Vụ thanh niên bị tố làm thịt chim quý: Hồng hoàng khác gì cao cát?
Chim hồng hoàng và cao cát có những đặc điểm khác nhau để phân biệt qua ngoại hình bên ngoài.
Ông Tuấn cầm trên tay những con chim đã vặt lông.
Liên quan vụ việc một người đàn ông bị tố làm thịt chim hồng hoàng quý hiếm khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”, ông Mang Văn Thới - Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cho biết, đơn vị này đã vào cuộc tìm hiểu và có thông tin bước đầu.
Theo đó, người đăng tải hình ảnh lên Facebook tên Tuấn, hiện đang cư trú tại huyện Củ Chi (TP.HCM). Qua trao đổi, người này xác nhận việc đăng tải những bức ảnh nói trên, nhưng khẳng định chỉ mượn chim để chụp ảnh đăng Facebook chứ không mua, không ăn thịt.
“Ông Tuấn nói trên đường đi đám cưới về, đến đoạn đường qua xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh thì thấy người ta bán chim lạ với giá 120 ngàn/con nên lại xem thử. Sau đó, ông Tuấn mượn cầm chụp hình chứ không mua”, ông Mang Văn Thới - Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh thuật lại lời ông Tuấn.
Ảnh thực tế chim hồng hoàng. (Ảnh: Infonet)
Tuy nhiên, ông Thới cho biết, qua xác minh ban đầu tại khu vực mà ông Tuấn thấy người ta bán chim, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh không thấy tụ điểm nào mua bán chim như vậy. Do đó, để xác minh thực hư vụ việc này cần sự đấu tranh, điều tra của lực lượng công an nơi ông Tuấn cư trú, tức Công an huyện Củ Chi.
“Nhưng khả năng rất lớn đó là chim cao cát, nằm trong phụ lục II - Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) là mua bán có kiểm soát. Với cao cát, việc mua bán với tổng trị giá trên 150 triệu đồng sẽ bị xử lý hình sự, và mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Trong khi đó, hồng hoàng thuộc diện quý hiếm và được ưu tiên bảo vệ, chỉ cần mua bán 01 con cũng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Thới nói.
Về lý do nhận định con chim trong vụ việc là cao cát, ông Thới cho biết: Hồng hoàng to, đứng cao trên 1m, trong khi con chim trong ảnh chỉ đứng cao khoảng 45cm. Ngoài ra, hồng hoàng có thể nặng tới 4kg, trong khi cao cát chỉ tối đa là 1,5kg (theo ông Tuấn, con chim ông cầm chụp ảnh chỉ nặng khoảng 0,5kg).
Ảnh thực tế chim cao cát. (Ảnh: Du lịch Nha Trang)
Đặc điểm đáng chú ý tiếp theo là mỏ hồng hoàng màu vàng, trong khi con chim trong vụ việc có mỏ nhạt hơn. Bên cạnh đó, hồng hoàng có bụng màu đen, phân biệt rõ với bụng trắng của loài cao cát bụng trắng thường thấy.
“Nếu là hồng hoàng thì không ai làm thịt, bởi chỉ riêng mỏ của nó được người ta rao bán trên thị trường với giá trị ngang ngà voi rồi”, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh nói.
Tương tự, ông Lê Văn Tánh - Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước cũng nhận định con chim trong vụ việc là cao cát.
“Trong họ hồng hoàng có nhiều loài, trong đó có phượng hoàng đất hay còn được gọi chung là hồng hoàng rất to (cỡ con ngỗng), mỏ màu vàng sẫm; còn con trong ảnh nhỏ, chỉ cỡ bằng con gà và mỏ màu vàng nhạt nên theo tôi đây là con cao cát thuộc họ hồng hoàng. Tuy nhiên đó chỉ là nhận định qua hình, còn thực tế thế nào thì cần phải giám định”, ông Tánh nói.
Một người đàn ông vừa khoe việc làm thịt 2 con chim hồng hoàng - loại có giá trị gấp 3 lần so với ngà voi.