Vụ xe khách lao xuống ruộng, tài xế tử vong: Sang đường thế nào cho đúng luật?
Sau vụ xe khách lao xuống ruộng sau va chạm với xe máy sang đường làm tài xế tử vong, nhiều độc giả thắc mắc, di chuyển qua đường giao nhau thế nào cho đúng luật, an toàn?
Clip ghi hình ảnh vụ tai nạn được chia sẻ trên mạng xã hội
Chạy từ đường nhánh phải nhường đường cho xe trên đường chính
Chiều 27/3, trên Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Đức Chánh (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng, xe khách biển kiểm soát 73B-007… chở 44 người (40 hành khách và 4 lái, phụ xe) do tài xế Đ.T.H. (37 tuổi, ở Quảng Bình) điều khiển đã xảy ra va chạm với một xe máy sang đường do ông N.V.A. (63 tuổi, ở Mộ Đức, Quảng Ngãi) điều khiển.
Sau cú va chạm, xe khách mất lái lao sang bờ ruộng bên đường và lật ngang. Hậu quả, tài xế xe khách tử vong tại chỗ, lái xe máy và một số hành khách trên ô tô bị thương nhẹ.
Thông tin từ Cục CSGT, qua kiểm tra nồng độ cồn, tài xế lái xe máy là ông N.V.A có kết quả 0,053mg/l khí thở.
Hình ảnh từ clip ghi lại vụ tai nạn cho thấy, tài xế xe máy di chuyển từ đường nhỏ đã dừng lại một lúc, quan sát trước khi di chuyển cắt ngang quốc lộ 1A để sang đường. Vừa lúc này, xe khách chạy tới đã lao sang trái tránh tông trực diện xe máy nên xe khách đã lao thẳng xuống ruộng rồi lật ngang.
Xe khách nghiêng xe khi đánh lái sang trái tránh tông xe máy (Ảnh chụp từ clip)
Đoạn clip được chia sẻ trên nhiều nhóm Facebook về giao thông thu hút ý kiến trái chiều từ người dùng mạng xã hội. Trong đó, nhiều ý kiến đánh giá, lái xe máy di chuyển sang đường thiếu quan sát, không nhường đường cho xe ô tô khách khi di chuyển từ đường nhánh, đường không ưu tiên vào đường chính, đường ưu tiên. Trong khi, không ít ý kiến nhận định, lái xe khách bị khuất tầm nhìn bởi các ô tô ngược chiều, không quan sát thấy xe máy sang đường dẫn tới bất ngờ và xử lý không kịp.
Từ vụ tai nạn trên, nhiều độc giả thắc mắc, di chuyển tại nơi đường giao nhau thế nào cho đúng luật, không gây tai nạn và trường hợp lái xe máy vi phạm nồng độ cồn dẫn tới tai nạn sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV về những thắc mắc trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, Luật Giao thông đường bộ có quy định rõ quy tắc nhường đường tại nơi đường giao nhau tại điều 24.
Cụ thể, khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau:
Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải; Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái;
Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.
“Như vậy, Luật Giao thông đường bộ nêu rất rõ khi tới gần nơi giao nhau các tài xế phải giảm tốc độ trước khi thực hiện quy tắc nhường đường. Nếu xe chạy từ các đường nhánh, đường không ưu tiên thì phải nhường đường cho các phương tiện đang chạy trên đường chính, đường ưu tiên.
Trong vụ xe khách chở 44 người gặp nạn, trong trường hợp tuyến đường người điều khiển xe máy di chuyển trước khi sang đường được xác định là đường nhánh, đường không ưu tiên và Quốc lộ 1A được xác định là đường chính, đường ưu tiên thì người điều khiển xe máy khi lái xe sang đường phải quan sát, nhường đường cho xe khách”, luật sư Kiên nói.
Xe khách lao xuống ruộng lúa khiến tài xế tử vong
Sử dụng rượu bia gây tai nạn có thể bị phạt tù 10 năm
Về xử lý vi phạm, theo luật sư Lê Văn Kiên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, trong trường hợp người điều khiển ô tô được xác định mắc lỗi “không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi đường bộ giao nhau”, tài xế sẽ bị xử phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Thực hiện hành vi vi phạm trên nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Đối với xe máy, với hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi đường giao nhau, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
"Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe máy có hành vi vi phạm không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính. Hành vi trên nếu dẫn tới tai nạn, tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng” - Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý cho biết.
Với vi phạm nồng độ cồn, luật sư Kiên cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
“Trong trường hợp bị cơ quan điều tra xác định có sử dụng rượu bia khi lái xe gây ra tai nạn chết người, người điều khiển phương tiện sẽ xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo khoản 2, điều 260 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt lên tới 10 năm tù giam”, luật sư Kiên cảnh báo.
Nguồn: [Link nguồn]
Do tránh va chạm với xe máy đang băng qua đường nên xe khách đã mất lái lao xuống ruộng lúa bên đường, khiến tài xế tử vong tại chỗ.