Vụ sập nhà cổ ở HN: Người dân được vào nhà lấy đồ đạc
Những người sống ở gần hiện trường ngôi biệt thự Pháp đổ sập đã được vào nhà để lấy đồ đạc. Mỗi hộ được phép 1-2 người vào và đi cùng là một chiến sĩ công an để đảm bảo an toàn.
Xếp hàng về nhà lấy đồ đạc
Sáng nay (23.9), nhiều người dân sống ở ngõ 107 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tập trung trước hiện trường ngôi biệt thự Pháp đổ sập để chờ đến lượt vào nhà lấy đồ. Khoảng gần 9h sáng, từng gia đình lần lượt được vào trong nhà để lấy đồ đạc. Mỗi lần chỉ được 1-2 người vào và đi cùng là một chiến sĩ công an để đảm bảo an toàn và bảo vệ tài sản cho người dân.
Công an vẫn phong tỏa hiện trường để đảm bảo tài sản cho người dân và phục vụ công tác điều tra.
Đứng bên hàng rào nhìn vào hiện trường, anh Nguyễn Đăng Việt (42 tuổi), một người dân sống trong khu tập thể 107 Trần Hưng Đạo cho biết: “Tôi vừa đi ra khỏi nhà thì nghe thấy vợ gọi điện thông báo nhà sập. Chạy về thì thấy khung cảnh tan hoang hiện ra trước mắt. Rất may, vợ và con tôi không bị sao. Bây giờ, tôi chỉ mong vào nhà để lấy ít quần áo và giấy tờ lên phường làm thủ tục nhận nhà ở tạm”, anh Việt nói.
May mắn khi không có mặt ở nhà lúc vụ sập xảy ra, bà Lê Thị Minh Tâm (57 tuổi) cho biết: “Lúc ấy tôi có việc ra ngoài nên thoát nạn. Tuy nhiên, chị Hường (bà Lê Thị Quý Hường (SN 1968, quê Thường Tín) đã tử vong - PV) - người thuê nhà tôi để bán rau đã không may mắn khi ngôi nhà đổ sập vào cầu thang và gian bếp”.
“Sáng nay, tôi về hiện trường từ lúc 5h sáng để xin vào nhà lấy quần áo, đồ dùng cần thiết. Gia đình tôi cũng đăng ký để UBND phường sắp xếp chỗ ở tạm thời ”, bà Tâm cho biết thêm.
Đang về quê thì nhận được tin nhà sập, chị Vui tức tốc bắt xe từ quê lên. Khuôn mặt lo lắng, chị nói: “May mắn là chồng và con tôi không sao. Đêm qua, con trai tôi sang Định Công nhận nhà ở tạm. Tuy nhiên, do nhà chưa có đồ đạc gì, nhiều muỗi không ngủ được nên cả nhà tôi phải thuê nhà nghỉ để ngủ”.
Những đống gạch, ngói đổ nát chưa được thu dọn.
Do lo lắng còn nhiều tài sản trong nhà nên 2 vợ chồng chị Thu đi thuê một phòng trọ gần đó để ngủ. Vừa vào trong nhà lấy quần áo và đồ dùng, chị Thu cho biết: “Sáng nay, tôi và chồng đã lên phường đăng kí để lấy chỗ ở tạm nhưng chưa biết đến bao giờ được phân nên đồ đạc bây giờ chuyển hết về phòng trọ. Khi nào có thông báo của phường thì vợ chồng tôi chuyển đến nhà tạm”.
Người dân vẫn hoảng sợ sau vụ sập nhà
23h giờ đêm 22.9, 13 hộ dân đã di chuyển từ khu đổ nát của căn nhà sập số 107 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến nơi ở mới. Đến sáng nay (23.9), một số hộ dân tiếp tục dọn đồ đạc đến ở.
Khuôn mặt thẫn thờ, chưa hết hoảng sợ, bà Trần Thị Sửu, 55 tuổi cho biết, sau vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo, nhà bà bị gạch vữa đổ đè vào tầng 1 gây hư hỏng nhà, đồ đạc. Tối ngày 23.9, ba mẹ con bà đã đến tòa nhà CT1B ở tạm.
Người dân sống ở nơi ở tạm tại tòa nhà CT1B
Thời điểm xảy ra vụ sập nhà, bà Sửu cùng hai con ở trong nhà. Bà cùng con trai học lớp 7 Bùi Đức Khiêm ở tầng 1, còn con gái bà là em Bùi Minh Châu (SN 1995) ở trên tầng 2.
Khi ngôi nhà 107 sập đổ, gạch vữa đổ dồn về phía trước nhà bà Sửu. Bà và các con bị mắc kẹt trong nhà. Khoảng 15 phút sau khi xảy ra sự việc, lực lượng cứu hộ đến, đập tường cứu bà và con trai ra ngoài. Bà Sửu may mắn chỉ bị xây xát ở chân.
“Hiện tại, tôi vẫn đang hoảng sợ khi nhớ về khoảnh khắc xảy ra vụ sập nhà 107. Từ tối qua tới nay tôi không thể nuốt nổi cơm cũng vì lo sợ. Cuộc sống của chúng tôi đang gặp khó khăn do phải nghỉ làm, thiếu thốn đồ đạc”, bà Sửu nói.
Bà Trần Thị Sửu vẫn chưa hết hoảng sợ sau vụ sập nhà khiến 2 người tử vong, 6 người bị thương
Bà Sửu cho hay, UBND phường Cửa Nam mới thông báo cho người dân đến nơi ở mới, chưa nói đến bao giờ sẽ chuyển về nơi ở cũ. Hiện tại, bà Sửu cũng chưa nhận được hỗ trợ gì từ chính quyền, đơn vị quản lý tòa nhà.
“Toàn bộ đồ đạc trong nhà của gia đình tôi đều bị gạch vữa đổ vào. Giờ lại không thể bán hàng được, chúng tôi không biết xoay sở ra sao. Thêm nữa, lại phải lo tiền ăn hằng ngày cho hai con đang đi học. Cuộc sống của gia đình vốn đã khó khăn lại càng thêm khó”, bà Sửu chia sẻ.
Bà Trịnh Thị Hương (40 tuổi), người dân chịu ảnh hưởng sau vụ sập nhà 107 cho hay, gia đình bà có 3 người chuyển đến nơi ở mới. Mọi đồ đạc đều bị mắc kẹt ở trong nhà, do vậy, gia đình bà chỉ mang sang ít quần áo. Các hộ dân được phát tạm một chiếc chiếu để có chỗ nghỉ qua đêm.
“Do không có đồ đạc nấu ăn nên chúng tôi phải mua đồ ăn chín ở ngoài. Cũng may là vụ sập nhà không làm ai trong gia đình chúng tôi bị thương. Chúng tôi chỉ biết được bố trí ở tạm tại đây, cũng chưa rõ bao giờ thì dọn về nơi ở cũ”, bà Hương nói.
Sáng 23.9, hiện trường vụ sập ngôi biệt thự Pháp cổ 107 Trần Hưng Đạo vẫn ngổn ngang.
Phía bên trong, lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường để tìm ra nguyên nhân gây sập.
Rất đông người dân đứng chờ bên ngoài để đợi vào trong nhà lấy đồ đạc.
Những khuôn mặt lo lắng chờ đợi của người dân có tài sản trong nhà.
Chị Vui, một người dân sống ở khu nhà gần hiện trường đổ sập đang đợi vào nhà để lấy đồ đạc.
Chị Thu cùng chồng vừa vào nhà mang ra được rất nhiều đồ dùng.
Những vật dụng quan trọng nhất như quần áo, đồ dùng cá nhân, giấy tờ và tiền bạc của người dân… được vận chuyển ra ngoài.
Các chiến sĩ công an cũng phụ giúp người dân để mang vác đồ ra bên ngoài.
Đến trưa, nhiều người phải ngồi ăn bánh mì bên ngoài cổng để chờ đến lượt vào trong nhà lấy tài sản.
Tòa nhà CT1B Định Công (quận Hoàng Mai), nơi 16 hộ dân đến ở tạm
Đồ đạc người dân chuyển đến nơi ở tạm
Những hộ gia đình đến ở tạm vào đêm 22.9 được Ban quản lý tòa nhà cấp cho một chiếc chiếu ngủ qua đêm.
Trong căn phòng có khu bếp nấu ăn
Do người dân chưa có đồ đạc nên phải ăn tạm bánh mì
Căn phòng người dân ở tạm rộng khoảng 50m2, có hai phòng ngủ