Vụ Vạn Thịnh Phát: Nhận hàng triệu USD, Đoàn thanh tra bao che SCB ra sao?

Bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra SCB, sau khi nhận 5,2 triệu USD của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đã cố tình bưng bít, bao che cho nhà băng này

Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, từ năm 2012 - 2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã rút hơn 1 triệu tỉ đồng từ SCB, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi lên tới hơn 677.000 tỉ đồng. Làm được việc này trong thời gian dài, chủ tịch Vạn Thịnh Phát cùng các đồng phạm đã dùng tiền, lợi ích vật chất để mua chuộc nhóm thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Bị can Đỗ Thị Nhàn (bìa trái) và Trương Mỹ Lan khi chưa bị bắt

Bị can Đỗ Thị Nhàn (bìa trái) và Trương Mỹ Lan khi chưa bị bắt

Theo cáo buộc, năm 2017, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thành lập đoàn thanh tra liên ngành tại SCB. Đoàn thanh tra gồm 18 thành viên, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng chủ trì, phối hợp cùng Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia do bà Đỗ Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ 1 thuộc Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, làm trưởng đoàn.

Việc thanh tra được thực hiện trong 2 đợt. Đợt 1 tại hội sở chính và 12 chi nhánh SCB, kiểm tra về thực trạng xử lý nợ xấu, hoạt động cấp tín dụng, thực hiện tái cơ cấu… Đợt 2 nhằm làm rõ các vi phạm về cấp tín dụng và cho vay, dịch chuyển dòng tiền tại SCB; xác định mối quan hệ sở hữu của nhóm Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan đối với 71 khách hàng có cùng địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM).

Trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra xác định SCB sai phạm trong tất cả các nội dung thanh tra, ví dụ như tăng trưởng tín dụng vượt so với phê duyệt của NHNN, tỉ lệ cấp tín dụng vào bất động sản cao hơn quy định, không chấp hành quy định tại Luật Tổ chức tín dụng và văn bản của NHNN về cho vay, xử lý lãi dự thu, hầu hết có rủi ro mất vốn…

Để che giấu thực trạng yếu kém và sai phạm của SCB, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn, rồi chỉ đạo lãnh đạo SCB đưa cho nữ trưởng đoàn thanh tra 5,2 triệu USD; phó trưởng đoàn thanh tra Nguyễn Thị Phụng 20.000 USD, 210 triệu đồng; Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH, người ký quyết định thanh tra, với số tiền 390.000 USD. Các thành viên đoàn thanh tra nhận tiền của SCB từ 1.000 USD đến 21.000 USD cùng nhiều lợi ích vật chất khác.

Đại án Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan

VKSND tối cao nhận định kết quả phát hiện ban đầu của đoàn thanh tra là có căn cứ, khách quan và trung thực. Thực trạng của SCB rất nghiêm trọng, phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt; nhiều sai phạm lẽ ra phải chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý nhằm ngăn chặn kịp thời hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, thông qua việc nhận tiền, nhiều cán bộ đoàn thanh tra đã cố tình bưng bít, bao che sai phạm cho SCB.

Cụ thể, tháng 1-2018, bị can Nguyễn Văn Hưng, Đỗ Thị Nhàn cùng một số thành viên đoàn thanh tra và lãnh đạo NHNN tham gia họp, báo cáo Chính phủ về kết quả thanh tra SCB.

Dưới sự chỉ đạo của bị can Nhàn và phê duyệt của bị can Hưng, báo cáo đã không đưa số liệu thực trạng tài chính của SCB (nợ xấu, phân loại nợ xấu, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế, hệ số CAR), không báo cáo chi tiết vi phạm của SCB đối với khoản vay của nhóm khách hàng cùng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai. Điều này làm nhẹ đi tính chất, mức độ sai phạm so với kết quả thanh tra thực tế.

Đặc biệt, tại phần kiến nghị, bị can Đỗ Thị Nhàn Nhàn còn chỉ đạo dự thảo nội dung đề xuất Chính phủ cho phép tạo điều kiện để SCB tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu.

Tháng 12-2018, kết luận thanh tra tại SCB được ban hành; rất nhiều nội dung đã bị bỏ ra ngoài, làm thay đổi hoàn toàn bản chất hoạt động tín dụng trái pháp luật và thực trạng tài chính của SCB. Trong đó, kết luận không đề cập tới nợ xấu tại 3 dự án Mũi Đèn Đỏ, 6A và Royal Garden với tổng dư nợ hơn 37.900 tỉ đồng, bỏ ngoài sổ trích lập dự phòng rủi ro hơn 18.700 tỉ đồng; không đánh giá các vi phạm của SCB để kiến nghị đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt hoặc có biện pháp xử lý phù hợp.

Kết luận thanh tra cũng không kiến nghị SCB phải phân loại nợ xấu, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro; bỏ toàn bộ nội dung kiến nghị yêu cầu thu hồi số tiền vay sử dụng sai mục đích tại dự án 6A và Mũi Đèn Đỏ. Cùng với đó, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra đối với sai phạm của nhóm 71 khách hàng cùng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai…

Trong số 18 thành viên đoàn thanh tra, bị can Đỗ Thị Nhàn bị truy tố tội nhận hối lộ; Nguyễn Văn Hưng bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 10 người bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 7 người không bị xử lý hình sự.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan được cháu ruột Trương Huệ Vân giúp sức thế nào?

Theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo cháu ruột Trương Huệ Vân cho thành lập các công ty “ma”, thông đồng với nhân viên Ngân hàng SCB lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hưởng ([Tên nguồn])
Vụ án Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN