Vụ xe máy tạt đầu “báo hại” xe đầu kéo: Chưa va chạm, tài xế bỏ đi có bị phạt?

Sự kiện: Lái xe thông thái

Sau khi tạt đầu khiến xe đầu kéo gặp nạn vì phanh gấp, lái xe máy không dừng lại giúp tài xế xe đầu kéo mà chạy “mất hút”.

Clip ghi lại vụ việc

Mới đây, trên các nhóm facebook về ô tô chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh tài xế điều khiển xe máy chuyển hướng rẽ trái sang đường, tạt đầu xe đầu kéo rơ-moóc chở thép chạy cùng chiều.

Để tránh gây đại nạn cho lái xe máy, tài xế xe đầu kéo đã phanh gấp. Việc dừng đột ngột khiến bó thép sắt trên rơ-moóc phía sau theo quán tính lao về trước lao vào đầu xe làm ca-bin gập về trước đập rất mạnh xuống đường. Rất may, ca-bin xe đầu kéo không đập vào lái xe máy vừa tạt đầu.

Thấy lái xe đầu kéo gặp nạn, nhiều người dân chạy tới giúp đỡ lái xe đầu kéo. Trong khi đó, dù vừa tạt đầu khiến tài xế xe đầu kéo gặp nạn, người điều khiển xe máy vẫn phóng xe máy rời khỏi hiện trường.

Thông tin về vụ tai nạn, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, vụ tai nạn không có thương vong. Chiếc xe đầu kéo bị hư hỏng nặng.

Đoạn clip được chia sẻ trên nhóm facebook về ô tô thu hút nhiều ý kiến bình luận. Phần lớn các ý kiến bày tỏ bức xúc với lái xe máy chuyển hướng thiếu quan sát, tạt đầu xe đầu kéo xe chở thép. Không ít ý kiến lên án việc lái xe máy tiếp tục di chuyển, không dừng xe cứu giúp lái xe đầu kéo.

Hiện trường vụ tai nạn

Hiện trường vụ tai nạn

Liên quan tới vụ tai nạn trên, nhiều độc giả thắc mắc về quy định chuyển hướng xe như thế nào cho đúng luật? 2 phương tiện chưa va chạm thì lái xe máy trong clip có bị xử lý hay không?

Trao đổi với PV về thắc mắc trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, Luật Giao thông đường bộ quy định rõ quy tắc chuyển hướng xe tại điều 15.

Theo đó, luật quy định, khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ; Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.

Lái xe máy tạt đầu khiến tài xế xe đầu kéo phanh gấp, gặp nạn kinh hoàng (Ảnh cắt từ clip)

Lái xe máy tạt đầu khiến tài xế xe đầu kéo phanh gấp, gặp nạn kinh hoàng (Ảnh cắt từ clip)

Về xử phạt, luật sư Kiên cho biết, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe máy chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ.

Theo luật sư Kiên, với hành vi “Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; quay đầu xe, chuyển hướng không đúng quy định gây tai nạn giao thông, người điều khiển xe máy sẽ bị xử phạt từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

“Trong trường hợp, cơ quan chức năng xác định, việc lái máy chuyển hướng thiếu quan sát, gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác, cụ thể là gây tai nạn giao thông thì có thể xử phạt ngay cả khi 2 phương tiện chưa xảy ra va chạm”, luật sư Kiên nói,

Về hành vi rời khỏi hiện trường sau tai nạn, luật sư Kiên cho biết, việc cứu người khác gặp nạn, đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là trách nhiệm của mọi người chứng kiến đã được luật quy định. Vì vậy, việc thấy tài xế xe đầu kéo gặp nạn nhưng lái xe máy vẫn rời đi, không cứu giúp là hành vi đáng lên án, có thể bị xử phạt.

Theo luạt sư Kiên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

“Như vậy, ngay cả khi 2 phương tiện không xảy ra va chạm, chưa xác định ai có lỗi thì tài xế điều khiển phương tiện liên quan tới vụ tai nạn như lái xe máy trong clip có trách nhiệm dừng lại, giữ nguyên hiện trường, tham gia cấp cứu người bị nạn là lái xe đầu kéo”, luật sư Kiên nói.

Theo luật sư Kiên, trường hợp cơ quan chức năng xác định tài xế điều khiển xe mô tô, xe gắn máy gây tai nạn giao thông nhưng không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn, thì sẽ phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng.

“Mới đây một nữ tài xế đã bị khởi tố về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” vì không cứu một nam tài xế đi xe máy gặp tai nạn khiến người này sau đó bị xe tải tông tử vong”. Đây là bài học cho các tài xế khi gặp người bị nạn cần tham cứu giúp các nạn nhân”, luật sư Kiên nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Tránh xe máy chạy kiểu “báo hại”, tài xế xe đầu kéo gặp tai họa kinh hoàng

Tránh chiếc xe máy sang đường đột ngột, ôtô đầu kéo đã phanh gấp khiến nhiều bó thép lao về phía trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Lái xe thông thái Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN