Vụ việc nóng bỏng Đồng Tâm một năm nhìn lại
Đúng một năm trước, vào ngày này (22.4), Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đoàn công tác đã về đối thoại với người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội đã tháo gỡ điểm nóng đất đai.
Ngày 22.4.2017, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đoàn công tác về đối thoại với người dân Đồng Tâm.
- Cuộc đối thoại kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ. Sau khi lắng nghe ý kiến của người dân, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, với tư cách cá nhân cũng như đại diện cho các cơ quan của thành phố, ông chia sẻ với nỗi bức xúc của bà con, băn khoăn của bà con trình bày tại hội nghị, cũng như những băn khoăn chưa có dịp trình bày.
Chủ tịch Chung nói đã ghi chép rất đầy đủ các bức xúc của 9 người phát biểu nêu lên 21 vấn đề và thay mặt cho đoàn công tác nêu từng vấn đề. Về kiến nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự, ông Chung ghi nhận ý kiến bà con về các bức xúc.
"Tôi từng làm điều tra, từng làm thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, giám đốc công an thành phố, hôm nay tôi về với tư cách Chủ tịch TP. Tôi ghi nhận việc làm của bà con là từ bức xúc đất đai, từ việc bắt giữ người không công bố lệnh, không mặc trang phục, bắt đưa lên ô tô. Tôi tin đất nước ta có truyền thống đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại. Luật pháp có quy định thành khẩn, khắc phục hậu quả, tôi tin bà con sẽ được giảm nhẹ", ông Nguyễn Đức Chung nói.
Sau buổi đối thoại, người dân đã thả 19 cán bộ, chiến sĩ đã bị giữ trước đó.
Các cán bộ chiến sĩ được trả tự do sau buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
- Ngày 13.6.2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội) để điều tra về 2 tội danh, gồm: “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.
- Sáng 14.6.2017, trả lời Dân Việt trước khi vào họp Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đánh giá: Khi vụ việc đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng phải tiến hành điều tra để làm rõ xem việc vi phạm tới mức độ nào. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phải đặt quyết định này trong toàn bộ bối cảnh vụ việc thì sẽ có giải pháp phù hợp.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và người dân Đồng Tâm (ảnh IT)
"Thật lòng, tôi thấy hơi tiếc. Lẽ ra cơ quan chức năng phải tiến hành điều tra hành vi của những người gây ra bức xúc cho người dân, cùng với đó là kết luận sớm về vấn đề đất đai ở Đồng Tâm, rồi ra quyết định khởi tố, như vậy sẽ đồng bộ…”, ĐB Quốc nói.
- Ngày 25.7.2017, Thanh tra TP. Hà Nội công bố Kết luận Thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Kết luận Thanh tra cho rằng, tế không có diện tích 59 ha hoặc 49 ha đất mà ông Lê Đình Kình và một số công dân nêu. Toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng.
- Ngày 9.8.2017, sau hai ngày xét xử TAND huyện Mỹ Đức đã tuyên án đối với 14 cựu cán bộ vì liên quan đến sai phạm đất đai ở Đồng Tâm. Người lĩnh mức án cao nhất là 6 năm 6 tháng tù, người nhẹ nhất là 18 tháng tù cho hưởng án treo.
- Tháng 10.2017, Huyện ủy Mỹ Đức có thông báo kết luận kiểm tra đối với Ban chấp hành Đảng bộ xã Đồng Tâm nhiệm kỳ 2015-2020 vì để xảy ra "điểm nóng" tại đây từ ngày 15.4 đến ngày 22.4.2017. Huyện ủy Mỹ Đức cũng ra quyết định thi hành kỷ luật bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy - chủ tịch HĐND xã, với hình thức khai trừ Đảng. 3 vị lãnh đạo khác bị thi hành kỷ luật cảnh cáo, 1 người bị kỷ luật khiển trách.
- Ngày 13.10.2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã có thư kêu gọi các cá nhân liên quan vụ hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, hồi trung tuần tháng 4 ra đầu thú.
- Ngày 2.11.2017, phát biểu tại phần thảo luận về kinh tế -xã hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Dương Trung Quốc đã đề cập tới vụ việc ở Đồng Tâm. Ông cho rằng, cần nhìn nhận vụ việc Đồng Tâm như một sự khủng hoảng niềm tin chứ không nên nhìn thuần túy là vụ án hình sự.
Nói về việc các cơ quan tố tụng kêu gọi những người liên quan đến vụ bắt giữ người ở Đồng Tâm ra đầu thú, ông Quốc bày tỏ: “Tôi nghĩ dùng chữ đầu thú không ổn, chúng ta mất hết ngôn ngữ đối thoại với dân rồi sao? Ai cũng có thể hình dung được để bắt và giữ một lực lượng công an mấy chục người như vậy thì chắc chắn không phải chỉ một vài người dân kích động, không phải chỉ là số ít mà là hàng trăm, hàng nghìn người trong đó có phụ nữ, người già”.
Đại tá Đào Thanh Hải nói về lý do cụ Lê Đình Kình bị gãy chân (ảnh VPQH).
- 5 ngày sau (ngày 7.11.2017), cũng tại phiên thảo luận của Quốc hội, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã nói về vụ việc ở Đồng Tâm, trong đó nêu lý do ông Lê Đình Kình bị gãy chân.
Ông Đào Thanh Hải cho biết: “Sự việc xảy ra khi cơ quan điều tra tiến hành bắt ông Kình, gia đình ông Kình đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và xảy ra việc ông Kình bị gãy chân. Sau khi ông Kình bị gãy chân, ông có tố giác một cán bộ đã đánh ông bị gãy chân. Thực tế trong quá trình điều tra, kiểm tra lại thấy người cán bộ công an đó tuy có mặt tại hiện trường nhưng không hề tham gia vào việc bắt giữ. Căn cứ vào kết luận thanh tra thì không có việc lực lượng thi hành nhiệm vụ đánh gây thương tích cho ông Kình. Đây hoàn toàn là trong quá trình giằng co giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ và người nhà ông Kình xông vào cản trở việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan điều tra nên xảy ra việc đánh tiếc như vậy.
- Ngày 15.1.2018, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI, Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng nhắc đến sự kiện ở Đồng Tâm. Ông cho rằng đó là bài học lớn để các cấp, các ngành rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
Phiên tòa xét xử 14 cán bộ trong vụ sai phạm đất đai ở Đồng Tâm tiến hành làm việc liên tục, không nghỉ trưa. Chiều...