Vũng Chùa trong ngày sinh Đại tướng

Vũng Chùa ngày 25/8 ăm ắp người và hoa. Những con dân nước Việt từ mọi miền tụ hội về đây, tưởng nhớ ngày sinh người con kiệt xuất của dân tộc.

Hoa tươi phủ thắm...

Mặt trời vừa ló dạng, trên con đường nối từ QL 1A vào Vũng Chùa, đã tấp nập xe cộ. Trong dòng người hối hả ấy, một thanh niên áo ướt đẫm mồ hôi với chiếc ba lô con cóc trên vai, tay cầm bó hoa cúc vàng rực, lặng lẽ bước nhanh về phía Vũng Chùa. Chúng tôi dừng xe, ngỏ ý muốn cho cậu thanh niên đi nhờ đoạn đường còn lại để vào khu mộ Đại tướng, nhưng cậu từ chối, nói chỉ muốn đi bộ để tận hưởng và cảm cho bằng hết cảm xúc rưng rưng của mình.

Vũng Chùa trong ngày sinh Đại tướng - 1

 Đoàn lãnh đạo Quảng Bình viếng mộ nhân .

Người thanh niên này là Trịnh Văn Minh (SN 1989), quê tỉnh Nam Định, hiện đang làm cho một dự án ở Hà Tĩnh. Minh nói, mong ước của anh là được một lần đến viếng mộ Đại tướng. Vào Hà Tĩnh công tác đã mấy tháng nhưng công việc lu bu nên Minh chưa thể thực hiện được. Đúng dịp năm nay, Minh hạ quyết tâm, xin nghỉ 1 ngày và đã được sự cho phép của lãnh đạo cơ quan. Để chuyến đi có ý nghĩa, Minh suy nghĩ rất nhiều và quyết định đi bộ đến viếng mộ Đại tướng. 

Vũng Chùa trong ngày sinh Đại tướng - 2

Người dân xã Quảng Đông vinh dự, tự hào và biết ơn Đại tướng.

Minh chia sẻ: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dẫn dắt quân đội ta đi qua hai cuộc kháng chiến thần thánh để giành độc lập cho dân tộc. Đại tướng và những người lính của mình phải chịu rất nhiều gian khổ, hy sinh. Hình ảnh người lính với đôi dép cao su, hành quân trong những năm tháng chiến tranh gợi cho em nhiều suy nghĩ. Hôm nay em muốn trải nghiệm điều đó như một sự tri ân đối với Đại tướng. Chỗ em làm cách đây chừng ba chục cây, em đi từ lúc 2 giờ sáng, vì đã quyết tâm nên không hề thấy mệt”.

“Lúc còn sống, Đại tướng là người có công lớn với dân tộc, lúc thác rồi Đại tướng cũng nghĩ cho quê hương, đất nước. Nơi Đại tướng an nghỉ thật đẹp và linh thiêng. Biển Đông đang có Người canh giữ ở đây thì không một kẻ thù nào dám xâm phạm”.

Cụ bà Lê Thị Thanh

Biển Vũng Chùa trong ánh nắng ban mai yên bình đón dòng người trật tự nối nhau tiến về phần mộ của Đại tướng. Cụ bà Lê Thị Thanh (85 tuổi) đến từ Hà Nội chậm rãi chống gậy, cùng đoàn con cháu lên viếng mộ Đại tướng. Người con gái của bà Thanh kể: “Ngay khi nghe tin Đại tướng qua đời, mẹ tôi bắt con cháu chở đến 30 Hoàng Diệu để thắp hương viếng Đại tướng. Ngày đưa Đại tướng về quê an nghỉ, bà đã đứng hàng giờ bên đường phố để được vẫy tay chào tiễn biệt. Mong ước của bà là được nhìn thấy nơi an nghỉ của Đại tướng, và cứ nằng nặc đòi đi Quảng Bình bằng được. Con cháu chưa sắp xếp được, bà dọa là nếu không đến được phần mộ của Đại tướng, bà chết cũng không nhắm mắt”.

Trước phần mộ Đại tướng vàng rực hoa cúc, bà Thanh rưng rưng nói lời tri ân: “... Lúc còn sống, Đại tướng là người có công lớn với dân tộc, lúc thác rồi Đại tướng cũng nghĩ cho quê hương, đất nước. Nơi Đại tướng an nghỉ thật đẹp và linh thiêng. Biển Đông đang có Người canh giữ ở đây thì không một kẻ thù nào dám xâm phạm. Dân tộc Việt Nam mình thật có phúc khi đã sinh ra một người con như Đại tướng...”

Vũng Chùa trong ngày sinh Đại tướng - 3

Bà Thanh rưng rưng bên mộ Đại tướng.

Ngồi dưới tán cây thông vi vút gió biển, bên tháp chuông Vũng Chùa, bà Thanh kể: Bà là người gốc Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Đường, nguyên là giáo viên dạy toán. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ, gia đình bà đã hiến rất nhiều tiền của cho Cách mạng. Cả gia đình nội ngoại của bà đã đốt 6 ngôi nhà ở Hàng Đường để tiêu thổ kháng chiến, trước khi lên vùng chiến khu Phú Thọ. Ở tuổi đôi mươi, bà Thanh đã chịu gian khổ, lăn lộn ở vùng chiến khu để dạy các lớp “bình dân học vụ” cho đến ngày giải phóng thủ đô. “Ngày đó gian khổ lắm, nhưng tin vào Bác Hồ, vào Đại tướng nên mọi người đã vượt qua tất cả. Một cô gái Hà Nội như tôi, giữa bạt ngàn rừng núi ở vùng chiến khu, nhưng đêm hôm vẫn hăng hái đến các lớp học, mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé cho Cách mạng. Hôm nay được vào đây, nhìn thấy nơi an nghỉ của Đại tướng, tôi mãn nguyện lắm, không còn ân hận điều gì nữa trước khi về với ông bà, tổ tiên” - bà Thanh tâm sự.

“Người về đem đến đổi thay vũng chùa”

Thượng úy Cao Văn Chính (BĐBP Quảng Bình) đang canh giữ giấc ngủ nghìn thu của Đại tướng cho biết: Từ khi Đại tướng về an nghỉ ở Vũng Chùa chưa ngày nào ngớt dòng người hành hương về viếng mộ Đại tướng. Nhiều nhất là những ngày lễ tết, xe ô tô phải đậu từ ngoài QL 1A để mọi người đi bộ vào vì bãi xe quá tải. Gần đến sinh nhật Đại tướng, khách hành hương nối nhau về không dứt. Bình quân mỗi ngày ba, bốn nghìn người.

Vũng Chùa trong ngày sinh Đại tướng - 4

Vàng rực sắc thu trên mộ Đại tướng những ngày này.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch nói, quê hương ông rất tự hào và biết ơn khi được Đại tướng chọn làm nơi yên nghỉ. Quảng Đông, từ một vùng quê nghèo dưới chân đèo Ngang, bỗng dưng được cả thế giới biết đến như một địa chỉ linh thiêng của Việt Nam. Đặc biệt, kể từ ngày Đại tướng về an nghỉ ở đây, người dân Quảng Đông ý thức rất rõ mình phải làm gì để xứng với đạo đức sự hy sinh cũng như sự quan tâm của Đại tướng. Thế nên, Quảng Đông đang đổi thay từng ngày. Cơ cấu kinh tế ở Quảng Đông chuyển dịch đột biến từ nông nghiệp, ngư nghiệp sang du lịch, dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân.

Bà Lê Thị Phượng, ở thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, có một cửa hàng hoa và đồ lưu niệm dọc hai bên đường vào Vũng Chùa cho biết: “Cảm ơn Đại tướng lắm chú ơi! Khi đất đai nông nghiệp phải nhường cho khu công nghiệp, chưa biết chuyển đổi nghề nghiệp ra sao thì Đại tướng về đây an nghỉ. Được chính quyền địa phương cho phép, dân chúng tôi ra đây bán hoa tươi, đồ lưu niệm cũng với ý thức giúp người hành hương thỏa lòng, mãn nguyện khi vào viếng Đại tướng”.

Gặp ông Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, dẫn đầu đoàn đại biểu của tỉnh ra Vũng Chùa thắp hương tưởng nhớ nhân . Ông Quang tâm sự: Quê hương Quảng Bình rất vinh dự, tự hào vì đã sinh ra một người con kiệt xuất của dân tộc. Sinh thời, dù có bận trăm công nghìn việc, hay lúc tuổi cao, sức yếu, Đại tướng luôn quan tâm đến quê hương. Đại tướng luôn nhắc nhở các thế hệ lãnh đạo ở Quảng Bình phải đoàn kết, yêu thương, quan tâm đến cuộc sống của người dân. Mỗi lần ra viếng mộ Đại tướng, anh em lãnh đạo chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin... cùng nhau đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN