Vụ TP.HCM phải trả 10kg vàng: Luật quy định sao?
Xung quanh vụ một người dân yêu cầu UBND TP.HCM trả 10 kg vàng, nhiều bạn đọc thắc mắc pháp luật quy định sao về việc thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật?
Theo một nguồn tin, mới đây tại một cuộc họp có sự tham dự của đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các cơ quan liên quan đã đề cập tới bảy vụ thi hành án (THA) hành chính, trong đó có vụ 10 kg vàng của ông Phạm Duy Hiếu (Giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Phương Anh).
Án tòa tuyên khó hiểu
Về vụ THA của ông Hiếu, tại buổi họp trên, các cơ quan chức năng có nêu vấn đề TAND Cấp cao tại TP.HCM khi xử phúc thẩm vụ kiện của ông Hiếu ngoài việc tuyên hủy quyết định hành chính của UBND TP.HCM thì còn tuyên “buộc chủ tịch UBND TP.HCM và Công an TP.HCM thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”. Do đó, UBND TP không hiểu “thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật” là thực hiện như thế nào.
Tại cuộc họp báo ngày 2-5 của UBND TP, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cũng cho biết UBND TP không nhận được bản án của tòa phúc thẩm về chuyện bác án sơ thẩm mà chỉ nhận được bản phôtô của đương sự. “Trong bản phôtô nói đề nghị TP thực hiện nhiệm vụ công vụ theo pháp luật nhưng khi TP hỏi THA thì THA cũng không trả lời” - ông Hoan nói. Theo ông Hoan, TP đã có kiến nghị giám đốc thẩm gửi các cơ quan từ Cục THA dân sự đến VKSND Tối cao từ vài tháng nay nhưng chưa có kết luận… “Đến giờ cũng chưa thấy chỉ đạo gì của Cục THA” - ông Hoan nói và khẳng định quan điểm của UBND TP là sẽ chấp hành đầy đủ các bản án. “Nếu giám đốc thẩm quyết như thế nào thì UBND TP sẽ thi hành” - ông Hoan cho biết thêm.
Ảnh minh họa.
Để tìm hiểu rõ hơn, PV đã liên lạc Cục THA dân sự TP.HCM. Đại diện cơ quan này cho biết hiện vẫn chưa nhận được thông tin gì liên quan tới việc UBND TP đã thi hành xong bản án hay chưa. Cũng theo Cục THA dân sự TP, theo luật, cơ quan THA dân sự không thể cưỡng chế nếu ủy ban không thi hành mà chỉ có thể thông báo, nhắc ủy ban thi hành bản án xong chưa và trả lời bằng văn bản cho cơ quan THA dân sự biết.
PV cũng đã liên hệ TAND Cấp cao tại TP.HCM để tìm hiểu về việc án tuyên không rõ ràng khiến ủy ban khó thi hành. Phía cơ quan này cho biết sẽ liên lạc lại sau. Tương tự, phía UBND TP cũng cho biết sẽ trả lời sau.
Luật quy định sao?
Từ vụ việc của ông Hiếu, nhiều bạn đọc thắc mắc: Pháp luật quy định sao về việc thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật của tòa? Bên bị kiện phải thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật hay được quyền không THA, chờ cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm?
Cơ quan THA chỉ thông báo Theo Luật Tố tụng hành chính 2015, cơ quan THA dân sự chỉ có trách nhiệm thông báo cho người phải THA tự nguyện THA. Nếu người phải THA không tự nguyện thì sẽ có công văn gửi Tổng cục THA dân sự để cấp trên báo cáo cho Thủ tướng. Một chấp hành viên (đề nghị không nêu tên) Quyết định không còn giá trị Quyết định hành chính của ủy ban đã bị tòa hủy nên không còn giá trị. Về nguyên tắc, ủy ban phải có nghĩa vụ trả lại 10 kg vàng cho ông Hiếu. Việc ủy ban lấy lý do phải chờ tòa giải thích bản án và chờ quyết định giám đốc thẩm mà trì hoãn việc trả lại tài sản cho ông Hiếu là không có cơ sở, bởi nếu muốn giữ tài sản của người khác thì phải dựa vào quyết định pháp lý. Luật sư LÊ VĂN HOAN, Văn phòng luật sư Lê Văn |
Trao đổi, nhiều chấp hành viên và luật sư cho biết Điều 312 Luật Tố tụng hành chính 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) quy định trong thời hạn một năm kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật mà người phải THA không tự nguyện thi hành thì người được THA có quyền gửi đơn đề nghị tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người được THA, tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc THA hành chính. Quyết định này phải được gửi cho người phải THA, người được THA, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA và VKSND cùng cấp. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải THA theo quy định của pháp luật.
Cạnh đó, quyết định buộc THA cũng phải gửi cho cơ quan THA dân sự nơi tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc THA hành chính. Sau khi nhận được quyết định, cơ quan THA dân sự sẽ ra thông báo về việc tự nguyện THA gửi cho người phải THA với nội dung trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, người phải THA phải thực hiện theo bản án tuyên và thông báo bằng văn bản kết quả THA cho tòa và cơ quan THA dân sự.
Trường hợp người phải THA chậm THA, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung án tuyên thì sẽ bị xử lý theo Điều 314 Luật Tố tụng hành chính 2015 và Nghị định số 71/2016 của Chính phủ (tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự).
Một vấn đề khác, trường hợp bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng tuyên không rõ thì sao? Điều 310 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định người được THA, người phải THA, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và cơ quan THA dân sự có quyền yêu cầu thẩm phán là chủ tọa nơi ra bản án có trách nhiệm giải thích. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, tòa án phải có văn bản giải thích và gửi cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được cấp, gửi bản án.
Như vậy, pháp luật đã có những quy định rất rõ về trình tự, thủ tục, trách nhiệm THA hành chính cũng như về trường hợp án tuyên không rõ. Vấn đề còn lại chỉ là ý thức thực thi pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan mà thôi.
Tòa phúc thẩm tuyên hủy quyết định Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, ngày 9-5-2014, chủ tịch UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt hành chính ông Hiếu 15 triệu đồng vì kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Cạnh đó, ủy ban còn xử phạt bổ sung là tịch thu 10 thỏi vàng (tổng trọng lượng hơn 10.000 g). Ông Hiếu khởi kiện ra TAND TP, cho rằng 10 thỏi vàng trên không phải là vàng công ty ông kinh doanh. Đây là số vàng riêng vợ ông cất giữ từ lâu, là của hồi môn mẹ vợ cho khi vợ chồng ông kết hôn năm 2008, pháp luật không cấm việc cất giữ số vàng này. Việc tịch thu vàng là không có căn cứ, không khách quan khi chỉ dựa vào giám định số vàng thỏi trên không phải do Việt Nam sản xuất đã cho là kinh doanh nhập lậu... Ngoài ra, quyết định của UBND TP cũng không thấy xử lý để trả lại 13.800 USD mà công an tạm giữ khi lập biên bản vi phạm hành chính. Theo ông Hiếu, số ngoại tệ này không phải là tang vật vi phạm hành chính bởi đây là số tiền vợ chồng ông dành dụm, cất giữ trong quần áo. Đầu năm 2016, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã bác đơn kiện của ông Hiếu. Ông Hiếu kháng cáo. Tháng 11-2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm. Cụ thể, tòa phúc thẩm tuyên hủy quyết định của UBND TP, đồng thời tuyên buộc chủ tịch UBND TP và Công an TP “thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”. Sau đó, ông Hiếu yêu cầu ủy ban trả lại vàng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được... |
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng, người phát ngôn UBND TPHCM cho biết đến nay vẫn chưa nhận được bản án phúc thẩm của...