngược lại. Vì xuất cảnh trái phép nên khi bị cướp, các lao động đều không dám tố cáo.

Ông Vũ Hồng Quang – Trưởng Công an huyện Văn Lãng cho biết: “Không chỉ mất một số tiền lớn cho hoạt động môi giới, nhiều người còn bị bỏ rơi ở nước bạn. Nhiều lao động bị phía Trung Quốc bắt giữ trao trả theo đường chính thức, nhưng nhiều trường hợp bị đẩy qua các đường mòn hẻo lánh để về nước nên nguy cơ bị cướp, hiếp… rất cao”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nguyệt (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN