Vụ tiền nước hơn 23,6 triệu/tháng: Xử lý thế nào khi có kết quả kiểm định đồng hồ?
Chủ căn hộ tập thể có hóa đơn tiền nước hơn 23,6 triệu đồng/tháng đã yêu cầu mang đồng hồ nước đi kiểm định để làm rõ sự việc.
Liên quan đến vụ việc hóa đơn tiền nước phải trả tháng 1/2019 lên đến hơn 23,6 triệu đồng của gia đình chị Vũ Thị Thu (chủ hộ 106B – C1 Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội), sáng nay (19/2), ông Trần Xuân Cương - Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy (đơn vị cấp nước) cho biết, với chức năng là đơn vị cung cấp dịch vụ, ông sẵn sàng phục vụ khách hàng khi có phản ánh.
“Tiền nước ở đây là thu về cho Nhà nước chứ không phải thu về túi tôi. Vì thế khi khách hàng có thắc mắc, chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc đó để khách hàng được hài lòng”, ông Cương cho hay.
Ông Trần Xuân Cương - Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy.
Theo ông Cương, ngay khi thấy số nước nhà chị Thu lên cao bất thường, nhân viên Xí nghiệp đã làm việc với gia đình. Ngày 31/1/2019, nhân viên của đơn vị đã kiểm tra và lập biên bản, trong vòng hơn 1 tiếng, đồng hồ nước nhà chị Thu lên 3m3 nước (từ 4341m3 lên 4344m3).
“Nhân viên của tôi đi kiểm tra thì thấy nền nhà phía trong bếp cửa hàng chị Thu có nước tràn lên. Nhân viên của quán cho hay, ngày trước rửa bếp, lau nền đến sáng sẽ khô nhưng thời gian gần đây lau không khô, giẫm vào gạch lát nền là nước lại trào ra.
Tôi nghi là do vỡ đường ống ngầm nhưng bây giờ không thể tự đào nền nhà người ta lên để kiểm tra. Nếu vỡ đường ống ngầm mà đường ống nối ra đường thoát nước chung thì lượng nước chảy đi sẽ rất lớn mà chủ nhà khó phát hiện được”, ông Cương chia sẻ.
Tuy nhiên, trả lời về việc này, chị Thu vẫn khẳng định, đường ống nước nhà chị không vỡ. Chị cho rằng, nước trào lên là đường ống nước thải của cửa hàng chị, chứ không phải đường ống nước sạch.
Biên bản làm việc của Xí nghiệp nước sạch Cầu Giấy với gia đình chị Thu ngày 31/1/2019.
Ông Cương cho rằng, mọi chuyện sẽ sáng tỏ khi có kết quả kiểm định đồng hồ nước. Nếu kết quả kiểm định đồng hồ đúng, gia đình chị Thu sẽ phải chi trả đúng số tiền như trên hóa đơn (hơn 23,6 triệu đồng). Và sở dĩ, số tiền lớn như vậy là do gia đình chị Thu đăng kí nước sạch kinh doanh với giá 25.378 đồng/m3 từ sau khối thứ 10.
Nếu đồng hồ sai, sẽ có 2 hướng giải quyết. Giả dụ, đồng hồ sai theo hướng nhanh lên, Xí nghiệp sẽ lấy trung bình tiền nước của 2 tháng liền kề trước đó. Còn nếu đồng hồ sai theo hướng chậm hơn thì sẽ thu tiền theo đúng số nước hiển thị trên đồng hồ và Xí nghiệp phải thay thế đồng hồ nước mới cho chủ hộ.
“Tôi nghĩ, tất cả các hướng giải quyết đều có lợi cho khách hàng. Việc sử dụng nước này có đồng hồ chứ không ai có thể tác động vào được. Do đó, khi có kết quả giám định đồng hồ nước thì mọi chuyện sẽ được giải quyết.
Theo kinh nghiệm của tôi từ khi về công tác tại đây, khi đi kiểm định đồng hồ nước thì 90% là đồng hồ đúng, tỉ lệ sai sót của đồng hồ chỉ khoảng 10%”, ông Cương thông tin..
Do là cửa hàng kinh doanh nên giá nước sạch của gia đình chị Thu được tính với giá 25.378 đồng/m3 từ sau khối thứ 10.
Trả lời về việc chị Thu phản ánh, khóa van trước đồng hồ nhưng đồng hồ vẫn chạy, ông Cương nói: “Có thể do chị ấy đóng van chưa chặt. Ở khu vực đó, áp lực bơm của chúng tôi rất lớn, lên đến 4,2kg. Những gia đình ở tầng 3, tầng 4 không cần máy bơm mà nước vẫn lên được. Tay phụ nữ yếu nên có thể van vẫn hở nên đồng hồ vẫn quay”.
Về việc ông Cương nói mỗi ngày Xí nghiệp bơm nước 12 tiếng nhưng người dân khẳng định không quá 10 tiếng mỗi ngày, ông Cương giải thích, từ cuối năm 2017, đầu năm 2018, Xí nghiệp lắp bơm tăng áp và có phao tự động. Do đó, tùy theo nhu cầu sử dụng của người dân mà bơm sẽ tự động bơm nước.
“Từ khi lắp phao tự động thì không còn quy định một ngày bao nhiêu tiếng mà có ngày ít có ngày nhiều. Ví dụ, ngày hè người dân dùng nhiều thì nước bơm nhiều, mùa đông sử dụng ít thì thời gian bơm ít”, ông Cương nói.
Không tin vào mắt mình, chị Thu ngay lập tức đã làm đơn trước việc khối lượng nước tăng bất thường này.