Vừa cất cánh, máy bay VNA bị trực thăng cắt ngang mặt

Máy bay Vietnam Airlines vừa cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, đang lên độ cao được chỉ định thì bị trực thăng quân sự cắt ngang trước mặt, phải giảm tốc.

Ngày 20/11, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh xác nhận đã lập Đoàn công tác xác minh về sự cố để xảy ra nguy cơ xung đột giữa máy bay chở khách của Vietnam Airlines và máy bay trực thăng huấn luyện Mi172 của quân sự tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Vừa cất cánh, máy bay VNA bị trực thăng cắt ngang mặt - 1

Máy bay Vietnam Airlines vừa cất cánh. Ảnh minh hoạ

Trên cơ sở thông tin sơ bộ đã được xác minh, ngày mai (21/11), Cục hàng không sẽ làm việc với cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng để kết luận chính thức về vụ việc, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.

Trong thời gian xác minh, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã tổ chức giảng bình về sự cố, Vietnam Airlines cũng đề nghị VATM cung cấp các thông tin liên quan (nội dung đàm thoại giữa tổ bay và kiểm soát viên không lưu để tổ chức giảng bình rút kinh nghiệm sự cố một cách có hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ lặp lại.

Sự việc trên xảy ra ngày 29/10 vừa qua. Theo đó, chuyến bay VN1376 của Vietnam Airlines từ TP HCM đi Huế (máy bay A321 mang số quốc tịch VN-A354) (số hiệu điều hành không lưu là HVN1376) vừa cất cánh, được kiểm soát viên không lưu yêu cầu giữ nguyên hướng và bay ở độ cao 500 feet AGL. Tuy nhiên, khi đang lên độ cao được chỉ định, phi công Vietnam Airlines thấy 1 máy bay trực thăng cắt ngang phía trước với khoảng cách được ước lượng là khoảng dưới 200 feet.

Để xử lý tình huống này, phi công Vietnam Airlines phải giảm tỉ tốc bay lên và góc bay. Tín hiệu radar sơ cấp không hiển thị độ cao nên không xác định được chính xác độ cao của 2 máy bay ở tình huống có nguy cơ va chạm.

Cụ thể, lúc 11h41 phút (giờ UTC, tức 18h41 phút giờ Việt Nam), kiểm soát viên không lưu cho   máy bay VN1376 lên đường cất hạ cánh 25R, 1 phút 3 giây sau được cấp huấn lệnh cất cánh theo hướng đường băng.

9 giây sau, chỉ huy quân sự cấp huấn lệnh cho Mi172 cất cánh, chưa đầy 1 phút sau chiếc Mi172 chạy đà cất cánh và được chỉ huy quân sự cho vòng phải. 14 giây sau thì HVN1376 rời khỏi mặt đất, tăng dần độ cao và được kiểm soát viên không lưu cho chuyển sóng liên lạc sang tần số 125.5MHz. Lúc này, tổ lái thông báo cho đài không lưu rằng có máy bay trực thăng cắt qua phía trên. 1 phút 4 giây sau, máy bay quân sự Mi172 đang bay bên phải đường cất hạ cánh 25R xin vòng trái tại chỗ và được chỉ huy bay quân sự chấp thuận.

Theo đánh giá về chuyên môn, thời điểm chỉ huy quân sự cho Mi172 cất cánh thì vị trí của HVN1376 đang ở điểm chờ đầu đường băng 25R và đã nhận được huấn lệnh cất cánh. Do chỉ huy quân sự thiếu quan sát hoạt động bay của hàng không dân dụng trên màn hình radar và bằng mắt, không hiệp đồng với kiểm soát viên không lưu Đài chỉ huy Tân Sơn Nhất.

Được biết, trong thời điểm đó, có 2 chiếc Mi8 khác đang về hạ cánh tại  sân bay Tân Sơn Nhất.

Cũng như nhiều sân bay khác của Việt Nam, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là sân bay hỗn hợp dùng chung giữa mục đích quân sự và dân dụng. Trong quá trình khai thác, hàng không dân dụng và quân sự đều phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc hiệp đồng nhằm đảm bảo an toàn bay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Hà (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN