Vụ thuê côn đồ: Công ty bảo vệ vi phạm hợp đồng với BOT Cai Lậy?
Ký hợp đồng bảo vệ cho BOT Cai Lậy chỉ 24 người nhưng Công ty Bảo vệ Đông Phương đã "nhiệt tình" bỏ tiền ra thuê thêm 10 người.
Ngoài 24 người được ký hợp đồng bảo vệ BOT Cai Lậy, Công ty Đông Phương còn bỏ tiền ra thuê thêm 10 người "giúp" trạm và đã có hành vi đe dọa tài xế
Liên quan đến việc "người lạ" xuất hiện đe dọa tài xế, điều tra của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy người đứng ra thuê 10 đối tượng "ngoài hợp đồng" để cung cấp cho BOT Cai Lậy sau khi xả trạm ngay ngày thu phí trở lại là ông Phương, Công ty TNHH Bảo vệ an ninh Đông Phương.
Cụ thể, ngày 30-11, khi BOT Cai Lậy thu phí trở lại thì gặp phải phản ứng gay gắt từ cánh tài xế. Tối cùng ngày, BOT Cai Lậy xả trạm và hàng chục CSGT, CSTT, CSCĐ của Công an tỉnh Tiền Giang và huyện Cai Lậy rút về.
Đến 23 giờ ngày 1-12, BOT Cai Lậy thu phí trở lại. Lúc này, nhiều "người lạ" xuất hiện có dấu hiệu đe dọa tài xế nếu đưa tiền lẻ hay thắc mắc vấn đề gì đó.
Qua điều tra của phóng viên, trong clip mà Báo Người Lao Động ghi được lúc 10 giờ 15 phút ngày 2-12, hai thanh niên lạ mặt có tên là Đầy (ngụ xã Phú Nhuận) và Vinh "Mắt ma" (xã Bình Phú, huyện Cai Lậy). Đầy và Vinh "Mắt ma" chỉ là 2 trong 10 thanh niên thay phiên túc trực ở trạm thu phí để thực hiện việc xua đuổi, gây áp lực nếu tài xế "cố thủ" ở cabin thu phí.
Người đứng sau thuê nhóm thanh niên này là ông Xy, ngụ xã Phú Nhuận. Ban đầu, ông Xy phủ nhận việc thuê nhóm thanh niên. Tuy nhiên, từ những chứng cứ của phóng viên Báo Người Lao Động, tối 3-12, ông Xy thừa nhận: "Em được anh Phương, phía công ty bảo vệ BOT Cai Lậy, nhờ kiếm 10 người phụ. Nếu lực lượng công an có cẩu xe thì kêu mấy người làm mướn giúp đỡ. Em chỉ kêu 10 người rảnh rỗi. Tiền công mỗi người 200.000 đồng/ngày".
Sáng 4-12, phóng viên Báo Người Lao Động đã tìm đến Công ty TNHH Bảo vệ an ninh Đông Phương để làm rõ sự việc. Phóng viên đã tiếp xúc ông Nguyễn Văn Non, giám đốc công ty và ông Phương, người mà ông Xy cho là nhờ mình kiếm 10 người phụ giúp khi cẩu xe.
Ông Non kể: "Ngày 30-11, do tài xế xe cẩu nói với trạm BOT rằng vì tài xế qua trạm quá khích nên sẽ đưa xe về chứ không tiếp tục hợp đồng, công ty mới nói rằng sẽ thuê người phụ đưa xe cẩu ra". Phóng viên hỏi "ai nhờ" thì ông Phương cho hay "bên xe cẩu nhờ nhưng sau đó xe rút luôn".
Theo ông Phương, chiều 1-12, ông giao một đội phó bảo vệ ở trạm tìm kiếm thuê 10 người "ngoài hợp đồng" với BOT Cai Lậy theo thời vụ do công ty trả tiền, mỗi người 200.000 đồng.
Theo đó, có 6 người làm ca ngày và 4 người làm ca đêm. Nhiệm vụ của họ là phụ giúp xe cẩu. Sau đó, ông Xy đã cung cấp danh sách 10 người cho ông Phương. Lập tức, 23 giờ 30 đêm đó, BOT Cai Lậy thu phí trở lại mà không có bóng dáng của lực lượng công an. Đến sáng hôm sau thì xuất hiện nhóm thanh niên có biểu hiện đe dọa tài xế như Báo Người Lao Động đã phản ánh.
Ông Phương đang trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động
Ông Phương cho biết công ty của ông hợp đồng bảo vệ BOT Cai Lậy thời gian 12 tháng và cung cấp 24 người, chia làm 2 ca, ngày 12 người và đêm 12 người.
Khi phóng viên hỏi: "Công ty hợp đồng 24 người thì chỉ cung cấp 24 người, sao phải thuê thêm 10 người và không mặc đồng phục?". Ông Phương giải thích: "Tại vì tôi không muốn họ mặc đồ bảo vệ mà ra kéo xe, nhạy cảm"!
Trả lời phóng viên về việc 10 người "ngoài hợp đồng", công ty có báo với BOT Cai Lậy hay không, ông Phương cho rằng có báo cáo miệng, với một người ở bộ phận văn phòng.
Ngoài ra, ông Phương còn cho biết ngày 2-12, khi clip về việc nhiều người lạ xuất hiện, có biểu hiện đe dọa tài xế đăng tải, ông Lưu Văn Hào (Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - chủ đầu tư BOT Cai Lậy) và ông Nguyễn Phú Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang) đã mời đại diện công ty bảo vệ đến làm việc. Tại đây, ông Hào cho rằng sẽ làm văn bản gửi công an điều tra.
Bộ GTVT, Bộ Công an, tỉnh Tiền Giang cùng đồng loạt vào cuộc để giải quyết sự việc liên quan đến BOT Cai Lậy.