Vụ trượt gối dầm metro: Hội đồng Kiểm tra Nhà nước vào cuộc
Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (chủ đầu tư) báo cáo kết quả về công tác đánh giá an toàn hệ thống và kết quả đánh giá, xác định nguyên nhân và biện pháp xử lý đối với hiện tượng rơi gối cầu tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
Ông Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, ủy viên thường trực Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng vừa ký văn bản gửi Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) về việc kiểm tra công trình tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Theo đó, đoàn công tác của Hội đồng kiểm tra sẽ nghe chủ đầu tư báo cáo kết quả đánh giá an toàn hệ thống, kế hoạch nghiệm thu về các mốc thi công quan trọng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư báo cáo về kết quả đánh giá, xác định nguyên nhân và biện pháp xử lý đối với hiện tượng rơi gối cầu cạn thuộc gói thầu CP2 (đoạn trên cao và các depot) tuyến metro số 1.
Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước kiểm tra hiện trường đầu năm 2021 sau khi phát hiện một gối cao su bị rơi và một gối có dấu hiệu bị xê dịch khỏi vị trí ban đầu
Dự kiến, đoàn công tác sẽ làm việc từ ngày 7 đến 9/4 và sẽ kiểm tra hiện trường một số hạng mục thi công chính của công trình sau khi tại gói thầu CP2 của dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên trong 5 tháng qua đã liên tiếp xảy ra các sự cố kỹ thuật liên quan đến các gối cao su đã hoàn tất việc lắp đặt từ năm 2016.
Cụ thể, ngoài gối gối cao su bị rơi khỏi đá kê gối vào tháng 10/2020 làm hư hỏng thanh ray và nứt vỡ bê tông đệm ray, trong tháng 11/2020 và cuối tháng 3 năm 2021, qua kiểm tra, rà soát của MAUR và các đơn vị liên quan, có 5 gối cao su khác có dấu hiệu xê dịch khỏi vị trí lắp đặt ban đầu.
Gói thầu CP2 có khoảng 1.168 gối cao su, nhà sản xuất gối cầu được phê duyệt là Tập đoàn Mageba (Hàn Quốc) và Kawakin (Nhật Bản).
Một gối cao su có dấu hiệu bị xê dịch khỏi vị trí lắp đặt băn đầu trên đá kê gối
Theo Liên danh tư vấn NJPT và MAUR, sự cố xảy ra tại công trình đang thi công theo hợp đồng và chưa bàn giao cho chủ đầu tư. Vì vậy, theo hợp đồng đã ký kết, liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco 6 với vai trò là tổng thầu EPC của gói thầu CP2 phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng công trình.
Tuy nhiên, tổng thầu Sumitomo - Cienco 6 đã chậm trễ trong việc rà soát, kiểm tra, đánh giá nguyên nhân cũng như chậm trễ trong phối hợp thực hiện các yêu cầu từ cơ quan thường trực Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, ý kiến chuyên gia thuộc tổ công tác rà soát sự cố.
Trước tình hình đó, MAUR đã yêu cầu liên danh tư vấn NJPT và các đơn vị liên quan khẩn trương thu hồi toàn bộ chi phí gối cao su và lao lắp dầm đã thanh toán cho tổng thầu từ năm 2018 trở về trước (bằng cách khấu trừ trong các kỳ thanh toán tiếp theo) nhằm đốc thúc tổng thầu khẩn trương có báo cáo và có giải pháp khắc phục sự cố về gối cầu.
Về lý do thu hồi, chủ đầu tư nhận thấy các hạng mục liên quan đến gối cầu có một số tiêu chuẩn chưa được phê duyệt nhưng tổng thầu EPC vẫn triển khai thi công và đề nghị thanh toán tại các kỳ trước đây. Căn cứ các quy định của pháp luật, MAUR nhận thấy chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc thanh toán cho tổng thầu EPC về thi công gối cầu và lao lắp dầm.
Thi công lắp dầm metro và các gối cao su vào năm 2016
Theo MAUR, sự chậm trễ của tổng thầu EPC ảnh hưởng tới tiến độ gói thầu CP2 và tiến độ chung của cả dự án.
Tuyến metro số 1 có tổng chiều dài 19,7 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm dưới lòng đất qua 3 nhà ga và 17,1 km đi trên cao với 11 nhà ga. Hiện nay, dự án đã đạt khoảng 83% tổng khối lượng.
Nhiều gói thầu quan trọng như CP1a, CP1b, CP2, CP3 đang được đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2022.
Nguồn: [Link nguồn]
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong mong muốn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì một buổi làm việc với sự tham dự...