Vụ sạt lở ở Đà Lạt: Từ tư vấn đến thi công đều có vấn đề

Liên quan đến vụ sập ta luy kinh hoàng tại hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám, TP Đà Lạt vào ngày 29/6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp khẳng định tư vấn, giám sát, thiết kế, thi công đều có vấn đề.

Vụ sạt lở ta luy gây hậu quả nghiêm trọng ở hẻm đường Hoàng Hoa Thám

Vụ sạt lở ta luy gây hậu quả nghiêm trọng ở hẻm đường Hoàng Hoa Thám

Ngày 12/7, kỳ họp thứ 10 của HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, bước vào ngày làm việc thứ 2.

Giải trình những vấn đề thuộc thẩm quyền điều hành của UBND tỉnh mà đại biểu HĐND quan tâm như đất đai, xây dựng…, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói: Việc cấp phép xây dựng, quản lý hoạt động xây dựng ở một số địa phương còn hạn chế, thậm chí còn buông lỏng và đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

“Trường hợp sạt lở sập ta luy vừa rồi ở đường Hoàng Hoa Thám, TP Đà Lạt làm 2 người chết, 5 người bị thương, hư hại nhiều căn nhà là rất đau lòng. Tôi khẳng định từ tư vấn đến giám sát, thiết kế, thi công đều có vấn đề”, ông Hiệp nói.

Cũng theo ông Trần Văn Hiệp, Công an TP Đà Lạt đã khởi tố vụ án, tiến hành điều tra với tinh thần không có trường hợp nào ngoại lệ.

Công an khám nghiệm hiện trường

Công an khám nghiệm hiện trường

“Đây là bài học kinh nghiệm xương máu trong công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, địa phương và nhất là ý thức chấp hành văn bản chỉ đạo của cấp trên trong quá trình thực hiện” ông Hiệp đúc kết.

Tại cuộc họp này, Chủ tịch tỉnh còn nhận định, tình hình thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, liên tục có những cơn mưa lớn kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở.

Do đó, ban ngành chức năng phải siết chặt công tác quản lý trật tự đô thị, đất đai, đặc biệt là Đà Lạt, Bảo Lộc và vùng phụ cận; nghiên cứu soạn thảo những tiêu chí về quy chuẩn quy hoạch để đưa việc quản lý trật tự xây dựng đô thị vào khuôn phép.

Theo ông Trần Văn Hiệp, qua rà soát, toàn tỉnh có 73 vị trí có nguy cơ bị ngập, 163 vị trí có nguy cơ sạt lở đất khi xảy ra mưa lớn. Địa phương đã di dời 94 hộ, thời gian tới sẽ tiếp tục di dời 150 hộ đến nơi an toàn.

Về phía Sở Xây dựng Lâm Đồng, ông Lê Quang Trung, Giám đốc sở thông tin, việc cấp phép xây dựng đã được tỉnh phân cấp: Sở Xây dựng chỉ cấp phép công trình cấp 2, còn lại tất cả các công trình khác đều do cấp huyện cấp phép.

Đối với kè ta luy chắn đất, bảo vệ đất, phải có đầy đủ các hồ sơ về thiết kế kỹ thuật, hồ sơ khảo sát địa chất, địa hình và được thẩm định kết cấu trước khi cấp phép xây dựng.

Bờ kè ta luy này được xây cao hơn so với quy định

Bờ kè ta luy này được xây cao hơn so với quy định

Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng, sở đã có nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết cho các địa phương. Cụ thể, ở nơi độ dốc 1-1 thì không phải xây kè ta luy. Những vị trí có độ dốc cao thì phải xây kè và chiều cao bờ kè ta luy không vượt quá 4m. Đối với các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở, không an toàn thì không cấp phép xây dựng.

Lãnh đạo Sở Xây dựng nhìn nhận, xảy ra những vụ vi phạm thế này, ngành cũng có trách nhiệm vì chưa thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc tổ chức quản lý trật tự xây dựng của chính quyền cơ sở.

Vụ sạt lở 2 người chết ở Đà Lạt: Cần 2 tháng để kết luận nguyên nhân, trách nhiệm

Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND Lâm Đồng - cho biết dự án được cấp phép dưới hành lang điện, thi công sai ranh giới, cấp phép chưa tính toán hết khối lượng đất khoảng 6.000...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Anh ([Tên nguồn])
Lâm Đồng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN