Vừa tiêm, vừa bắn tử tù được không?
Quy định thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đã có được hai năm, song đến giờ này vẫn không có thuốc. Để không gây tốn kém thêm cho việc giam giữ phạm nhân và gây cho tử tù tâm lý bất an, Bộ Công an đề xuất Quốc hội vừa cho tiêm, vừa bắn. Đề xuất này có thực hiện được không?
Bên lề hội nghị sơ kết công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm vừa diễn ra tại Hà Nội, trước câu hỏi của báo chí về tiến độ triển khai Nghị định Hướng dẫn thi hành án hình sự về nội dung quy định thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, Chánh Văn phòng VKSND tối cao Nguyễn Việt Hùng cho biết, dù đã quá hạn chót (ngày 27/6), việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc đến nay vẫn chưa thể áp dụng. “Tại phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội kỳ họp vừa qua, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình từng tiên lượng hạn chót thực hiện quy định là ngày 27/6.
Song đến nay, các cơ quan chức năng chưa xử lý được vấn đề” - ông Hùng cho biết, Bộ Công an đã đề xuất lên Quốc hội phương án cho tiến hành song song cả 2 cách thức tiêm thuốc độc và xử bắn. Tuy nhiên, hiện Quốc hội vẫn chưa có ý kiến.
Bên trong phòng tiêm thuốc độc cho tử tù tại Mỹ
Trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, ông cũng vừa có cuộc trao đổi với Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an), qua đó ông cũng hiểu hơn về những khó khăn trong việc chưa có nguồn thuốc để thi hành án tử hình. “Nhiều phạm nhân chờ đợi lâu ngày, ức chế tâm lý, sẵn sàng có hành động phá phách. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ gây khó khăn cho công tác giam giữ, quản lý tử tù. Trong khi Bộ Y tế lại không khẳng định được khi nào thì có thuốc. Do đó, tôi ủng hộ việc song song thực hiện cả hai cách thức là tiêm thuốc và xử bắn. Nhưng nếu vậy thì là vi hiến, bởi việc thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc đã được Quốc hội thông qua. Không phải cứ có đề xuất là được chấp thuận” - ông Phạm Quốc Anh cho hay.
Muốn bắn phải sửa luật
Gần 570 tử tù chờ chết Theo Nghị định số 47/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định số 82/NĐ-CP) về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, ngày 27/6/2013 là thời hạn nghị định có hiệu lực thi hành. Trong khi đó, theo thống kê của Viện KSND Tối cao, hiện cả nước có 568 người bị kết án tử hình, trong đó có 117 bản án đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thi hành được. |
Nhìn nhận vấn đề ở một góc độ khác, ông Lê Đình Khanh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, điều quan trọng là phải xem xét kỹ lý do đề xuất của Bộ Công an.
“Nhưng dù gì thì cũng nói lên rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo luật đã chuẩn bị không chu đáo, chưa nghiên cứu kỹ các điều kiện để luật có thể thực thi được. Rõ ràng, việc chậm thi hành án tạo ra sự bất an cho xã hội. Luật ban hành rồi, muốn thay đổi phải có lý do. Cơ quan chuyên môn khi trình dự án luật phải có lý lẽ, lập luận xác đáng để ĐBQH có căn cứ xem xét cho ý kiến thông qua. Giờ có lẽ phải xem xét lại tờ trình của Chính phủ lý giải ra làm sao đối với việc này. Rồi quá trình thẩm tra của Ủy ban Pháp luật như thế nào, sau đó là trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội” - ông Khanh cho rằng, không thể đỗ lỗi cho việc có quá nhiều dự án luật phải thông qua nên các ĐBQH không nghiên cứu kỹ. Dù đề xuất của Bộ Công an có được chấp thuận hay không thì uy tín của Quốc hội và các cơ quan thực thi pháp luật cũng đã bị ảnh hưởng.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Nếu trong dự án luật sửa đổi ký và ban hành bỏ hình thức thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn, mà nay Bộ Công an lại đề xuất phương án tiến hành song song cả hai hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc và xử bắn là vi phạm luật”.
Theo bà Khá, để xảy ra tình trạng này là do cơ quan trình dự án luật đã chưa lường hết được các tình huống phát sinh. Mặt khác, khi đưa ra Quốc hội thì các đại biểu cũng chưa có ý kiến cụ thể từng vấn đề, nên dẫn tới khó khăn cho việc triển khai. “Để hạn chế tình trạng trên, khi trình một dự án luật mới hoặc dự án luật sửa đổi thì cần xem xét kỹ, lường hết các tình huống có thể xảy ra. Cụ thể, đưa ra các phương án và cơ chế mở để khi cần thiết có thể điều chỉnh được sao cho đúng luật” - bà Khá nói.