Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan và đồng phạm chuyển hơn 4,5 tỉ USD qua biên giới

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Cơ quan tố tụng xác định bị can Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Công ty Vạn Thịnh Phát, cùng các đồng phạm đã chuyển qua biên giới số tiền hơn 4,5 tỉ USD, tương đương hơn 106 ngàn tỉ đồng

Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao vừa ban hành cáo trạng, đồng thời truy tố 34 bị can liên quan đến vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan (giai đoạn 2).

Bị can Trương Mỹ Lan hầu tòa trong giai đoạn 1. Ảnh: Hoàng Triều

Bị can Trương Mỹ Lan hầu tòa trong giai đoạn 1. Ảnh: Hoàng Triều

Theo đó, 4 bị can gồm: Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát; Nguyễn Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula; Trịnh Quang Công, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý ACUMEN; Trương Khánh Hoàng, nguyên quyền tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn, bị truy tố cùng về 3 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; 20 bị can khác bị truy tố về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được Trương Mỹ Lan thành lập, nắm giữ 60% cổ phần và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 1992 đến nay. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB, Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) qua đó, thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.

Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cáo trạng xác định, từ năm 2018 đến năm 2020, Trương Mỹ Lan đã đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị can: Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng Giám đốc thuộc Ngân hàng SCB; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI, và Hồ Bửu Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu "khống", với tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu để huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp), thu về tổng số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành, dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu. Qua đó, bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng của 35.824 bị hại.

Bên cạnh đó, đối với hành vi Rửa tiền, cơ quan tố tụng xác định bị can Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm đã rửa tiền đối với số tiền hơn 445.747 tỉ đồng (trong đó có hơn 415.666 tỉ đồng từ nguồn tiền phạm tội "tham ô tài sản" của Ngân hàng SCB và hơn 30.081 tỉ đồng từ nguồn tiền do phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Ngoài ra, hành vi Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới đối với số tiền hơn 4,5 tỉ USD, tương đương hơn 106 ngàn tỉ đồng.

Trong cả hai giai đoạn điều tra vụ án, C03 xác định, Trương Huệ Vân được bà Trương Mỹ Lan, tin tưởng tuyệt đối giao tiền vốn, bổ nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo đạo trong các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Sai phạm của Vân là ký giấy tờ, lập công ty 'ma' để tạo lập các khoản vay, giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt tiền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hưởng ([Tên nguồn])
Vụ án Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN