Vụ thanh niên “hổ báo” đá, vụt nữ sinh sau tai nạn giao thông: Có dấu hiệu hình sự
Các luật sư đánh giá, từ hình ảnh của clip ghi lại có thể nhận định, thanh niên “hổ báo” đá, vụt nữ sinh sau va chạm giao thông có dấu hiệu phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Chuyển hướng quay xe sai luật?
Ngày 8/12, Công an phường Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) vẫn đang lấy lời khai Lê Tấn Thành (29 tuổi) để làm rõ việc người này có hành vi đánh nữ sinh sau va chạm giao thông ở địa bàn phường Tân Bình Hiệp.
Hình ảnh Thành tấn công nữ sinh vừa gặp tai nạn gây bức xúc dư luận. (Ảnh cắt từ clip)
Trước đó, chiều 7/12, Thành điều khiển xe máy chở theo người phụ nữ lưu thông trên đường Bùi Ngọc Thu. Khi đến đoạn khu phố 5 (phường Tương Bình Hiệp), Thành bất ngờ quay đầu xe. Thời điểm này, hai nữ học sinh chạy xe đạp điện đi tới tông vào đuôi xe của Thành.
Tiếp đó, một phụ nữ điều khiển xe máy ngay sau hai học sinh xử lý không kịp nên đã lao vào hiện trường vụ tai nạn.
Vụ va chạm khiến cả 5 người ngã nhào xuống đường. Sau va chạm, Thành hùng hổ lao tới đá liên tiếp vào mặt nữ sinh điều khiển xe đạp điện, khi mọi người can ngăn Thành vẫn cầm 1 cây gậy (được cho là gậy ba khúc) vụt vào đầu nữ sinh.
Thấy vậy người dân lao vào can ngăn Thành mới chịu dừng lại nhưng vẫn tiếp tục chửi bới. Một số người dân can ngăn cũng bị Thành chửi và đe dọa.
Toàn bộ diễn biến vụ việc được camera an ninh nhà dân gần đó ghi lại và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ ý kiến bức xúc trước hành vi của Thành và đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối tượng này.
Trao đổi với PV về vụ việc trên, luật sư Trần Tuấn Anh và luật sư Lê Văn Kiên (Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá, hành vi của Lê Tấn Thành có dấu hiệu vi phạm Luật giao thông đường bộ khi quay đầu xe không quan sát dẫn tới tai nạn giao thông.
“Khoản 2, điều 15 (Chuyển hướng xe), Luật giao thông đường bộ có quy định: Người lái xe chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
Qua clip ghi lại có thể thấy, trong khi chuẩn bị chuyển hướng sang đường, Thành có giảm tốc độ, nhưng không dừng xe chờ đợi đường thoáng mới di chuyển. Giữa lúc đường vẫn có nhiều phương tiện đang chạy tới, Thành rất nhanh cho xe chạy ngang đường, khi đến giữa đường lại bất ngờ dừng xe dẫn tới tai nạn.
Hành vi của Thành có thể đánh giá là thiếu quan sát khi chuyển hướng dẫn tới tai nạn giao thông hoặc quan sát thấy trở ngại, nguy hiểm cho người và phương tiện nhưng vẫn cố tình chuyển hướng, việc này dẫn tới tai nạn giao thông”, luật sư Tuấn Anh phân tích.
Đồng quan điểm với luật sư Tuấn Anh, luật sư Lê Văn Kiên cho biết thêm, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, với hành vi điều khiển xe chạy chuyển hướng không đúng quy định gây tai nạn giao thông, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Có dấu hiệu hình sự
Luật sư Trần Tuấn Anh và luật sư Lê Văn Kiên cho rằng, chưa cần xét đến đúng sai trong vụ tai nạn thì hành vi tấn công nữ sinh gặp tai nạn của Lê Tấn Thành không chỉ thiếu văn hóa giao thông, mà còn có dấu hiệu phạm tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điều 134, Bộ luật Hình sự. Hành vi của Thành đáng bị lên án và cần xử lý nghiêm.
“Sau khi xảy ra tai nạn, thấy người gặp tai nạn ngã, đặc biệt là phụ nữ, Thành đáng ra phải tiến tới hỏi han, xem tình trạng sức khỏe họ thế nào.
Ngược lại, Thành phản ứng như một kẻ côn đồ, lập tức xông tới vung chân đá tới tấp vào đầu nữ sinh vừa ngã sấp mặt và có thể vẫn chưa hết choáng váng vì tai nạn. Thậm chí, Thành còn cầm vật như gậy ba khúc vụt nữ sinh dù mọi người xung quanh đã chạy tới can ngăn.
Hành động của Thành có dấu hiệu phạm tội thuộc các trường hợp “có tính côn đồ” và “sử dụng hung khí nguy hiểm” quy định định tại điều 134, Bộ luật Hình sự. Với 2 dấu hiệu trên, cơ quan điều tra có thể khởi tố hình sự để xử lý Thành ngay cả khi tổn thương cơ thể của nữ sinh bị tấn công dưới 11%”, luật sư Tuấn Anh phân tích.
Các luật sư cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng có quy định xử lý đối với hành vi tấn công người gặp tai nạn. Theo đó, người xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn hoặc người gây tai nạn sẽ bị xử phạt 6 triệu đến 8 triệu đồng. Người vi phạm nếu là người điều khiển phương tiện sẽ bị tước Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
“Một hành vi chỉ bị xử lý 1 lần, vì vậy trong trường hợp hành vi của Thành không bị xử lý hình sự thì đối tượng sẽ bị xử lý hành chính vì đã xâm phạm sức khỏe của nữ sinh gặp tai nạn với mức phạt từ 6-8 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung”, luật sư Kiên nhận định.
Thanh niên có hành vi đá, vụt vào mặt nữ sinh sau va chạm giao thông ở Bình Dương đã bị công an đưa về trụ sở lấy lời...
Nguồn: [Link nguồn]