“Vua” của những trận mưa sao băng sắp bùng nổ trên bầu trời Việt Nam
Trận mưa sao băng lớn nhất năm với nhiều vệt sao băng rất sáng sắp diễn ra trên bầu trời Việt Nam.
Mưa sao băng Geminids - Ảnh: Antoni Cladera
Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), đêm 13 rạng sáng 14/12 tới đây sẽ diễn ra cực đại của một trong những trận mưa sao băng đáng chú ý nhất năm mang tên Geminids.
Geminids được mệnh danh là “vua” của những trận mưa sao băng không chỉ bởi lượng sao băng nhiều mà còn bởi nó thường có nhiều sao băng rất sáng. Năm nay, dự báo, đêm cực đại nó sẽ diễn ra với hơn 100 vệt sáng mỗi giờ.
Khác với hầu hết các trận mưa sao băng khác có nguồn gốc từ các sao chổi, Geminids là mưa sao băng xuất phát từ những mảnh vụn của một tiểu hành tinh có tên là 3200 Phaethon.
Đây là một tiểu hành tinh nhỏ có đường kính khoảng 5 km và chuyển động quanh Mặt Trời trên quỹ đạo có chu kỳ 1,4 năm. Những mảnh vụn của tiểu hành tinh này để lại trên đường đi của nó khi tới gần Mặt Trời là rất nhiều thiên thạch nhỏ.
Hàng năm, khi Trái Đất của chúng ta đi qua khu vực quỹ đạo bị cắt ngang bởi dòng thiên thạch này, các thiên thạch đi vào khi quyển Trái Đất với vận tốc hơn 100.000 km/h và cháy sáng trên tầng cao khí quyển, tạo thành những vệt sao băng mà chúng ta có thể quan sát được từ mặt đất
Ông Sơn cho biết thêm, năm nay, với việc không bị cản trở bởi ánh trăng, người xem sẽ dễ dàng quan sát được các sao băng của hiện tượng này nếu có một bầu trời quang mây và ít ô nhiễm.
Thời điểm lý tưởng nhất để quan sát Geminids là đêm 13 rạng sáng 14/12.
Nên đặc biệt lưu ý tình hình thời tiết. Nếu trời nhiều mây hoặc có mưa thì người xem sẽ không có cơ hội quan sát bất cứ sao băng nào.
Để quan sát mưa sao băng, người xem không cần bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào, quan sát bằng mắt thường chính là tốt nhất. Nên chọn vị trí quan sát có góc nhìn rộng, ít ánh sáng nhân tạo (tuyệt đối không quan sát ở nơi có ánh đèn chiếu trực tiếp vào mắt).
“Ban đầu, bạn sẽ cần khoảng 10 phút để mắt quen với bóng tối, vì vậy hãy kiên nhẫn, có thể ban đầu không thấy ngôi sao nào cả nhưng vài phút sau chúng sẽ dần xuất hiện. Tư thế quan sát tốt nhất là ngả lưng để ánh mắt luôn hướng lên phía trên. Đừng quên bảo vệ sức khỏe và chú ý vấn đề an ninh nếu như nơi quan sát không phải là nhà của bạn”, ông Sơn lưu ý.
Tối ngày 13, rạng sáng ngày 14-8, người dân Việt Nam sẽ đón đêm ngoạn mục nhất của mưa sao băng Perseids, được tạo nên bởi vật thể "tử thần" 109P/Swift-Tuttle.
Nguồn: [Link nguồn]