Vụ vớt gỗ lạ ở Kon Tum: Sau 1 năm vẫn chưa xác lập quyền sở hữu toàn dân
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu rà soát hồ sơ, xem xét xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với cây gỗ do ông Lê Quang Nam (ngụ huyện Sa Thầy) trục vớt dưới lòng đất.
UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản về vụ “vớt gỗ lạ ở huyện Sa Thầy”, yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát hồ sơ, xem xét việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với số gỗ do ông Lê Quang Nam (45 tuổi, ngụ thôn 2, thị trấn Sa Thầy) trục vớt được khi đào đất thuê tại xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy.
Số gỗ đang được tạm giữ tại Công an huyện Sa Thầy. Ảnh: NN
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Công an huyện Sa Thầy rà soát, có văn bản báo cáo cụ thể về diễn biến vụ việc liên quan đến số tài sản là gỗ bị vùi lấp được tìm thấy tại huyện Sa Thầy; Giao Sở Tài chính, chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu xem xét việc xác lập quyền sở hữu toàn dân dựa trên cơ sở báo cáo của Công an huyện Sa Thầy.
Trước đó, Sở Tư pháp đã thống nhất với đề xuất của Công an huyện trong việc Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cũng thống nhất với ý kiến này.
Sở Tài chính thì đề nghị Công an huyện phối hợp với UBND huyện, Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan rà soát các quy định để trình cấp có thẩm quyền quyết định tịch thu tài sản.
UBND xã Sa Sơn (nơi xảy ra sự việc) cũng thống nhất với các quan điểm trên.
Qua tổng hợp ý kiến, Công an huyện Sa Thầy cho rằng tài sản (gỗ) bị vùi lấp do ông Nam tìm thấy phải được xác lập quyền sở hữu toàn dân và Sở Tài chính phải là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 29/2018.
Về phía người đào được cây gỗ, ông Nam cho biết dù cơ quan chức năng thu giữ số gỗ đã hơn một năm nhưng đến nay gia đình ông vẫn chưa được hỗ trợ chi phí đã bỏ ra để trục vớt cây gỗ dưới ruộng (gần 100 triệu đồng). Hiện số gỗ được bảo quản tại Công an huyện Sa Thầy đã có dấu hiệu hư hỏng.
Cây gỗ sau khi được ông Nam trục vớt. Ảnh: LK
Như PLO phản ánh, ngày 23-3-2022, khi đang cải tạo ruộng cho nhà ông A Khái (thôn Sơn An, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy), ông Nam phát hiện một cây gỗ nằm sâu dưới lớp bùn khoảng 6 m. Sau đó, ông Nam thỏa thuận với ông Khái đào cây gỗ lên, đồng thời có văn bản xin phép UBND xã Sa Sơn.
UBND xã Sa Sơn đề nghị ông Nam trục vớt xong thì báo cáo UBND xã biết để cử lực lượng xuống kiểm tra và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật; Nghiêm cấm buôn bán, trao đổi thương mại số gỗ này. Công an huyện Sa Thầy cũng đến lập biên bản, yêu cầu không được chuyển gỗ đi nơi khác.
Thế nhưng, sau khi đào được cây gỗ khoảng 12 m, rộng 0,7 m (do quá dài nên ông Nam cắt thành ba khúc, mỗi khúc dài khoảng 4 m), chờ lâu không thấy hướng dẫn từ cơ quan chức năng nên ông Nam đưa số gỗ này về xưởng để gia công.
Ngay sau đó, Công an huyện Sa Thầy đã lập biên bản, tạm giữ số gỗ này; đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng đối với ông Nam về hành vi chiếm giữ tài sản của người khác.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi chặt hạ, hai cây gỗ sưa từng được thương lái trả giá trăm tỉ ở thôn Phụ Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) được người dân tổ chức bán đấu giá.