Vụ trao nhầm con suốt 6 năm ở Ba Vì: "Đừng khoét sâu về việc bồi thường"
“Giá như sự việc chỉ là thiệt hại về vật chất, có lẽ tất cả đã dễ dàng xử lý hơn”.
Bé H cùng bố mẹ nuôi dưỡng mình 6 năm nay là anh Sơn - chị Hiền. Ảnh: Phạm Nhung.
Câu chuyện về việc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì trao nhầm con cho gia đình anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, trú ở thị trấn Tây Đằng, Ba Vì) và chị Vũ Thị Hương (35 tuổi, trú ở xã Phú Sơn, cùng huyện Ba Vì) vào ngày 1/11/2012 gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Chia sẻ với PV tối 12/7, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, giao nhầm con tại các bệnh viện từ trước đến nay là những trường hợp hy hữu. Tuy nhiên, lỗi này do một số cá nhân làm ẩu, không đúng quy định.
Sự việc nhầm lẫn đau lòng này đã xảy ra đến 6 năm nay mới phát hiện tổn thất lớn cho hai gia đình. Có gia đình, vì người chồng nghi ngờ đứa con nhầm lẫn đó không phải là con ruột thịt, không giống cha nên xảy ra cãi vã, ly hôn. Tuy nhiên, trong câu chuyện này vấn đề tình cảm mới cần được bàn tới.
“Sự cẩu thả đã gây ra nhầm lẫn và để lại hậu quả rất nặng nề và khủng khiếp. Có lẽ chính vì sự thiệt hại quá lớn về mặt tinh thần nên chúng ta khó tìm được cách giải quyết thấu tình đạt lý và đến nay hai gia đình vẫn chưa trao đổi lại con”, ông Quang chia sẻ.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh: "Giá như sự việc chỉ là thiệt hại về vật chất, có lẽ tất cả đã dễ dàng xử lý hơn. Trong vấn đề này, chúng ta đừng nên nhìn nhận nó về chuyện xử lý pháp luật, tiền bạc mà nó là cả một vấn đề mang tính nhân văn. Sự việc đã vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật, vượt khỏi quan niệm đúng sai".
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, mọi người không nên khoét sâu vào việc bồi thường.
Theo TS.Nguyễn Huy Quang, trong vụ việc này, Bệnh viện Ba Vì xử lý về mặt hành chính, kỷ luật 2 nữ hộ sinh liên quan đến vụ trao nhầm con là đúng đắn.
Trước sự quan tâm của dư luận về việc trách nhiệm của bệnh viện phải bồi thường vì trao nhầm con, ông Quang cho biết, hiện có các mức bồi thường khác nhau, đã được pháp luật quy định trong đó, nếu các bên không thể thoả thuận sẽ phải ra toà.
“Theo tôi, chúng ta đừng khoét sâu về việc bồi thường mà cần xem xét về tình người. Còn những cái sai, hãy để người làm sai tự vấn lương tâm. Điều quan trọng lúc này là vì tương lai con trẻ, hãy tôn trọng theo nguyện vọng của trẻ theo đúng Luật Trẻ em, theo tính chất đạo đức xã hội để thấy mọi việc đơn giản hơn”, ông Quang nói.
Sau vụ việc trao nhầm con ở BV Ba Vì gây xôn xao dư luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã yêu cầu các bệnh viện xem xét, không để xảy ra với các trường hợp khác. Nhân viên y tế phải học hỏi, làm cho chuẩn quy trình và có ý thức.
Năm 2012, vợ anh Phùng Thanh Sơn vào Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì sinh con. Khi được nhân viên bệnh viện giao con, vợ chồng anh đã nghi ngờ vì thấy nhầm tã lót của cháu nên có hỏi lại bác sĩ đỡ đẻ, nhưng bác sĩ khẳng định không nhầm. Từ đó, anh chị đưa con trai về nuôi. Nhưng càng lớn, cháu Phùng Thanh H. càng không có đường nét ngoại hình nào giống bố mẹ khiến mối nghi ngờ của vợ chồng anh bắt đầu xuất hiện trở lại. Cuối cùng, vợ chồng anh Sơn quyết định đưa con đi xét nghiệm tại Viện Khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an). Kết quả, cháu H. không cùng huyết thống với vợ chồng anh. Anh Sơn tỏ ra rất bức xúc trong lá đơn gửi Bộ Y tế. Đến thời điểm này, hai gia đình vẫn chưa đổi lại hai đứa con đã nhầm lẫn trong 6 năm trước. |
Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ba Vì lý giải vì sao hai gia đình bị bệnh viện trao nhầm con từ 6 năm trước nhưng đến nay...