Vụ xe đầu kéo húc bay thành cầu lao xuống sông Hồng: Tài xế đối mặt hình phạt nào? 

Sự kiện: Tin nóng

Liên quan đến vụ việc tài xế lái xe đầu kéo húc bay thành cầu Thanh Trì lao xuống sông Hồng, nhiều độc giả thắc mắc, tài xế đối mặt với biện pháp xử lý nào?

Hiện trường vụ tai nạn

Hiện trường vụ tai nạn

Ngày 31/8, Công an TP.Hà Nội đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc xe đầu kéo húc bay thành cầu Thanh Trì (Hà Nội) lao xuống sông Hồng.

Quá trình xác minh, bước đầu cơ quan chức năng xác định rạng sáng 30/8, xe đầu kéo mang biển số Hải Phòng do anh L.V.T. (ở Giao Thủy, Nam Định) cầm lái di chuyển trên cầu Thanh Trì (theo hướng Gia Lâm - Hoàng Mai) đã đâm vào dải phân cách mềm rồi húc đổ thành cầu bên phải. Chiếc xe sau đó rơi xuống sông Hồng.

Nam tài xế được xác định tự bơi vào bờ sau tai nạn và được người dân đưa đi cấp cứu nhưng may mắn không nguy hiểm tới tính mạng. Lực lượng chức năng xác định không còn người trên phương tiện trên.

Tại hiện trường, khoảng 24m dải phân cách mềm và hơn 3m thành cầu Thanh Trì bị tông gãy. Do mực nước sông Hồng đang dâng cao, lực lượng chức năng chưa có kế hoạch trục vớt xe đầu kéo rơi xuống sông. Nguyên nhân sơ bộ được xác định do lái xe không chú ý quan sát dẫn đến tai nạn.

Liên quan đến vụ việc, nhiều độc giả thắc mắc, tài xế đối mặt với biện pháp xử lý nào?

Trao đổi với PV về thắc mắc của độc giả, Tiến sĩ - luật sư (TS.LS) Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, để có căn cứ xử lý tài xế, cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn, thiệt hại từ vụ tai nạn này.

Về việc bồi thường khắc phục hậu quả, theo LS.TS Đặng Văn Cường, việc bồi thường thiệt hại sẽ xem xét trách nhiệm của người lái xe và trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động. Việc bồi thường khắc phục cũng phụ thuộc vào yếu tố lỗi và khả năng bồi thường của người gây ra tai nạn. Trong vụ việc này, hai chủ thể sẽ bị thiệt hại là đơn vị quản lý cầu Thanh Trì và chủ hàng đối với số hàng hóa vận chuyển trên xe ô tô đầu kéo này (nếu có).

Vụ xe đầu kéo húc bay thành cầu lao xuống sông Hồng: Tài xế đối mặt hình phạt nào?  - 2

“Về nguyên tắc là người nào gây ra thiệt hại thì người đó phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên nếu người gây thiệt ra thiệt hại là người làm công, học nghề hoặc người của doanh nghiệp thì trước tiên doanh nghiệp sẽ bồi thường cho người bị thiệt hại, sau đó sẽ yêu cầu người làm công của mình bồi hoàn trở lại để đảm bảo quyền lợi của người bị thiệt hại. 

Khi những người lao động, người làm công không có khả năng bồi thường hoặc gặp khó khăn thì quyền lợi của người bị thiệt hại sẽ ảnh hưởng, ở đây cụ thể là chủ số hàng trên xe và đơn vị quản lý cầu Thanh Trì. Bởi vậy pháp nhân sử dụng lao động sẽ phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân để đảm bảo nguyên tắc bồi thường kịp thời, nhanh chóng, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người bị hại trong trường hợp có thiệt hại xảy ra”, TS.LS Cường nói.

Cũng theo TS.LS Cường, Bộ luật Dân sự cũng quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trong đó có xe ô tô khi tham gia giao thông gây tai nạn thì chủ xe, người quản lý phương tiện phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân kể cả trong trường hợp người lái xe không có lỗi, trừ trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân. Như vậy, chủ xe hoặc doanh nghiệp sở hữu chiếc xe, thuê tài xế T. phải có trách nhiệm bồi thường là phù hợp.

Nói về quy trình bồi thường, TS.LS Cường cho hay, đơn vị quản lý cầu Thanh Trì có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để xác định thiệt hại, làm việc với doanh nghiệp quản lý chiếc xe này hoặc pháp nhân quản lý người lao động để thỏa thuận về mức bồi thường và phương thức thực hiện việc bồi thường. Nếu các bên không thỏa thuận được thì có thể đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

“Ngoài ra, với thiệt hại từ việc trục vớt chiếc xe và thiệt hại về hàng hóa trong xe nếu có thì người lái xe phải có trách nhiệm bồi hoàn, nếu thiệt hại là của bên thứ ba thì pháp nhân quản lý lao động cũng sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại sau đó yêu cầu người gây thiệt hại là tài xế T. bồi hoàn theo quy định pháp luật”, TS.LS Cường chia sẻ.

Trao đổi thêm với PV, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật cho biết, giả sử, cơ quan chức năng xác định tài xế gây ra vụ tai nạn do lỗi vô ý thì người chịu trách nhiệm bồi thường có thể được giảm mức bồi thường nếu thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của họ theo khoản 2 Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo luật sư Bình, hành vi của tài xế tuy không gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người khác nhưng nếu hậu quả của việc húc đổ giải phân cách mềm, lan can cầu Thanh Trì gây thiệt hại về tài sản trên 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, tài xế thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự hiện hành.

“Mức phạt mà tài xế có thể đối mặt nếu thiệt hại lớn như trên là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trường hợp thiệt hại do tài xế gây ra ở mức lớn hơn 500 triệu đồng, hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn”, luật sư Bình thông tin.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ xe container lao từ cầu Thanh Trì xuống sông: Lan can có đủ an toàn?

Cơ quan quản lý phản hồi sự hoài nghi về công tác đảm bảo ATGT trên cầu Thanh Trì sau vụ ô tô lao xuống sông Hồng vào rạng sáng nay (30/8).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nhật ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN