Vùng bão lũ gia tăng bệnh nhân mắc “vi khuẩn ăn thịt người” Whitmore
Bệnh viện T.Ư Huế đã tiếp nhận 28 trường hợp mắc bệnh Whitmore, đến từ các tỉnh, thành nằm trong vùng bão lũ...
Ảnh minh họa
Thông tin từ Bệnh viện T.Ư Huế, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11/2020, tại đây đã tiếp nhận 28 trường hợp mắc bệnh Whitmore, đến từ các tỉnh, thành nằm trong vùng bão lũ, ngập lụt như: Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Hơn nữa, nhiều bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng...
Trước đó, căn bệnh này vốn xuất hiện thưa thớt với 83 ca được ghi nhận tại Bệnh viện T.Ư Huế trong 5 năm từ 2014-2019.
Theo PGS. TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, Whitmore được coi là “kẻ mạo danh” vì bệnh không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng và thường bị chẩn đoán lâm sàng nhầm sang các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu...
Để chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy.
Đặc trưng của vi khuẩn Burkholderia pseudomallei là gây viêm và áp xe ở các cơ quan trên cơ thể nên khi bệnh nhân mắc bệnh, biểu hiện lâm sàng rất đa dạng.
Ở trẻ em thường có triệu chứng sốt cao, nhiễm trùng nhiễm độc và biểu hiện sưng tuyến mang tai thường gặp hơn các triệu chứng khác.
Ở người lớn, bệnh cảnh phổ biến nhất là viêm phổi, sau đó tới viêm da, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng huyết... Đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi kèm nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp còn có biểu hiện viêm cơ, viêm khớp hoặc viêm màng não.
Đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính như: Tiểu đường, suy thận, bệnh gan, bệnh phổi... sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và diễn biến bệnh phức tạp, nặng nề hơn, nguy cơ tử vong cao hơn.
Vi khuẩn gây bệnh sống trong đất, vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Ngoài ra còn có khả năng lây nhiễm qua con đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy trước cơn mưa; hoặc ăn các thức ăn có vi khuẩn.
Bệnh Whitmore gặp ở tất cả các độ tuổi, cả ở nam và nữ, gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước.
“Để chủ động phòng bệnh Whitmore, người dân cần hạn chế tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm; sử dụng giày, dép, găng tay khi tiếp xúc với đất, nước bẩn, nước lụt. Đặc biệt, khi có vết thương hở, vết loét… cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước lũ bị ô nhiễm nặng. Những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn do nước lũ gây ra. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời”, BS. Cường khuyến cáo.
Nguồn: [Link nguồn]
Huyền đã dùng Facebook cá nhân để tung tin đồn thất thiệt gây dư luận xấu trong xã hội, hành vi của cô gái này bị xử...