“Vua chó mèo” Bảo Sinh kể về một thời nuôi chó là phạm pháp ở Hà Nội
Có thời kì, nuôi chó ở Hà Nội là phạm pháp nhưng người dân vẫn lén lút nuôi vì nó mang lại lợi nhuận lớn.
Ông Nguyễn Bảo Sinh – chủ resort chó, mèo đầu tiên ở Hà Nội.
Hà Nội cấm triệt để nuôi chó
Mới đây, Hà Nội đang vận động người dân hạn chế ăn thịt chó và tiến tới năm 2021 sẽ cấm kinh doanh, buôn bán thị chó ở Hà Nội. Đối với những người yêu chó, đó là một tin cực kì vui khi loài thú cưng mà họ yêu thích sắp được pháp luật bảo vệ.
Theo “vua chó mèo” Bảo Sinh (SN 1940, Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội) – chủ resort chó, mèo đầu tiên ở Hà Nội, năm 2003, ông đã từng vận động nhiều người dân cùng những hội yêu chó để lấy chữ ký gửi lên UBND TP Hà Nội đề nghị không giết thịt chó nhưng không nhận được phản hồi. Vì vậy, khi biết thông tin Hà Nội đề xuất hạn chế ăn thịt chó, ông rất vui mừng.
Resort là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, thậm chí là an táng cho hàng ngàn con chó, mèo.
Nhớ về những ngày tháng phong trào nuôi chó manh nha ở Hà Nội, ông Sinh kể, ngày xưa người ta nuôi chó chủ yếu chỉ để trông nhà, làm thịt. Chó rất ít khi được ăn cơm chứ đừng nói đến ăn thịt, cá như bây giờ. Thời Pháp thuộc, cấm chó chạy rông ra đường, ai vi phạm sẽ bị phạt.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, người nuôi chó Béc – giê đầu tiên ở Hà Nội là ông Đỉnh làm nghề thầu khoán, nhà ở phố Hàng Chiếu. Ông nuôi chó tại đầu phố Thanh Hà, sát với cổng Ô Quan Chưởng.
Thuở ấy, nuôi chó Béc - giê là biểu hiện của gia đình quý tộc. Mua chó Béc- giê phải đặt từ bên Pháp. Khách mua gửi cho chủ một chiếc khăn mùi xoa đã dùng quen, sau đó, chủ xuống Hải Phòng đón chó. Chó đánh hơi chiếc khăn mùi xoa rồi chạy xuống đám đông đánh hơi, tìm chủ mua và ngồi ngay dưới chân, thế là hợp đồng mua bán thành công.
Hòa bình lập lại, Hà Nội ra lệnh cấm triệt để chó, ai nuôi chó coi như phạm pháp. Thường xuyên có đoàn kiểm tra vác gậy gộc theo công an đi đập chó hoặc bắt chủ.
“Nuôi chó Béc – giê thì phải nuôi bằng thịt lợn, thịt bò… Mà lúc ấy, đất nước còn nghèo, dân đói đến cơm còn không đủ ăn vì thế, cho chó ăn ngon chẳng khác nào có tội”, ông Sinh nói.
Những người nuôi chó thường phải lén lút, nuôi trộm ở những vùng hẻo lánh. Mảnh đất ở Trương Định của ông Sinh hiện nay, ngày xưa là khu đất giáp ranh giữa huyện Thanh Trì với quận Hai Bà Trưng bây giờ, do địa giới chưa rõ ràng nên ít bị kiểm tra.
Thi thoảng có đoàn kiểm tra đến, ông Sinh lại phải ôm chó lấp dưới ao bèo. Những người có tiền hơn thì lo lót, chạy chọt đủ thứ.
Người Hà Nội nuôi chó Béc - giê bán cho người Sài Gòn
Ông Sinh kể tiếp, trước năm 1975, người nuôi chó cảnh ở Hà Nội chủ yếu ở làng Ngọc Hà và làng Thanh Trì. Ngọc Hà là đất trồng hoa, người dân thích cái đẹp nên yêu chó cảnh. Còn Thanh Trì thời vua Tự Đức là nhà tù cải tạo dân trộm cướp nên người dân thích loại Béc - giê to lớn, hung dữ để dọa trộm.
Ami – con chó được ông Sinh coi là tổ của ngành nuôi chó kinh doanh Việt Nam. Ảnh tư liệu.
Thời Ngụy, chó Béc - giê là binh chủng bí mật của quân đội nên dân thường không được nuôi, trừ một số gia đình có thế lực mới được phép. Thế nhưng, sau năm 1975, khi giải phóng miền Nam, nhu cầu của người dân Sài Gòn về chó Béc - giê rất cao.
Ông Sinh nhớ, ông Khuyến, một tay chơi gà chọi nổi tiếng ở Hải Phòng là người đầu tiên dùng xe Honda đặt thêm cũi sắt để chở chó từ Hà Nội xuống Hải Phòng, rồi vận chuyển vào Sài Gòn bán. Thế là từ đó, người miền Bắc có phong trào nuôi chó Béc - giê bán cho Sài Gòn.
“Người miền Bắc độ ấy nghèo lắm, cơm còn chẳng đủ ăn, mấy ai dám nuôi chó Béc - giê. Người Hà Nội nuôi chó Béc - giê chủ yếu là để chống đói. Lúc đó, không ai dám bỏ tiền mua chó để chơi. Suốt quãng thời gian này, Hà Nội chỉ bồi chó cho dân Sài Gòn”, ông Sinh kể.
Con chó Béc - giê nổi tiếng thời 1975-1985 phải kể đến con Ami của ông Sinh. Con Ami thuộc dòng Bạch Tuyết, màu trắng của Bộ Nội vụ. Nó là con chó to, cao nhất Việt Nam thời đó. Ông Sinh mua con Ami với giá một cây vàng. Một cây vàng thời ấy có thể mua được 2.000m2 đất ở Hà Nội.
Ông Sinh coi Ami là tổ của ngành nuôi chó kinh doanh Việt Nam bởi nó đã phối giống cho hàng ngàn con chó cái khác. Con cháu của nó lên đến hàng triệu con và mang lại nhiều tài sản cho ông Sinh.
Mộ Ami được đặt ở vị trí trang trọng tại nghĩa trang chó, mèo trong khu resort của ông Sinh.
Con chó giữ phúc họa lớn trong gia đình
Nói về vấn đề này, ông Sinh nhắc ngay đến con Roman. Nó là một con chó của Bộ Nội vụ trang bị cho nhân viên bảo vệ kho hàng Yên Viên. Trong một lần chiến đấu chống lại kẻ trộm, nó bị đánh què chân và bị thải ra, bán cho dân.
Roman được bán cho Trương Tử Nam về nuôi ở 17 Nguyễn Huy Tự. Trương Tử Nam sau đó dính líu đến phi vụ vượt biên nên bị bắt giam. Roman được bán cho Quyết thuốc lào ở Bà Triệu. Quyết thuốc lào mừng và yêu chó hơn cả vợ con vì mua được chó rẻ mà lại khôn vì Roman là chó huấn luyện để bảo vệ chủ.
Nghĩa trang chó, mèo của ông Sinh hiện cũng đang chôn cất hơn 5000 xác chó, mèo khác.
Thế nhưng chó dù khôn thế nào vẫn chỉ là chó. Nó không phân biệt được đâu là bạn bè bắt tay, ôm hôn với đánh nhau. Cho nên, ban đêm khi Quyết ôm hôn vợ, chó cũng xông vào đả cho vợ một trận. Ông tổ trưởng dân phố vào nhà, khi ra về bắt tay Quyết cũng bị một trận no đòn.
Một lần, Quyết thuốc lào mang Roman ra phối giống tại cổng trường Lê Ngọc Hân. Sự việc đã gây xôn xao dư luận khi các em học sinh bỏ học ùa ra xem. Hà Nội thời đó ít tắc đường nhưng ô tô dừng đỗ dài cả ki-lô-mét xem chó phối giống khiến đường tắc từ phố Bà Triệu tới Đại Cồ Việt.
Sau phi vụ này, Quyết bị phòng giáo dục lên án tuyên truyền tệ nạn xã hội cho các em học sinh và bị tống giam vào Hỏa Lò. Quyết lập kỷ lục là người đầu tiên nuôi chó ở Hà Nội bị tù.
Từ khi Quyết đi tù, Roman được sang tên cho cậu Nam lái xe ở cuối phố Lê Đại Hành. Cậu này nuôi chó được một thời gian thì tai nạn tử vong.
Roman lại tiếp tục rơi vào tay bà Lan Mười, chủ xưởng nhựa lớn ở phố Hàng Bột. Bà này sau cũng bị bắt và tịch thu tài sản theo nghị quyết 228.
“Đúng là con chó mang phúc họa cho con người không nhỏ. Vì thế ở những đền thờ, người ta có tục lệ thờ chó đá. Roman theo tướng số xếp vào loại phản chủ. Chủ nào nuôi Roman nhẹ thì tán gia bại sản, nặng thì tù tội, nặng nữa thì tử vong”, ông Sinh chia sẻ.
Khoảng năm 1985, đất nước rục rịch chuyển sang kinh tế thị trường. Lúc này, các cấp lãnh đạo đã có nhiều cuộc họp về việc có nên bãi bỏ lệnh cấm chó hay không?
Rồi sau người dân Hà Nội choáng váng khi nghe tin được phép nuôi chó. Dân nuôi chó nổ sâm-panh ăn mừng lớn. Mọi người nô nức dắt chó lên số 86 Nguyễn Du xếp hàng tiêm và lấy giấy phép nuôi chó.
TP Hà Nội muốn người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo để tránh những căn bệnh truyền nhiễm; đồng thời việc giết...