Vụ xây resort không phép ở Ba Vì: "Do chúng tôi nể nang"

Liên quan đến dự án khu nghỉ dưỡng xây dựng tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì (Hà Nội) khi chưa được cấp phép, lãnh đạo đơn vị này thừa nhận là do nể nang, đồng thời lý giải về việc ký kết để giao hơn 50 ha đất rừng, đất lâm nghiệp cho đối tác với giá “bèo”.

Vụ xây resort không phép ở Ba Vì: "Do chúng tôi nể nang" - 1

Dự án Le Mont Resort & Spa đã gần như hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ - phát triển rừng?

Ngày 1/3, ông Đoàn Minh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN& PTNT) đã dẫn đầu đoàn công tác đến làm việc với Ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Ba Vì (VQGBV) liên quan đến những công trình xây dựng chưa có giấy phép mà dư luận báo chí phản ánh vừa qua.

Về nội dung buổi làm việc của đoàn công tác với lãnh đạo VQGBV, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đoàn Minh Tuấn cho biết, do đang trong quá trình xác minh nên chưa thể thông tin. Tổng Cục Lâm nghiệp sẽ có tờ trình gửi lãnh đạo Bộ NN& PTNT, trong đó có nội dung đình chỉ xây dựng và hoạt động của resort. “Dự án có những sai phạm mà sai đầu tiên ai cũng nhìn thấy, đó là chưa có quyết định phê duyệt dự án”, ông Tuấn nói.

Theo ông Nguyễn Phi Truyền, Giám đốc VQGBV, dự án Le Mont Resort& Spa xây dựng tại cốt 600m của khu vực VQGBV đã có từ lâu. Theo ông Truyền, năm 2008 CFTD đã có hợp đồng liên kết đầu tư với VQGBV để thực hiện dự án kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ và phát triển rừng.

Theo hợp đồng này, VQGBV góp hơn 53 ha đất rừng cho doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh khu nghỉ dưỡng. Đổi lại, phía doanh nghiệp sẽ chi trả cho VQGBV phí đóng góp ban đầu là 200 triệu đồng. Tổng số tiền mà VQGBV thu được trong vòng 50 năm là 8 tỷ đồng. Phía doanh nghiệp đến nay đã chuyển đủ số tiền hơn 8 tỷ đồng. Số tiền này, theo lời ông Truyền, được dùng với mục đích bảo vệ, quản lý rừng...

“Nói chúng tôi cho thuê rẻ mạt là không đúng. Thời điểm ký kết đã cả chục năm nay, hơn nữa, tài sản mà chúng tôi bàn giao cho họ là rừng và đất lâm nghiệp. Trong khi họ phải bỏ ra rất nhiều tiền để thực hiện dự án”, vị cán bộ Ban lãnh đạo VQGBV nói.

Theo ông Truyền, dự án về cơ bản được xây dựng hoàn toàn phù hợp với quy hoạch chi tiết đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt. “Dự án này nằm trong Khoản 2, Điều 89 (Luật Xây dựng nên không cần… giấy phép xây dựng). Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, văn bản quan trọng nhất là quyết định phê duyệt dự án chưa được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Chủ đầu tư vẫn tiến hành xây dựng được là do chúng tôi nể nang”, ông Truyền lý giải.

Cũng theo ông Truyền từ năm 2010 đến 2014, CFTD chỉ tiến hành thu dọn cây cỏ để lấy mặt bằng, đồng thời thu dọn gạch đá từ những biệt thự cũ từ thời Pháp để lại. Nhưng việc tiến hành xây dựng của CFTD được phía VQGBV cho phép do “nể nang” từ khi có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Bộ TNMT.

Công trình đã đi vào sử dụng mới đình chỉ… thi công

Chiều 1/3, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cũng đã trả lời báo chí về một số thông tin liên quan đến vụ xây dựng resort không phép tại VQGBV. Ông Công cho biết, Tổng cục biết dự án này, bởi trước Tết Ban lãnh đạo VQGBV đã trình dự án này cho Tổng cục. Thời điểm VQGBV trình lên dự án chưa có đánh giá tác động môi trường nên Tổng cục chưa trình lên Bộ trưởng xem xét phê duyệt.

“Cấp phép về xây dựng thì chúng tôi không biết, nhưng về thủ tục đối với ngành lâm nghiệp thì Bộ NN&PTNT chưa phê duyệt. Do cần xin ý kiến các bên nên đến giờ phút này chúng tôi chưa trình Bộ NN&PTNT”, ông Công nói. 

Theo báo cáo của Đội Thanh tra xây dựng huyện Ba Vì, trong khoảng thời gian từ năm 2008 – 2010, công ty đã xây dựng 11 nhà sàn trên nền móng các nhà do thực dân Pháp để lại. Từ năm 2010 – 2012, công ty đã cải tạo nâng cấp các nhà sàn trên thành nhà sinh hoạt tiếp khách phục vụ nội bộ của công ty. Sau năm 2012, công ty này tạm dừng xây dựng để hoàn thiện các hồ sơ thủ tục.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Anh - Nam Khánh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN