Vụ sập mái nhà thờ qua lời kể nhân chứng

"Nếu có người ở phía dưới chắc chắn là chết hết rồi anh ạ. Nhiều người gãy tay, chân. Một số người nằm im bất động".

Xung quanh vụ sập mái công trình nhà thờ Ngọc Lâm, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên xảy ra vào khoảng 9h30 ngày 17/1, PV đã đến hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.

Tại đây, một số người dân chứng kiến vụ sập kinh hoàng cho biết, vào thời điểm đó, trên mái có hàng chục người đang thi công và bên dưới là nhiều người khác đang trợ giúp với 7 máy trộn bê tông đang hoạt động. Vì việc đổ bê tông được tiến hành thủ công, nên trên mái lúc đó có mặt gần 100 người. Theo quan sát của PV, phần mái nhà thờ rộng khoảng 100m2 mới đổ bê tông đã bị sập hoàn toàn.

Vụ sập mái nhà thờ qua lời kể nhân chứng - 1

 Hiện trường vụ sập

Công trình Nhà thờ Ngọc Lâm được khởi công từ tháng 10/2012, phần thi công chủ yếu được huy động từ sức dân trong vùng. Công trình hoàn thành sẽ là nơi cầu nguyện, sinh hoạt tôn giáo của gần 300 giáo dân xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Phần mái sập có độ cao khoảng 10m so với mặt đất. Theo ghi nhận ban đầu, việc thi công được tiến hành một cách tương đối thủ công đối với công trình xây dựng lớn này.

Vụ sập mái nhà thờ qua lời kể nhân chứng - 2

Anh Hiệu trao đổi với PV

Tại hiện trường, anh Phạm Quang Hiệu (45 tuổi, xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) kể: “Khi xảy ra vụ sập mái vòm nhà thờ Ngọc Lâm, tôi cách xa nhà thờ khoảng 1km. Tôi nghe thấy nhiều tiếng nổ to từ phía nhà thờ. Ban đầu tôi cứ ngỡ cháy nhà hay nổ bom, bình gas gì đó. Nhưng ít phút sau tôi thấy mọi người kéo đến vị trí nhà thờ rất đông. Lúc này tôi mới hốt hoảng chạy về phía nhà thờ, đồng thời nhiều taxi cũng chạy đến hiện trường cứu người”.

“Vừa chạy, tôi vừa hoảng hồn thấy xe cứu thương, xe PCCC chạy rầm rầm cùng người dân đưa người bị thương rời khỏi nhà thờ qua cầu vào bệnh viện. Lúc tới hiện trường, tôi chỉ biết hết sức lôi các thanh chống và sắt thép để đưa người ra”, anh Hiệu nhớ lại.

Vụ sập mái nhà thờ qua lời kể nhân chứng - 3

Các bệnh nhân đang cấp cứu tại bệnh viện

Còn anh Nguyễn Văn Quyền nhà cạnh nhà thờ Ngọc Lâm chưa hết hoảng hốt: “Tôi đang đi làm sơn, nghe sập vội chạy về nhà thờ để cứu người. Vì ở đây có anh và em trai tôi đang làm. Đến nơi nơi tôi lao vào đống đổ nát cứu họ cùng nhiều người dân trong xóm”.

“Rất may là toàn bộ những người bị nạn đều ở trên mái vòm nhà thờ, không người nào ở phía dưới. Nếu có người ở phía dưới chắc chắn là chết hết rồi anh ạ. Nhiều người gãy tay, chân. Một số người nằm im bất động. Mọi người nhanh chóng đưa họ đến bệnh viện”.

Còn tại cổng Bệnh viện Đa khoa Trung ương tỉnh Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Loan (người bán hàng nước ngoài cổng bệnh viện) cho biết: “Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa thấy ca tai nạn nào lại đông người vào bệnh viện cấp cứu như vậy. Xe cứu thương, xe taxi, xe máy… cứ chạy rầm rầm hàng tiếng đồng hồ đưa bệnh nhân vào viện".

Vụ sập mái nhà thờ qua lời kể nhân chứng - 4

Ông Đào trao đổi với PV

Trao đổi với PV – Ông Phan Bá Đào – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Khi xảy ra sự việc chúng tôi  đã tiếp nhận cùng lúc hàng chục bệnh nhân cấp cứu. Trong đó có 3 người đã tử vong, 19 người điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình, 10 người vào khoa tim mạch, 1 ca đang tiến hành mổ vỡ gan và một số bệnh nhân được diều trị tại các khoa khác”.

Theo ông Đào, tổng số người nhập viện là hơn 50 người. Do lượng bệnh nhân quá đông và cùng một lúc nên bệnh viện đã phải huy động toàn bộ lực lượng, thiết bị để tiến hành cấp cứu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiến Dũng (Kiến Thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN