Vụ Trịnh Văn Quyết: Vì sao cựu chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng không bị xử lý hình sự?
Theo KLĐT, cựu chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không xem xét xử lý hình sự, theo hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2020 của HĐTP TAND Tối cao.
Liên quan vụ án ông Trịnh Văn Quyết thao túng giá chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, CQĐT xác định cựu Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc chấp thuận niêm yết cổ phiếu ROS.
Cựu chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong vụ cổ phiếu Faros được niêm yết.
Ký quyết định chấp thuận niêm yết cổ phiếu cho Faros
Theo hồ sơ, năm 2017, khi đang là Chủ tịch HĐQT Sở GDCK TP.HCM, ông Trần Văn Dũng được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBCKNN.
Đến năm 2022, ông Dũng bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Chủ tịch UBCKNN do đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác.
Hành vi vi phạm liên quan đến việc niêm yết cổ phiếu Công ty Faros của cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm diễn ra trong thời kỳ ông Trần Văn Dũng giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Sở GDCK TP.HCM, kiêm Chủ tịch Hội đồng niêm yết.
Theo Kết luận điều tra bổ sung vụ án Trịnh Văn Quyết, khi nhận được hồ sơ đề nghị niêm yết cổ phiếu của Công ty CP Xây dựng Faros, ông Dũng đã phân công các thành viên Hội đồng niêm yết nghiên cứu thẩm định hồ sơ.
Quá trình thẩm định, ông Trần Văn Dũng được các thành viên Hội đồng niêm yết báo cáo về việc Báo cáo kiểm toán về Báo cáo tài chính năm 2014, năm 2015 của Faros không phù hợp do phạm vi lưu ý quá lớn, “Công ty TNHH Kiểm toán và kế toán Hà Nội đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần là không có cơ sở...” và “chưa có căn cứ xác định số vốn thực góp” theo văn bản số 4298/UBCK-GSĐC ngày 1-7-2016 của UBCKNN.
Ông Dũng đã chỉ đạo các thành viên Hội đồng niêm yết yêu cầu Công ty phải giải trình, cung cấp bổ sung hồ sơ, tài liệu để thẩm định.
Thực hiện chỉ đạo của Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT Sở GDCK TP.HCM) về việc báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ niêm yết của Công ty CP Xây dựng Faros để HĐQT quyết định, ngày 22-8-2016 ông Dũng đã tổ chức cuộc họp Hội đồng niêm yết.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng niêm yết thống nhất đồng ý với các nội dung giải trình của Công ty Faros, nhất trí hồ sơ và điều kiện niêm yết, thống nhất báo cáo HĐQT về hồ sơ Faros.
Căn cứ kết quả cuộc họp, bị can Trầm Tuấn Vũ (cựu Phó TGĐ Sở GDCK TP.HCM) ký Tờ trình, ông Trần Văn Dũng đã cùng các thành viên HĐQT đồng ý, ông Trần Đắc Sinh ký, ban hành Nghị quyết HĐQT chấp thuận niêm yết cho Công ty Faros.
Tiếp đó, ngày 23-8-2016, ông Trần Văn Dũng đã ký ban hành Quyết định số 348/QĐ-SGDHCM chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros.
Áp dụng Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP
Tại cơ quan điều tra, ông Trần Văn Dũng khai nhận toàn bộ nội dung, diễn biến việc thực hiện hành vi phạm của mình, nguyên nhân là do tin tưởng vào chuyên môn cấp dưới, ý kiến đồng ý chấp thuận của các thành viên trong Hội đồng niêm yết, thực hiện theo Nghị quyết của HĐQT để ký ban hành Quyết định niêm yết cho Công ty Faros khi không đủ điều kiện yết. Ông Dũng khai không được hưởng lợi ích từ hành vi của mình.
CQĐT xác định hành vi của ông Trần Văn Dũng có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 360 BLHS 2015. Tuy nhiên, ông Dũng thực hiện hành vi theo ý kiến chấp thuận của các thành viên Hội đồng niêm yết và Nghị quyết của HĐQT, được quy định trong quy chế hoạt động của Hội đồng niêm yết và HĐQT.
Theo khoản 3 Điều 3 Quy chế làm việc của HĐQT Sở GDCK TP.HCM, “Nghị quyết, quyết định của HĐQT có tính chất bắt buộc thi hành với tất cả các đơn vị và cá nhân thuộc Sở GDCK TP.HCM”.
Do đó, khi tất cả các thành viên Hội đồng niêm yết đều có ý kiến thống nhất và HĐQT đã thông qua, ban hành Nghị quyết chấp thuận niêm yết cổ phiếu ROS, ông Trần Văn Dũng đã không kiểm tra lại mà ký Quyết định chấp thuận niêm yết.
Kết luận điều tra nêu: Căn cứ khoản 3 Điều 5, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự mà kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về hành chính - đối với ông Dũng.
Điều 5. Nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ: ... 3. Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của BLHS đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau: a) Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc; b) Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm; c) Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra; d) Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra. Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP |
Nguồn: [Link nguồn]
Các bị can là lái xe riêng, bạn cùng quê đã giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.620 tỉ đồng bằng cách ký khống nhiều chứng từ, nhận đứng tên cổ phần mà không phải thanh toán tiền.