Vừa lập kỷ lục: “Giá xăng sẽ còn tăng”
“Nếu trao quyền định giá cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng sẽ còn tiếp tục tăng”, Tiến sĩ Kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận định.
Tối 7/7, giá xăng tăng thêm 410 đồng/lít, lên 25.640 đồng/lít, mức cao nhất từ trước đến nay. Đây là lần tăng giá thứ 2 trong vòng 15 ngày, tăng lần thứ 5 kể từ đầu năm tới nay.
Theo Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), xăng tăng giá 2 lần trong vòng 15 ngày cho thấy sự thất bại của quỹ bình ổn giá xăng dầu và việc để các doanh nghiệp độc quyền chi phối thị trường.
Ông Tuấn cho rằng, quỹ bình ổn giá đã hoàn toàn thất bại khi trao quyền cho các doanh nghiệp. Bởi vai trò của quỹ bình ổn giá là không làm biến động mặt bằng giá, nhưng thực tế, các doanh nghiệp xăng dầu đang sử dụng theo cơ chế thị trường, tăng giảm theo giá thế giới.
“Đây là một sự mâu thuẫn, phi lý theo nguyên lý định giá”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Vị chuyên gia kinh tế phân tích, giá xăng dầu thế giới tăng do tình hình bất ổn về chính trị không chỉ ảnh hưởng tới giá xăng dầu Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới các nước trên thế giới.
Các doanh nghiệp xăng dầu vin vào cái cớ “giá thế giới tăng” để tăng giá xăng.
Giá xăng vừa tăng lên 25.640 đồng/lít, mức cao nhất từ trước đến nay. (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Anh Tuấn cho rằng, nếu doanh nghiệp còn được tự do định giá theo cơ chế thị trường thì với tình hình chính trị thế giới bất ổn như hiện nay, giá xăng tăng sẽ có những đợt tăng mới là điều không tránh khỏi.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giá xăng trong nước đang được điều chỉnh kiểu “mưa dầm ướt áo”.
Phân tích nguyên nhân giá xăng tăng kỷ lục tối 7/7, ông Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay, giá xăng vẫn được các doanh nghiệp tính dựa theo giá cơ sở. Hiện tại, tình hình chính trị tại Iraq bất ổn, nhu cầu đi lại mùa hè tăng cao. Riêng đối với khu vực châu Á, Thái Bình Dương, nhu cầu của Ấn Độ tăng đột xuất, nhu cầu sử dụng xăng dầu của các nước cũng tăng cao. Những lý do này khiến giá xăng dầu thế giới tăng cao và kéo giá xăng trong nước cũng tăng theo.
Hiện tại, Việt Nam có 21 đầu mối kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên chỉ có 10 đầu mối nhập khẩu. Lượng cung xăng dầu do chính các doanh nghiệp Nhà nước quyết và kiêm luôn vị thế quyết định giá bán. Vì vậy, bên chịu thiệt “đương nhiên là người tiêu dùng”.
Ông Long nói: “Làm sao để hài hòa được giữa lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn đang là một câu hỏi lớn. Và kết quả chỉ thấy rằng, trong 9 lần điều chỉnh giá xăng từ đầu năm đến nay, có 5 lần tăng, 4 lần giảm mà lần nào cũng tăng nhiều, giảm ít”.
Cũng theo ông Long, hiện giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam vẫn được tính dựa trên giá cơ sở. Thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn đang ở mức cao (18%) trong khi Nhà nước có thể giảm khoảng 2% để đảm bảo tính bình ổn giá.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, còn có các giải pháp khác để giảm giá xăng như có thể đổi nhà nhập khẩu xăng dầu để giảm chi phí nhập khẩu.
“Không thể so giá hôm nay của Việt Nam với bất kỳ nước nào” Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, không thể so giá hôm nay của Việt Nam với bất kỳ giá của nước nào, vấn đề là cách tính giá theo Nghị định 84 hiện tại. Giá xăng dầu tại từng thời điểm nếu chúng ta so sánh chưa thể chính xác được vì cách tính từ trước đến nay theo Nghị định 84 đang có hiệu lực đang tính thời điểm cách đó 30 ngày. Hôm nay xăng ở Mỹ không thể hô biến về Việt Nam vì đòi hỏi 15 ngày xăng dầu mới về tới Việt Nam, những chi phí cửa hàng, nhân công… tồn kho đến bán cho người tiêu dùng là cả quá trình. Nhưng sắp tới, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ có sự thay đổi. Sẽ chỉ còn 15 ngày sẽ thay đổi thì giá xăng dầu sẽ gần hơn với giá thế giới. |