Vua Jordan sẽ đích thân lái tiêm kích đi trả thù IS?
Nhiều khả năng Vua Abdullah của Jordan sẽ tự mình lái chiến đấu cơ dẫn đầu đội hình không kích nhắm vào phiến quân IS để trả thù cho viên phi công bị sát hại.
Ngày 5/2, tờ DailyMail của Anh dẫn các nguồn tin ở Trung Đông cho hay nhiều khả năng Vua Abdullah của Jordan, vốn là một phi công đã qua huấn luyện, sẽ dẫn đầu đội hình thực hiện các cuộc không kích nhắm vào sào huyệt của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) để trả thù cho viên phi công Jordan bị IS thiêu sống.
Nhiều tờ báo tiếng Arab cũng cho hay vị vua 53 tuổi này sẽ đích thân lái một chiếc tiêm kích F-16 dẫn đầu đội hình không kích của không quân Jordan trút bom xuống các mục tiêu IS trong ngày hôm nay.
Thông tin trên được đưa ra sau khi vị vua kiêm cựu tướng lĩnh quân đội này tuyên bố trước Quốc hội Jordan rằng ông đã sẵn sàng có hành động trả thù quyết liệt đối với IS vì đã thiêu sống viên phi công Jordan Moaz al-Kassasbeh.
Vua Abdullah vốn là một tướng lĩnh quân đội và là một chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Jordan, và các chuyên gia tin rằng ông có đủ quyết tâm, khả năng và bản lĩnh để thực hiện lời thề trả thù phiến quân IS của mình.
Sau khi IS tung ra đoạn video quay cảnh viên phi công Kaesasbeh bị thiêu sống, Vua Abdullah tuyên bố rằng Jordan sẽ có hành động trả đũa nhanh chóng. Các chuyên gia quân sự cho rằng với một quân đội hơn 100.000 binh sĩ tinh nhuệ, hàng chục ngàn quân dự bị và một lực lượng không quân hùng hậu, Jordan thừa khả năng giáng những đòn sấm sét xuống đầu IS.
Ông Jon Alterman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) nhận định: “Khả năng thực hiện những nhiệm vụ khó khăn với một lực lượng tinh nhuệ nhỏ của Jordan ngang ngửa với những quân đội tốt nhất thế giới”.
Ông Alterman nói tiếp: “Vua Abdullah rất muốn trở thành một quân nhân thực thụ. Ông đã từng là một chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Jordan, và phần lớn đời mình ông rất muốn gắn bó với lực lượng đặc nhiệm”.
Theo chuyên gia này, Vua Abdullah không phải thực hiện vai trò trên “từ ghế sau của chiếc xe sang trọng, mà là trên trực thăng Black Hawk và vị trí chỉ huy trong các cuộc đột kích chống khủng bố”.
Theo trang GlobalFirePower.com, Jordan có lực lượng quân sự hùng mạnh thứ 67 trên thế giới, và họ dư sức đánh bại lực lượng vốn đã bị dàn mỏng và đôi khi là vô kỷ luật của IS.
Quân đội Jordan hiện có 110.700 quân nhân chính quy, 65.000 quân dự bị, 1.321 xe tăng, 4.600 xe thiết giáp. Không quân nước này có 246 máy bay, trong đó có 74 chiến đấu cơ và 24 trực thăng tấn công. Ngân sách quốc phòng của quốc gia 6 triệu người này là 1,5 tỉ USD.
Ngoài ra, Jordan còn có thể nhận được sự ủng hộ to lớn từ các quốc gia khác như Mỹ, các nước vùng Vịnh và cả Nhật Bản trong cuộc chiến chống IS của mình.
Vua Abdullah lên ngôi vào tháng 2 năm 1999 sau khi vua cha Hussein qua đời. Ông là người được giáo dục ở phương Tây và đã có nhiều kinh nghiệm quân sự. Ông từng theo học Học viện Deerfield ở Mỹ, sau đó gia nhập Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst và được phong hàm trung úy trong quân đội Anh.
Ông Abdullah trở thành chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Jordan vào năm 1993 và được thăng hàm trung tướng vào năm 1998.
Ông David Schenker, cựu cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld cho biết: “Nhiều lúc tôi nghĩ rằng ông ấy thà nhảy vào một chiếc chiến đấu cơ còn hơn là gặp gỡ những nhân vật giàu có, quyền lực ở Davos. Môi trường quân đội là nơi mà Vua Abdullah cảm thấy thoải mái nhất.”
Cũng theo ông Schenker, người dân Jordan trong hoàn cảnh hiện nay sẽ hết lòng ủng hộ Vua Abdullah trong cuộc chiến chống lại IS để trả thù cho viên phi công Kasaesbeh bị sát hại dã man.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo rằng việc Jordan tăng cường cuộc chiến chống IS cũng chứa đựng những rủi ro của nó. Ông nói: “Nhiều khả năng ngày càng nhiều người Jordan sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến, và nhiều binh sĩ sẽ bị sát hại hoặc bị bắt làm tù binh. Điều quan trọng hiện nay là khao khát trả thù của người dân Jordan liệu có tồn tại được lâu hay không”.