“Vua xiếc trăn” và những lần... chết hụt!
Trong mỗi chương trình xiếc, luôn có những tiết mục “đóng đinh” trong lòng khán giả bởi sự hấp dẫn, lôi cuốn và sự mạo hiểm. Thường xuyên thấy trên sân khấu Rạp xiếc Trung ương là tiết mục xiếc trăn của nghệ sĩ Tống Toàn Thắng.
Với việc khéo léo thuần phục được những chú trăn nặng hàng tạ trên sân khấu, đã đưa tên tuổi của nghệ sĩ xiếc Tống Toàn Thắng đến với khán giả không chỉ trong nước mà tại nhiều nước khác trên thế giới trong những năm qua. Anh được đặt nhiều biệt danh khi đi lưu diễn như: “Hoàng tử trăn đến từ Việt Nam”, “Vua rắn”…
Nhưng, “sinh nghề tử nghiệp”, với hơn 30 năm gắn bó với những con vật nguy hiểm như trăn, cá sấu,… NSƯT Tống Toàn Thắng đã chịu nhiều tai họa do nghề nghiệp mang lại, những tai họa mà chỉ tích tắc thôi, có thể không bảo toàn được tính mạng bởi những con vật vốn dĩ sống theo bản năng của loài vật rất dữ dằn dù đã được thuần hóa.
Chuyện của những “vết thương” đã thành sẹo
Tiết trời mùa hè nắng nóng dường như không ảnh hưởng gì đến không khí tập luyện của những diễn viên xiếc chuẩn bị cho dịp kỷ niệm sắp tới. NSƯT Tống Toàn Thắng, người nổi danh trong vai trò là một diễn viên xiếc trăn tài năng lâu năm của Rạp xiếc Trung ương, hiện đang là Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Người mướt mát mồ hôi, sau giờ tập luyện, hướng dẫn cho các diễn viên màn diễn mới, anh ngồi cùng chúng tôi tâm sự về cuộc đời biểu diễn xiếc đầy hiểm nguy trên sân khấu cùng với bạn diễn của mình là những chú trăn khổng lồ nặng hàng tạ trên sân khấu.
Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng chia sẻ, nếu đếm số lần nguy hiểm đến tính mạng trong suốt cả một đời làm nghề thì nhiều lắm, nhưng nếu sơ sơ thì cũng trên chục lần anh suýt chết vì bị chính những chú trăn mình thuần dưỡng bấy lâu nay cuốn chặt đến nỗi bị ngạt thở, người đổ gục xuống. Những chú trăn dù đã được anh hằng ngày vuốt ve, nuôi dưỡng và chăm sóc nhưng những lúc bản năng của chúng trỗi dậy là khi người nuôi thú gặp phải những hiểm nguy khôn lường.
Lúc Tống Toàn Thắng bị trăn quấn vào cổ, anh đã bắt đầu co giật vì ngạt và chỉ còn mơ hồ nghe tiếng hô hoán của đồng nghiệp đang xông vào cứu. Lần đó anh biểu diễn tại Việt Nam. Còn lần đi biểu diễn tại sân vận động ở Thái Lan, có hàng chục nghìn khán giả xem kín rạp. Phần mở đầu, phần thứ hai anh đã hoàn thành một cách xuất sắc, đã mời khán giả lên để ngắm và sờ vào những chú trăn yêu của mình.
Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng biểu diễn với những chú trăn.
Đến phần kết anh đang dồn hết sức để đưa chú trăn to vòng qua cổ chào khán giả thì ngay lập tức bị nó cắn vào bắp tay phải. Máu chảy, đau điếng người, nhưng vì chỉ còn chút xíu nữa là xong màn biểu diễn nên anh cố gắng vì “màu cờ sắc áo” Việt Nam. Anh vẫn diễn tiếp, nâng và cuốn con thứ hai và cả con thứ 3 lên đúng theo kịch bản.
Diễn xong đi vào trong khán đài, các anh chị trong đoàn gỡ được hai con ở trên cho vào thùng, riêng con to nhất vẫn cắn chặt tay Tống Toàn Thắng như một miếng mồi ngon. Mọi người loay hoay mãi mà vẫn không gỡ được nó ra. Mấy anh cảnh sát định lấy dùi cui điện gí vào đầu nó. Nhưng anh đã ngăn lại bởi hai lý do, thứ nhất là lúc đó anh đang mồ hôi nhễ nhại, có thể bị điện giật, thứ hai là điện có thể sẽ làm cho chú trăn sợ hãi và thậm chí dẫn đến nguy kịch tới tính mạng của nó.
Anh Thắng cho biết, sau một hồi thuyết phục, vuốt ve, âu yếm và nói chuyện với chú trăn bướng bỉnh và hung hãn, cuối cùng nó cũng nhận ra chủ nhân và nhả tay anh ra. Ngay sau đó, anh được đưa đến bệnh viện gần đó để sơ cứu vết thương, xong anh lại quay về để chào khán giả khi đêm biểu diễn kết thúc.
Anh Thắng cho biết, có thể do sân vận động lớn, đông người reo hò, ánh đèn lại chớp liên hồi do khán giả và phóng viên báo chí chụp ảnh khiến con trăn không còn nhận biết được chủ của nó là ai và hiện nguyên bản tính cầm thú vốn có. Những lúc như thế, diễn viên biểu diễn xiếc chỉ trông mong vào số phận, sự may mắn, chứ không thể “nói hay nói giỏi” được.
Lần biểu diễn ở Thái Lan, đối với NSƯT Tống Toàn Thắng chưa nguy hiểm bằng lần biểu diễn tại Đài Loan khi anh bị chính chú trăn thân yêu của mình đớp thẳng vào mặt sau 20 phút biểu diễn và anh đang mãn nguyện với màn biểu diễn thành công khi nhận được nhiều tiếng vỗ tay của khán giả. Lúc đó nghệ sĩ Toàn Thắng đang cười chào khán giả để vào cánh gà. Máu chảy nhiều nhưng anh bình tĩnh chạy vào trong, tìm cách gỡ hai hàm răng khỏe đang bấu chặt lấy mặt mình, rồi chạy ra… chào khán giả tiếp.
Anh Thắng chỉ cho tôi xem những vết sẹo chằng chịt trên cánh tay và cơ thể anh rồi cười nói: “Sinh nghề tử nghiệp”, nghề xiếc là vậy, đôi khi chỉ một phút huy hoàng trên sâu khấu nhưng đánh đổi bằng cả một cuộc đời mà không ai biết trước được. Có một lần anh nghĩ mình không qua khỏi để mà tiếp tục đứng trên sân khấu, đó là khi anh đi biểu diễn bị trăn cắn vào động mạch chủ phải dừng lại giữa chừng vì mất máu nhiều quá khiến anh bị choáng váng, quỵ xuống và phải đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu.
“Sinh nghề tử nghiệp”
Diễn viên xiếc có lẽ được coi là một trong những nghề “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” nhiều nhất trong tất cả các ngành nghề biểu diễn nếu không muốn nói rằng đây là một nghề thực sự nghiệt ngã. Họ phải tập luyện từ khi còn bé, chịu nhiều nỗi đau về thân thể (vì bị ngã không chỉ ảnh hưởng đến phần mềm mà còn liên quan đến xương khớp).
Hầu hết diễn viên xiếc khi đã có tuổi đều có bệnh liên quan đến xương khớp vì cường độ tập luyện quá tải đến mức đôi khi cơ thể không đủ sức để thích ứng. Có người bị gai đôi cột sống, thoái hóa khớp hay thoái hóa đốt sống cổ vì nâng nặng quá nhiều. Đấy là chưa tính đến việc, hàng ngày tập luyện bị bong gân, trẹo cơ và phải đến bác sĩ hay mời bác sĩ đến rạp là chuyện bình thường.
Có những nữ diễn viên xiếc, cả thời tuổi trẻ cống hiến cho nghề, đến lúc lấy chồng, muốn sinh con thì lại không thể… Đó là một trong những hệ lụy không ai mong muốn khi đến với nghề. Khi đã có một cái nghề trong tay, đi biểu diễn thì gặp hàng trăm sự cố. Điều này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà với hầu hết các diễn viên xiếc trên thế giới.
Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng nhớ mãi hình ảnh người đồng nghiệp nước ngoài khi đi diễn ở Mỹ đã bị một chú hổ mình thuần dưỡng bấy lâu nay tấn công chẳng khác gì một con mèo đang ngoạm một con chuột. Hai tháng sau, người diễn viên ấy xuất viện nhưng phải gắn bó với chiếc xe lăn suốt cả cuộc đời và từ giã sự nghiệp trong đau đớn.
Ở Việt Nam, anh Thắng cho biết, bên cạnh anh là những người đồng nghiệp, nhiều thế hệ cũng đã chịu bao hệ lụy từ những con thú trong giây phút bản tính hoang dã của nó bỗng trỗi dậy bất ngờ. Có diễn viên xiếc voi, trong lúc biểu diễn tiết mục ngồi lên vòi của voi, đã bị voi ném tận lên mấy hàng ghế, rất may là chỉ bị thương nhẹ…
Chẳng hạn anh Nguyễn Văn Hoàn, người chuyên thuần thục những chú ngựa và gấu. Trong lần anh nhảy lên lưng ngựa đang phi nước đại để thuần hóa nó biểu diễn thì bất ngờ chú ngựa rướn người tung vó đá thẳng vào bụng anh khiến anh ngã vật ra, bất tỉnh một lúc, được mọi người hỗ trợ mới ngồi dậy được. Hay như với ba chú gấu nổi tiếng của Đoàn xiếc thú là Nhất, Nhị, Tam mà anh dạy, anh từng bị gấu tát thẳng vào người, khiến toàn bộ phần cơ thể từ ngực đến đùi rách toạc da...
Nếu chọn lại vẫn chọn nghề... xiếc thú
Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng cho rằng, nghề xiếc và đặc biệt là xiếc thú là một nghề thú vị, bởi vì các nghệ sĩ được chinh phục những con vật sống bản năng trở thành người bạn của mình. Mỗi khi thành công, là một lần vượt qua thử thách. Những lần biểu diễn trên sân khấu là một lần sung sướng vì đã làm nên được những chiến tích. Nghề nguy hiểm nhưng đầy sự mạo hiểm và cũng khiến cho những người đã gắn bó cả đời như anh đủ để đặt lên đó toàn bộ sự đam mê, thích thú.
Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng bảo, đối với anh, đến với xiếc trăn là một sự tình cờ nhưng cũng dường như là sự sắp đặt của số phận. Lần đầu tiên anh vô tình xem được trên một tờ báo nước ngoài hình một cô gái đang quấn con trăn trên người. Bức ảnh đó có tác động rất lớn đến anh, ngay tức thì, anh tưởng tượng đến một ngày mình cũng sẽ khoác một chú trăn lớn đi biểu diễn.
Tiết mục xiếc voi.
Cậu bé Thắng hồi ấy đã lên chợ Đồng Xuân tìm mua một con trăn. Tìm mãi không có, anh đã đến làng rắn nổi tiếng Lệ Mật nhờ người trong làng chỉ chỗ, cuối cùng anh cũng mua được một con trăn nhỏ nặng chừng 2kg. Mặc dù bị bố mẹ phản đối nhưng tính Thắng đã quyết là làm, anh vẫn nhất tâm nuôi dưỡng trăn để thuần phục nó.
Chưa hết sự “điên”, sau đó Thắng lại tiếp tục đi mua thêm 2 con trăn, một con 10kg, một con 28kg, để cho chúng có bạn và tiện công chăm sóc. Anh quây lưới, làm chuồng, hằng ngày tắm rửa, cho trăn ăn. Ban đầu mấy con trăn cứ thè lưỡi, xì xì khiến cả nhà anh ai cũng lo lắng, chỉ sợ con mình cứ nâng đỡ, vuốt ve sẽ bị trăn… cắn. Nhưng rồi hình như những con vật cũng biết chủ của nó có thiện ý nên lâu dần thành quen hơi.
Đến tháng thứ 3, Thắng cho trăn ra ngoài để chúng dần làm quen với chỗ đông người. Cũng từ đó, anh đã xác định mục tiêu của mình: nuôi những chú trăn lớn, thuần phục và đi biểu diễn.
Tiết mục đã khiến tên tuổi của Tống Toàn Thắng ghim vào lòng người là “Thạch Sanh đánh trăn tinh cứu công chúa”. Tiết mục này không chỉ thành công trong nước mà anh còn mang đi lưu diễn hàng trăm buổi tại nhiều nước như Mỹ, Thụy Điển, Thái Lan, 16 đảo quốc vùng Thái Bình Dương…
“Thạch Sanh đánh trăn tinh cứu công chúa” đã đoạt giải tiết mục đặc biệt nhất và được khán giả yêu thích nhất trong Liên hoan Xiếc tại thành phố Vũ Hán - Trung Quốc với 27 nước tham dự và cũng đã đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Xiếc toàn quốc lần thứ nhất năm 1995.
Nghề xiếc, đặc biệt là nghề xiếc thú như người có con mọn, luôn dỗ dành, cưng nựng, kiên trì và luôn phải có tình cảm với con vật mình huấn luyện. Phải vui khi nó khỏe mạnh, ăn ngon ngủ yên, phải đau đớn, trăn trở khi nó ốm. Bản thân anh, từng đau thắt ruột khi một chú trăn bị ốm rồi chết mà không thể làm gì được, mặc dù đã chữa trị hết cách…
Anh bảo, có lẽ anh và nhiều đồng nghiệp của anh nếu được hỏi, có chọn lại nghề xiếc thú không, chắc chắn câu trả lời chung sẽ là có, bởi vì khi đã yêu và “quen hơi” với những con vật mình đã gắn bó, mình vẫn muốn được “yêu thêm lần nữa” để mang lại sự thú vị cho khán giả...
NSƯT Tống Toàn Thắng (Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam): Vừa qua trong thư ngỏ gửi tới lãnh đạo Bộ VH,TT&DL và Liên đoàn Xiếc Việt Nam của một tổ chức quốc tế có tên gọi Liên minh châu Á vì động vật (AfA - Asia For Animals Coalition) đề nghị "cấm sử dụng tất cả các loại động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc, nơi động vật buộc phải thực hiện các hành vi trái với hành vi tự nhiên của chúng". Thực ra chúng tôi đã từng biết đến thông tin này một thời gian trước và đã có những chủ trương cụ thể để chuyển đổi dần dần. Tôi cho rằng trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng thì chủ trương của AfA cần được thực thi, vì nói cho cùng, họ cũng muốn làm cho cộng đồng tốt hơn. Vài năm gần đây Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã không nhập và đưa vào thú hoang dã vào biểu diễn nữa, mà đang sử dụng những con thú lâu năm gắn bó tại Liên đoàn, chẳng hạn như có hai chú voi đã sống 30 năm với chúng tôi, vừa rồi có một chú sau khi “nghỉ hưu” đã được đưa về khu sinh thái. Những con vật khác như gấu, khỉ là những người bạn đã đi cùng chúng tôi một chặng đường dài vừa qua chứ không mua mới. Đã là chủ trương thì mình thực hiện nhưng phải có có lộ trình để chuyển đổi và với chúng tôi, những con thú là những nghệ sĩ đích thực, những người bạn gắn bó, chứ không đơn thuần chỉ là những con vật. Hiện tại Liên đoàn đang chuyển đổi từ thú hoang dã thành vật nuôi, gia cầm, lợn, dê, vẹt, trâu... Cũng là dần dần thay đổi nhận thức trong suy nghĩ khán giả, vì thực sự, khán giả bao nhiêu thế hệ đã quen với xiếc thú trên sân khấu, nay không có cũng là một sự thiếu hụt phần nào đó. Thay đổi là cần thiết nhưng cần có lộ trình phù hợp. Chúng tôi đang xây dựng lộ trình để có thể tiến hành một cách nhanh nhất và phù hợp với xu thế cũng như kiến nghị. |
Bốn chú vẹt nhập khẩu từ Úc về đang tập luyện chăm chỉ các động tác để đưa lên sân khấu xiếc Việt Nam.