Vụ tai nạn 7 người chết: Nỗi đau xuyên biên giới
Vụ tai nạn hy hữu xảy ra trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương khiến 7 người chết và 7 người bị thương nặng ngày 16/4 để lại những hoàn cảnh thương tâm khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt, đặc biệt là sự ra đi của cả hai vợ chồng người Pháp.
Về đám giỗ thành ngày giỗ
Sáng 17/4, rất đông bà con hàng xóm ở ấp 1 xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đến thăm viếng, thắp nén nhang cho hai mẹ con chị Lê Thị Hồng Châu và cháu Châu Bảo Văn bị nạn trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Trong hình ảnh cuối cùng ghi lại cảnh trên chiếc xe khách BKS 71B-001.26, chị Châu đang bồng cháu Văn ngồi ở hàng ghế phía sau tài xế. Cháu Văn là nạn nhân nhỏ tuổi nhất trong số 7 nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn nghiêm trọng này.
42 vụ TNGT trên cao tốc TP HCM - Trung Lương Thống kê của Trung tâm Quản lý đường cao tốc TP HCM - Trung Lương cho thấy, từ khi đưa vào khai thác đến nay đã xảy ra 42 vụ tai nạn khiến 41 người tử vong và 141 người bị thương. Những vụ tai nạn trên đường cao tốc phần lớn là do các xe va chạm với nhau. Vụ tai nạn giữa xe khách BKS 71B-001.26 với xe bồn tưới nước được xem là rất hy hữu nhưng khiến 7 người chết và 7 người bị thương. Trước đó, ngày 13/6/2011 hai xe va chạm nhau trên đường cao tốc cũng khiến 5 người chết tại chỗ và 3 người chết trên đường đi cấp cứu. |
Ông Lê Văn Thuận (70 tuổi), bố ruột của chị Châu, sau một ngày khóc con cháu, gương mặt bơ phờ, hốc hác. Ông kể, ngày 11/4, Châu cùng chồng và con từ TP HCM về nhà làm giỗ người thân. Đến ngày 14/4, chồng Châu có việc phải về trước để đi làm, chị Châu và cháu nán lại chơi với ngoại vài ngày rồi lên sau. “Tại lâu lâu nó mới đưa cháu về, tôi muốn giữ lại chơi vài ngày cho khuây khỏa, không ngờ ngày về ăn giỗ lại là ngày gặp nạn của hai mẹ con nó”, ông Thuận nức nở.
Cách đó không xa, căn nhà 60/1 Lê Thị Hồng Gấm, phường 6, TP Mỹ Tho cũng trong cảnh tang tóc. Ông Trần Văn Hải và bà Lê Thị Sen sau hai tháng điều trị bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã được về nhà. Ngày 16/4, là ngày bác sĩ hẹn lên tái khám. Anh Trần Thanh Phong là con trai ông Hải đưa ba mẹ đi bệnh viện thì cả ba đều gặp nạn, ông Hải ra đi mãi mãi còn anh Phong và bà Sen thì bị chấn thương nặng.
Chiều 17/4, anh Trần Thanh Phong đã tỉnh nhưng vẫn phải nằm tại Khoa Chấn thương sọ não để theo dõi. Trong buổi sáng định mệnh đó, sau khi đã điện thoại đặt chỗ và hẹn xe tới đón, chiếc xe mà anh thường hay đi. Vì ba mẹ già nên được ưu tiên ngồi trước gần với cửa lên xuống ở bên phải, anh Phong ngồi hàng ghế sát phía sau. Khi anh mang chiếc xe lăn của ba mình để phía sau thì có một hành khách nữ ngồi vào chỗ của mình, anh Phong đành nhường ghế phía trước và lui ngồi băng ghế sau cùng. Đang chăm chú đọc báo thì nghe tiếng “rầm”, anh bị kẹt vào giữa hai hàng ghế, mặt bị đập mạnh vào hàng ghế phía trước khiến anh choáng váng. Khi bò lên phía trên thì ba đã bất tỉnh, anh cố hết sức để kéo ba ra ngoài rồi đưa lên xe cấp cứu nhưng đã quá muộn, ông Trần Thanh Hải đã tử nạn khi trên đường đến bệnh viện. Bà Lê Thị Sen thì bị chấn thương gãy xương vai. “Đưa ba mẹ lên Bệnh viện Chợ Rẫy để tái khám, ai dè chuyến đi lại đau đớn thế này” - anh Phong nức nở.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (thứ hai từ phải sang) đến thăm hỏi, động viên nạn nhân đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy
Vợ chồng người Pháp tử nạn
Trên chuyến xe định mệnh ngày hôm đó còn có vợ chồng người Pháp là ông Loreal Jacques Jean (64 tuổi) và bà Loreal Boussiron Nicole (60 tuổi). Theo lời của chủ khách sạn nơi vợ chồng này thuê thì hai ông bà đã đi tham quan một số tỉnh ở miền Tây đang trên đường trở lại TP HCM để bay về nước. Trước khi đi ông còn nói với chủ khách sạn là sẽ quay trở lại Việt Nam nhưng không ngờ đây là chuyến đi cuối cùng. Ông chồng chết tại chỗ, còn bà vợ thì chết khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang - cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan nhanh chóng làm việc với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để có hướng xử lý kịp thời.
Ngày 17/4, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đã đến thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau cùng các gia đình bị nạn ở Tiền Giang. Ông Thái cho biết, qua phân tích số liệu hộp đen thì lúc bị nạn chiếc xe khách đang chạy tốc độ 92km/h, vẫn nằm trong phạm vi tốc độ cho phép khi tham gia lưu thông trên đường cao tốc. Theo đánh giá của CSGT, nguyên nhân bước đầu xác định là do lái xe Trần Thanh Phong điều khiển xe khách BKS 71B-001.26 thiếu chú ý quan sát, gây ra tai nạn.
Sớm làm rõ nguyên nhân vụ xe khách đâm xe bồn Chiều 17/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã có Công điện gửi Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Y tế và các địa phương có các tuyến đường cao tốc đi qua. Công điện nêu rõ: Ngày 16/4/2014, trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương đã xảy ra vụ TNGT giữa xe khách 29 chỗ với xe bồn tưới nước làm 7 người tử vong và 7 người khác bị thương. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Ban ATGT TP Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các bệnh viện khẩn trương cứu chữa cho những người bị tai nạn, tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ gia đình có người chết; Tiếp tục phối hợp chỉ đạo khắc phục hậu quả tai nạn; Phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tổ chức cấp cứu TNGT trên mạng đường bộ cao tốc. Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Tiền Giang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn để xử lý, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp khắc phục, ngăn chặn những vụ tương tự. Được biết, ngay sau khi vụ TNGT xảy ra (ngày 16/4), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đại diện lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đã đến thăm hỏi và động viên các nạn nhân và gia đình người bị nạn. Bộ GTVT đã hỗ trợ 5 triệu đồng với mỗi gia đình có người chết, 3 triệu đồng/người bị thương; Ủy ban ATGT Quốc gia hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi gia đình người chết, 1 triệu đồng/người bị thương và Tổng cục Đường bộ VN hỗ trợ mức 5 triệu đồng/gia đình người chết, 2 triệu đồng/người bị thương. KH |