Vụ chiếc xe Mercedes Maybach S560 tông hàng loạt xe máy: Chủ xe, chủ đầu tư chung cư có bị liên đới?
Liên quan đến vụ xe Mercedes Maybach tông hàng loạt xe trong hầm tại chung cư 6th Element (quận Tây Hồ, Hà Nội), điều được nhiều người quan tâm là ai phải bồi thường thiệt hại? Ngoài việc xác định trách nhiệm của bảo vệ thì chủ đầu tư chung cư và chủ xe có phải chịu trách nhiệm liên đới?
Hiện trường vụ xe Mercedes Maybach S560 tông hàng loạt xe máy gây hậu quả nghiêm trọng
Theo thông tin ban đầu, chủ ô tô Mercedes Maybach S560 khi lái xe đến chung cư 6th Element đã giao một nhân viên bảo vệ là trưởng ca lái xe vào vị trí đỗ, nhưng người này chưa có Giấy phép lái xe. Chiếc xe sau đó bị mất lái và tông vào hàng loạt phương tiện trong hầm tòa nhà.
Vụ tai nạn khiến một người bị thương, chiếc xe Maybach bị nát đầu, 17 xe máy điện, một xe máy xăng cùng 2 bốt kiểm soát gửi xe của tòa nhà bị hư hỏng.
Do đây là một vụ tai nạn nghiêm trọng, gây thiệt hại khá lớn về tài sản và khiến một người bị thương, nên để xác định trách nhiệm pháp lý của những cá nhân liên quan, cơ quan chức năng sẽ làm rõ các vấn đề như lỗi của người điều khiển xe, giá trị tài sản thiệt hại hay mức độ thương tích của nạn nhân - Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Nếu kết quả xác minh cho thấy người điều khiển xe (bảo vệ) không có giấy phép lái xe, không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên hoặc khiến nạn nhân bị thương tích từ 61% trở lên, thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Điều 260 BLHS 2015 nêu rõ, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 - dưới 500 triệu đồng… thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Với tình tiết định khung không có giấy phép lái xe theo quy định, người điều khiển xe gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Điểm a, Khoản 2 Điều này với khung hình phạt từ 3-10 năm tù. Nếu thiệt hại tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên, khung hình phạt áp dụng sẽ là 7-15 năm tù.
Bên cạnh đó, theo Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại tài sản và thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm đối với người bị thương do lỗi của mình gây ra.
Theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, phương tiện giao thông được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hai; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng và tình thế cấp thiết. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm:
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm (chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại…).
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Việc bồi thường phải tuân thủ nguyên tắc: Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Về trách nhiệm của chủ xe Maybach, Luật sư Hồng Vân cho rằng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ mối quan hệ của người này với bảo vệ, xác minh người này có biết về việc bảo vệ chưa có Giấy phép lái xe hay không. Nếu người này biết nhưng vẫn cố tình giao xe thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo Điều 264 BLHS 2015.
Tùy thuộc giá trị tài sản thiệt hại, hình phạt tối đa đối với tội danh này có thể lên tới 7 năm tù (nếu thiệt hại từ 1,5 tỷ đồng trở lên). Ngoài ra, chủ xe cùng nam bảo vệ sẽ phải liên đới bồi thường cho nạn nhân và các chủ phương tiện thiệt hại theo quy định.
Trường hợp có đủ căn cứ cho rằng người này không biết rõ hoặc bảo vệ nói dối là lái được, đã có Giấy phép lái xe, được phép điều khiển xe của khách vào chỗ đỗ thì người giao xe sẽ không bị xử lý và có quyền yêu cầu người điều khiển chiếc xe gây tai nạn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Còn về trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý tòa nhà, nếu trong hợp đồng đã ký với nhân viên bảo vệ có điều khoản quy định về việc người này có trách nhiệm lái xe của khách vào điểm đỗ trong hầm nhưng không kiểm tra kỹ nhân viên đã có Giấy phép lái xe hay chưa thì đơn vị này cũng phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường thiệt hại.
Nếu trong hợp đồng không có quy định nhân viên bảo vệ được nhận chìa khoá điều khiển xe của khách thì người này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với vụ tai nạn mà mình gây ra - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đang điều tra vụ Mercedes S560 Maybach đâm hàng loạt xe máy ở hầm chung cư 6th Element, phường Xuân La và đã xác định được người điều khiển phương...