Vụ tài xế 16 tuổi tông người chờ đèn đỏ: Có phải đã khép lại?
Các ý kiến luật sư đều cho rằng cần phải đợi kết luận giám định chính thức mới khẳng định có khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hay không.
Liên quan vụ tài xế 16 tuổi tông năm người chờ đèn đỏ ở tỉnh Bình Thuận, ngày 4-9, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Bình Thuận cho biết kết quả giám định tổng tỉ lệ thương tích tạm thời đối với năm nạn nhân đang chờ đèn đỏ bị ô tô tông ngã là 50%.
Với tỉ lệ này, cơ quan chức năng chưa đủ cơ sở khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với hai cha con liên quan trực tiếp tới vụ tai nạn. Từ sự việc trên, bạn đọc đã có một số thắc mắc như với kết quả giám định tạm thời như trên thì vụ việc có phải đã khép lại hay không và trách nhiệm pháp lý của hai cha con trong vụ việc này sẽ như thế nào?
Vụ việc có phải đã khép lại?
Theo Công an huyện Tuy Phong, sau khi các nạn nhân bình phục sẽ tiếp tục trưng cầu giám định, nếu tổng tỉ lệ thương tích của các nạn nhân từ 61% đến 121% thì sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can.
Nêu nhận định về vụ việc này, ThS - luật sư (LS) Nguyễn Văn Dũ, Đoàn LS TP.HCM, cho biết xem lại các góc quay camera tại khu vực xảy ra vụ tai nạn giao thông, thấy rằng người điều khiển ô tô con đã thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, khả năng không phát hiện được phía trước đang có đèn đỏ…
Do đó, khi phát hiện xe tải phía trước cùng chiều dừng chờ đèn đỏ thì người điều khiển ô tô con đánh lái sang phải để đi tiếp. Ngay lúc này ở phía trước lại có nhiều xe máy đang dừng chờ đèn đỏ, người điều khiển ô tô con không kịp thắng, đã đụng từ phía sau, làm nhiều người bị thương và thiệt hại về tài sản. Từ đó cho thấy nguyên nhân của vụ tai nạn do lỗi của người điều khiển ô tô con.
Theo khoản 1 Điều 12 BLHS, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà BLHS có quy định khác.
Mặt khác, theo Điều 260 BLHS năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (GTĐB), thì người nào tham gia GTĐB mà vi phạm quy định về an toàn GTĐB, gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù 1-5 năm:… Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%...
Hiện trường vụ tai nạn do tài xế điều khiển ô tô mang biển số 60A-668.00 gây ra ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Ảnh: CACC
“Theo thông tin được biết hiện nay tổng tỉ lệ thương tích của các nạn nhân tạm tính dựa trên đặc điểm thương tích và căn cứ theo Thông tư 22/2019 của Bộ Y tế thì tổng tỉ lệ thương tích từ 50% đến 85%, chứ chưa có kết luận giám định tỉ lệ thương tích chính thức. Ngoài ra, thiệt hại về tài sản tạm tính dưới 50 triệu đồng.
Do đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Phong chưa khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can là hoàn toàn có căn cứ” - ThS-LS Nguyễn Văn Dũ nói.
Cũng theo ThS-LS Dũ, hiện nay cơ quan chức năng chưa khởi tố để chờ kết luận giám định chính thức chứ không phải dựa theo tỉ lệ thương tích tạm thời để khép lại vụ việc.
Sau khi các nạn nhân xuất viện, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Phong sẽ trưng cầu giám định tỉ lệ thương tích và trưng cầu giám định thiệt hại về tài sản. Khi có kết quả giám định tỉ lệ thương tích và kết luận định giá tài sản thiệt hại chính thức thì mới có cơ sở khẳng định có đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia GTĐB, theo Điều 260 BLHS hay không.
Trách nhiệm pháp lý của người cha như thế nào?
Cũng liên quan đến vụ việc trên, LS Phạm Viết Dũng, Đoàn LS tỉnh Bình Thuận, cho biết: Theo khoản 1 Điều 264 BLHS quy định về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia GTĐB thì người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe… gây thiệt hại cho người khác (thuộc một trong các trường hợp tương tự như khoản 1 Điều 260 BLHS) thì bị phạt tiền 10-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.
“Theo đó, TNHS của người cha sẽ gắn liền với TNHS của người con. Nghĩa là khi hậu quả vụ tai nạn giao thông do người con gây ra thuộc khoản 1 Điều 260 BLHS thì người cha sẽ bị truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều 264 BLHS” - LS Dũng nói.
Trong trường hợp người con chưa đủ 16 tuổi (không chịu TNHS theo Điều 260 BLHS hoặc không có năng lực TNHS) nhưng gây hậu quả thuộc trường hợp khoản 1 Điều 260 BLHS thì người cha vẫn phải chịu TNHS theo khoản 1 Điều 264 BLHS.
“Tóm lại, TNHS của người cha có hay không cũng phải đợi kết luận giám định chính thức” - LS Phạm Viết Dũng nói.
Tóm tắt nội dung vụ việc Khoảng 6 giờ 34 phút ngày 2-9, khi năm phụ nữ dừng năm xe máy chờ đèn đỏ tại Quốc lộ 1A đoạn qua xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong thì bị ô tô mang biển số 60A-668.00 tông ngã. Vụ tai nạn làm bà NTXN (ngụ thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong) bị thương nặng, hiện đang điều trị tại BV Chợ Rẫy. Bốn người khác bị thương nhẹ, hiện đang điều trị tại BV đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Qua điều tra, xác định chiếc xe gây tai nạn là của ông NCT. Theo đó, rạng sáng 2-9, ông T điều khiển xe chở hai con trai đi du lịch theo Quốc lộ 1A hướng TP.HCM - Nha Trang. Khi tới địa phận huyện Tuy Phong, do buồn ngủ và mệt mỏi, ông T đã giao tay lái cho con trai là NCH (mới 16 tuổi, chưa có giấy phép lái xe) điều khiển xe. Khi H điều khiển xe di chuyển được khoảng 5 km thì tông vào năm xe máy đang dừng tại đèn tín hiệu giao thông, đoạn chuẩn bị vào đường dẫn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. |
Nguồn: [Link nguồn]
Người phát ngôn Công an tỉnh Bình Thuận, các luật sư đã có những phân tích vì sao đến nay tạm thời vẫn chưa đủ cơ sở để khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ cha giao...